20/02/2011 - 21:26

Trung tâm dạy nghề các quận, huyện

Nỗ lực nâng cao chất lượng hoạt động

Xác định đào tạo nghề và nâng cao chất lượng nguồn lao động là một trong nhiều khâu quan trọng của tiến trình phát triển, những năm gần đây, TP Cần Thơ đã đề ra nhiều chủ trương, thực hiện nhiều chính sách, dự án cho công tác đào tạo nghề. Trong đó, có việc đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động trung tâm dạy nghề (TTDN) các quận, huyện. Các trung tâm này đã trở thành điểm hẹn của nhiều người lao động địa phương có nhu cầu học nghề, tạo việc làm, góp phần tạo sự khởi sắc cho công tác dạy nghề ở cơ sở.

* Thu hút lao động học nghề

Phòng máy vi tính của TTDN huyện Phong Điền phục vụ cho học viên học nghề.  

TTDN huyện Phong Điền tọa lạc tại ấp Nhơn Lộc 1, thị trấn Phong Điền, khánh thành và hoạt động từ tháng 1-2011, sau khoảng 2 tháng xây dựng. Trung tâm có 3 phòng làm việc, 2 phòng học lý thuyết, 6 phòng thực hành với các thiết bị, máy móc được lắp đặt, chuẩn bị sẵn sàng để triển khai kế hoạch dạy nghề năm 2011. Ông Võ Văn Trung, Giám đốc TTDN huyện Phong Điền, cho biết: “Việc đưa vào sử dụng TTDN mới sẽ giúp huyện thuận lợi trong chiêu sinh, tổ chức các lớp sơ cấp và trung cấp nghề. Năm 2010, TTDN huyện Phong Điền đã mở 9 lớp dạy nghề sơ cấp cho 270 lao động các xã, thị trấn; TTDN kết hợp Trường Cao đẳng Cơ điện và Nông nghiệp Nam Bộ đào tạo 2 lớp Trung cấp nghề Điện và Kế toán Tin học cho 60 học viên. Năm 2011, trung tâm tiếp tục mở 12 lớp dạy nghề sơ cấp cho 360 lao động; 2 lớp Trung cấp nghề Điện dân dụng và Kế toán tin học”.

Năm 2008, TTDN quận Ô Môn thành lập và đi vào hoạt động, bước đầu gặp nhiều khó khăn, nhưng hằng năm, Trung tâm vẫn hoàn thành chỉ tiêu dạy nghề. Ông Trần Văn Cần, Giám đốc TTDN quận Ô Môn, cho biết: “Thời gian qua, trung tâm chủ yếu mở lớp tại các xã, thị trấn, giúp học viên làm quen với giờ giấc, nền nếp và kỷ luật học nghề”. Theo kế hoạch, năm nay, trung tâm đảm nhận 14 lớp dạy nghề sơ cấp tại các phường. Dự kiến trong tháng 3-2011, TTDN quận Ô Môn sẽ khai giảng 2 lớp Trung cấp nghề: Kế toán doanh nghiệp cho khoảng 70 học viên ở Trường THPT Thới Long và Thiết kế thời trang cho khoảng 40 học viên ở Trường phổ thông Dân tộc nội trú TP Cần Thơ. Khởi công vào tháng 9-2010, đến nay, trụ sở TTDN quận Ô Môn đạt khoảng 30% tiến độ xây dựng, dự kiến sẽ hoàn thành phân kỳ 1 vào năm 2012. Tổng kinh phí xây dựng TTDN quận trên 34,4 tỉ đồng, trong đó kinh phí xây dựng trên 23,8 tỉ đồng.

Đến nay, hầu hết các quận, huyện (ngoại trừ quận Ninh Kiều) đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng các TTDN để nhanh chóng đưa vào hoạt động, phục vụ công tác dạy nghề tại địa phương. Các nghề được TTDN các quận, huyện chọn đào tạo tương đối phù hợp với khả năng và điều kiện của người lao động, gồm: điện, điện tử, hàn, may gia dụng, may công nghiệp, tin học, chăn nuôi thú y, điện lạnh, sửa chữa xe gắn máy, xây dựng... Dù cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề chưa ổn định, nhưng các TTDN đã tăng cường kết hợp với các xã, phường, thị trấn và tổ chức lớp dạy nghề lưu động tại các xã, thị trấn, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động học nghề, tạo việc làm.

* Cần hỗ trợ để phát triển

Trong kế hoạch phát triển công tác đào tạo nghề và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của thành phố, việc xây dựng TTDN ở các quận, huyện được lãnh đạo thành phố quan tâm và chỉ đạo sâu sát thông qua nhiều văn bản phê duyệt vị trí đất và bố trí nguồn kinh phí xây dựng. UBND các quận, huyện có vai trò quan trọng trong chỉ đạo và thúc đẩy tiến độ xây dựng TTDN.

Thời gian qua, TTDN các quận, huyện đã góp phần làm khởi sắc hoạt động dạy nghề của thành phố. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng các trung tâm đã nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp để duy trì và tạo bước đột phá trong hoạt động dạy nghề, chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo thông qua các hoạt động: huy động học viên, chủ động liên kết đào tạo, tranh thủ nguồn kinh phí đầu tư về cơ sở vật chất, thiết bị của Trung ương và địa phương, quan tâm đào tạo đội ngũ giáo viên dạy nghề đạt chuẩn... Qua đó, các trung tâm là cầu nối để người dân có điều kiện tiếp cận nghề, việc làm, thụ hưởng các chính sách trợ giúp của Nhà nước. Học viên còn được trang bị kỹ năng, định hướng nghề nghiệp việc làm và tư vấn, giới thiệu việc làm phù hợp tại các doanh nghiệp.

Đến nay, ngoài TTDN huyện Phong Điền đã hoạt động, các TTDN quận, huyện khác cũng đang được xây dựng. Đây là một tín hiệu vui cho công tác dạy nghề của thành phố. Theo kế hoạch, thành phố phấn đấu đến năm 2015 xây dựng hoàn chỉnh và đưa vào hoạt động các TTDN quận, huyện, trước mắt để phục vụ Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn TP Cần Thơ đến năm 2020” theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo lãnh đạo các TTDN, thời gian qua, công tác chiêu sinh lao động học nghề, nhất là học Trung cấp nghề vẫn còn khó khăn, số lao động đăng ký học nghề không nhiều và không theo hết khóa học... Nguyên nhân chủ yếu do công tác tuyên truyền vận động học nghề chưa thật sự sâu rộng, người lao động chưa hiểu biết nhiều về các chủ trương, chính sách và quyền lợi sau khi học nghề. Mặt khác, nhận thức về tầm quan trọng của việc trang bị tay nghề, việc làm còn hạn chế nên lao động ngán ngại đăng ký học nghề dài hạn.

Với những nỗ lực không ngừng, các TTDN quận, huyện đã góp phần hoàn thành chỉ tiêu dạy nghề sơ cấp, mở rộng quy mô đào tạo trung cấp nghề. Thời gian tới, để thực hiện hiệu quả mục tiêu nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động, các TTDN rất cần sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành chức năng góp phần đa dạng hóa hoạt động dạy nghề, giải quyết việc làm, thu hút nhiều lao động địa phương tự nguyện học nghề.

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết