08/01/2013 - 21:27

TP CẦN THƠ

Nỗ lực khẳng định vai trò trung tâm giống nông nghiệp vùng ĐBSCL

Việc sử dụng giống xác nhận làm tăng khả năng chống chịu sâu bệnh của cây lúa, giúp nông dân tiết giảm chi phí sản xuất.

Với mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn giống nông nghiệp để gia tăng giá trị hàng hóa nông sản, những năm qua, TP Cần Thơ tập trung đầu tư cho công tác nhân giống, từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân. Về lâu dài, TP Cần Thơ xác định không chỉ đáp nguồn giống chất lượng, phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp thành phố mà còn giữ vai trò cung ứng giống nông nghiệp cho các tỉnh trong vùng ĐBSCL.

Cơ sở nhân giống tăng

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, thành phố có 7 đơn vị nhà nước nghiên cứu, sản xuất và cung ứng giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản (gồm: Viện Lúa ĐBSCL, Trường Đại học Cần Thơ, Trung tâm Giống cây trồng-Vật nuôi-Thủy sản TP Cần Thơ, Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ Đỏ, Nông trường Sông Hậu…). Trong công tác nhân giống lúa, hệ thống nhân giống 3 cấp được ngành nông nghiệp đặc biệt chú trọng. Trên địa bàn thành phố hiện có 45 cơ sở sản xuất và cung ứng lúa giống. Năm 2012, diện tích sản xuất lúa giống toàn thành phố hơn 4.603ha, tăng 13% so với năm 2011; sản lượng đạt gần 27.820 tấn, tăng 12% so với năm 2011. Trong đó, giống siêu nguyên chủng 21,4ha, nguyên chủng trên 494ha và xác nhận hơn 4.087ha. Theo tính toán của ngành nông nghiệp, sản xuất lúa giống mang lại hiệu quả kinh tế cao với thu nhập trên 52 triệu đồng/ha, lợi nhuận thu về 36 triệu đồng/ha.

Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: "Trong cơ cấu giống lúa gieo sạ từng vụ, nông dân rất hạn chế sử dụng các giống chất lượng kém. Thay vào đó, tỷ lệ sử dụng các giống lúa đặc sản, chất lượng cao tăng dần qua các năm và hiện đạt 80% diện tích gieo sạ. Riêng giống IR 50404 giảm đáng kể, vụ hè thu 2012 giảm 2,7% so với vụ hè thu 2011; vụ thu đông 2012 giảm 6,3% so với vụ thu đông 2011". Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn có 24 cơ sở, hộ sản xuất, cung ứng giống cây ăn trái, rau màu; 3 hộ sản xuất hoa kiểng; 1 cơ sở cung ứng cây lâm nghiệp; 2 doanh nghiêp cung cấp heo giống và 46 lò ấp trứng thủy cầm...

Ở lĩnh vực thủy sản, thành phố có 101 cơ sở sản xuất giống (tôm sú, tôm càng xanh, cá tra), hằng năm cung ứng ra thị trường trên 1 tỉ con giống đáp ứng nhu cầu tại thành phố và cung cấp giống cho các tỉnh lân cận. Những tháng đầu năm 2012, giá cá tra giống có thời điểm tăng từ 45.000-55.000 đồng/kg, lợi nhuận cao nhất khoảng 800 triệu đồng/ha/vụ nên diện tích ương cá tra giống nhanh chóng mở rộng. Năm qua, thành phố có 2.114ha ương giống cá tra, tăng gấp 10 lần so với năm 2011. Ông Trần Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ cho rằng, mô hình ương cá tra giống là cơ sở thúc đẩy sự phát triển vùng nuôi, nắm được khâu then chốt này, TP Cần Thơ đang tập trung cho công tác nhân giống thủy sản và hướng đến vai trò Trung tâm giống thủy sản của cả vùng ĐBSCL. Theo ông Hải, việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật như: sản xuất giống nhân tạo, sử dụng chế phẩm sinh học, sử dụng thức ăn viên công nghiệp chất lượng cao… vào quy trình ương cá tra giống đã từng bước nâng cao tỷ lệ cá sống, con giống đảm bảo chất lượng. Ngoài ra, công tác kiểm định chất lượng giống thủy sản cũng được tăng cường, nhằm đảm bảo quyền lợi, hạn chế thất thoát cho người nuôi. Năm qua, ngành thủy sản thành phố đã tiến hành kiểm định gần 295,12 triệu con cá giống và tôm các loại.

Theo nhận định từ các nhà khoa học, TP Cần Thơ hội tụ đủ những điều kiện và yếu tố để trở thành trung tâm giống nông nghiệp của vùng ĐBSCL. Song, tiềm năng này nhiều năm qua vẫn chưa được phát huy đúng mức. Lợi thế của thành phố là có các viện, trường đóng trên địa bàn với đội ngũ nhà khoa học trên lĩnh vực nông nghiệp có chuyên môn cao, nếu tận dụng được lợi thế này thì vai trò trung tâm giống nông nghiệp cho vùng sẽ được phát huy hiệu quả.

Tập trung cải thiện chất lượng nguồn giống

Ông Trần Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ, cho biết: "Yêu cầu chung của thị trường về chất lượng sản phẩm cá tra thì cá tra giống phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế (GDP, GlobalGAP, ACS…). Tuy nhiên, chất lượng giống cá tra của thành phố hiện chưa ổn định, do các cơ sở sản xuất giống chưa áp dụng triệt để các quy định, quy trình sản xuất. Đến nay, thành phố vẫn chưa cung ứng đủ số lượng cá giống sạch, đủ tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu thị trường". Để giải quyết nút thắt này, giai đoạn 2013-2014, Cần Thơ tiến hành xây dựng khu sản xuất giống cá tra tập trung, quy mô từ 200-300ha tại xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ. Khu sản xuất này đi vào hoạt động sẽ góp phần cung cấp nguồn giống chất lượng phục vụ nuôi thủy sản của TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL. Đây cũng là bước đi căn cơ để nâng cao giá trị gia tăng nguồn cá tra thương phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp…

Theo bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, thời gian qua, hệ thống nhân giống lúa 3 cấp của TP Cần Thơ không ngừng được củng cố và nâng chất. Tuy nhiên, khâu kiểm định, kiểm nghiệm lô giống hợp quy chuẩn vẫn chưa thực hiện bài bản, nên chất lượng lúa giống chưa đáp ứng yêu cầu. Chính vì vậy, ngành nông nghiệp thành phố đang phối hợp với Viện Lúa ĐBSCL thực hiện Dự án "Xây dựng hệ thống sản xuất và cung ứng giống lúa cho TP Cần Thơ". Mục tiêu Dự án nhằm chọn lọc ra bộ giống lúa mới, triển vọng; đạt năng suất, chất lượng cao; khả năng chống chịu sâu bệnh và thích nghi với từng vùng trồng lúa trọng điểm trên địa bàn TP Cần Thơ. Đồng thời, tăng cường năng lực sản xuất, chế biến và bảo quản lúa giống cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh lúa giống thông qua các buổi tập huấn, chuyển giao kỹ thuật... Dự kiến, thời gian thực hiện dự án bắt đầu từ tháng 5-2013 đến 5-2016, với tổng kinh phí đầu tư trên 6,6 tỉ đồng. Trong đó, kinh phí xây dựng cơ bản, trang thiết bị (sân phơi, nhà kho, máy phân loại hạt lúa, máy đo độ ẩm,…) là 4,125 tỉ đồng và 2,5 tỉ đồng phục vụ nghiên cứu, triển khai Dự án. Sau khi Dự án hoàn thành, mỗi năm TP Cần Thơ có khả năng cung ứng khoảng 4,5 tấn lúa giống siêu nguyên chủng, 450 tấn lúa giống nguyên chủng và hơn 22.000 tấn lúa giống cấp xác nhận...

Tại cuộc họp tổng kết ngành nông nghiệp năm 2012, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng yêu cầu ngành nông nghiệp đề ra kế hoạch cụ thể, đưa nền nông nghiệp phát triển theo hướng dịch vụ (sản xuất giống lúa, cá tra), từng bước hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân. Đây là một trong những định hướng phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị. Để công tác giống, đặc biệt là hệ thống nhân giống lúa 3 cấp thực hiện bài bản và mang lại hiệu quả cao nhất, các đơn vị trong hệ thống sản xuất và cung ứng giống phải có sự liên kết chặt chẽ với nhau. Khi mối liên kết này được phát huy, TP Cần Thơ không những sở hữu nguồn giống chất lượng cao, phục vụ đắc lực cho nhu cầu sản xuất tại địa phương và các tỉnh lân cận mà còn tạo sự chuyển biến nhận thức của nông dân trong việc chọn nguồn giống chất lượng để gia tăng năng suất, chất lượng hàng hóa nông sản.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết