13/08/2016 - 15:57

Nỗ lực kết nối hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã triển khai nghiên cứu tổng thể hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL, qua đó có kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng giao thông cho vùng giai đoạn 2016-2020. ĐBSCL được đánh giá là vùng có cơ sở hạ tầng giao thông còn yếu, việc đầu tư phát triển giao thông cho vùng được xem là cấp thiết hiện nay, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ĐBSCL trong thời gian tới.

Thời gian qua, trung ương đã quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng GTVT cho vùng ĐBSCL. Trong ảnh: Quốc lộ 1 đoạn đi qua địa bàn TP Cần Thơ đã được nâng cấp hoàn chỉnh. Ảnh: ANH KHOA

Theo đánh giá của ngành GTVT, hiện trạng kết cấu hạ tầng GTVT ĐBSCL đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp nên vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Vùng có 4 phương thức vận tải chủ yếu là: đường bộ, đường thủy nội địa, đường biển và đường hàng không. Về đường thủy nội địa và đường biển hiện chưa phát huy được lợi thế do một số cửa biển bị bồi lấp, các tuyến vận tải sông pha biển cũng chưa được quan tâm phát triển và chưa hình thành các tuyến vận tải sông pha biển theo quy hoạch. Về cảng hàng không có 4 cảng (trong đó có 2 cảng hàng không quốc tế) cơ bản đáp ứng được nhu cầu vận tải đến năm 2030. Về đường bộ, hệ thống kết cấu hạ tầng khung của vùng cơ bản đảm bảo tính kết nối, hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội thông qua các tuyến quốc lộ 1, quốc lộ 50, quốc lộ 60, quốc lộ 80, quốc lộ 91, đường Nam Sông Hậu, tuyến Quản Lộ-Phụng Hiệp... Nhưng hầu hết các tuyến đường trục dọc và ngang đều chưa đạt về cường độ yêu cầu và tiêu chuẩn đường vào cấp quy hoạch.

Thời gian qua, Trung ương đã quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng GTVT cho vùng ĐBSCL. Trong ảnh: Cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ đã được xây dựng hiện đại.

Theo Bộ GTVT, giai đoạn từ năm 2010 đến nay, vùng ĐBSCL đã được đầu tư hoàn thành 46 dự án giao thông (chủ yếu là đường bộ 39 dự án), với tổng vốn đầu tư khoảng 76.462 tỉ đồng. Nguồn vốn đầu tư chủ yếu là từ trái phiếu Chính phủ (47%) và ngân sách Nhà nước (19%); các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách còn chiếm tỷ lệ thấp (19%), chủ yếu tập trung tại các dự án BOT đường bộ và các dự án cơ sở hạ tầng hàng không do Tổng Công ty Hàng không Việt Nam và Tổng Công ty Quản lý Bay đầu tư… Riêng đường bộ đã đầu tư hoàn thành 39 dự án (khoảng 1.036 km đường và 60,2 km cầu được đầu tư xây dựng và nâng cấp mở rộng) với tổng mức đầu tư 60.374 tỉ đồng. Ngoài ra, 19 dự án đường bộ đang tiếp tục triển khai gồm: 5 dự án sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước với tổng mức đầu tư 2.127 tỉ đồng, 3 dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ với tổng mức đầu tư 3.880 tỉ đồng, 5 dự án sử dụng nguồn vốn ODA với tổng mức đầu tư 39.375 tỉ đồng, 6 dự án BOT với tổng mức đầu tư 20.728 tỉ đồng. Các dự án BOT đang triển khai là: Dự án xây dựng tuyến tránh Cai Lậy và tăng cường mặt đường quốc lộ 1 (đoạn km 1987+560 đến km 2014), mở rộng quốc lộ 1 cửa ngõ Bạc Liêu, xây dựng tuyến tránh TP Sóc Trăng, mở rộng quốc lộ 30 đoạn An Hữu – Cao Lãnh, xây dựng tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, quốc lộ 53…

Giai đoạn 2016-2020, Bộ GTVT đề xuất kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng GTVT vùng ĐBSCL, đường bộ sẽ hoàn thiện 5 trục dọc là tuyến N1, N2, quốc lộ 1, cao tốc TP Hồ Chí Minh – Cần Thơ- Cà Mau và hành lang ven biển. Ngoài ra, hoàn thành đầu tư nâng cấp các tuyến trục ngang gồm các tuyến quốc lộ 30, 53, 54, 57, 61, 62, 63, 80, 91 đạt tiêu chuẩn cấp III, quy mô 2 làn xe và tập trung nâng cấp quốc lộ 61 (đoạn Cần Thơ-Vị Thanh)...; hoàn thành các cầu lớn là Vàm Cống, Cao Lãnh, Đại Ngãi và Rạch Miễu 2. Về hàng không, tiếp tục đầu tư nâng cấp để nâng cao năng lực và chất lượng phục vụ các Cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ, Cảng Hàng không Rạch Giá, Cảng Hàng không Cà Mau… Đường sắt tiến hành nghiên cứu và tìm nguồn vốn để đầu tư tuyến TP Hồ Chí Minh đi Mỹ Tho, Cần Thơ vào thời điểm thích hợp. Về đường thủy nội địa, tiếp tục nâng cấp các tuyến vận tải thủy hiện có, trong đó tập trung khai thác triệt để thế mạnh vận tải thủy của vùng; từng bước xử lý các cầu có tĩnh không thấp ảnh hưởng đến hoạt động vận tải thủy nội địa. Về đường biển, hoàn thành dự án luồng vào cảng trên sông Hậu, nâng cấp cụm cảng Cái Cui thành cảng tổng hợp quốc gia.

Trên thực tế, cơ cấu vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo ngành còn nhiều bất cập khi nguồn vốn chủ yếu tập trung trong 2 lĩnh vực là đường bộ (chiếm 79%) và hàng hải (13%). Trong khi đó, đường thủy nội địa là thế mạnh của vùng chỉ chiếm 1% tổng vốn đầu tư trong giai đoạn vừa qua. Do đó, giai đoạn 2016-2020, Bộ GTVT đề xuất ngoài việc tập trung nguồn vốn hoàn thành các dự án đang triển khai đầu tư, cần tập trung nguồn vốn đầu tư các công trình trọng điểm nhằm hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT và nâng cao năng lực kết nối của vùng. Tổng số có 83 dự án dự kiến đầu tư mới trong giai đoạn tới, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 125.349 tỉ đồng; trong đó đường bộ 45 dự án, hàng hải 22 dự án, đường thủy nội địa 14 dự án và hàng không 4 dự án...

Chuẩn bị Hội nghị chuyên đề về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và hệ thống logistics vùng ĐBSCL giai đoạn 2016-2020 mới đây Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp với Bộ GTVT tổ chức họp để tham vấn ý kiến đóng góp của các địa phương, các chuyên gia để có giải pháp hiệu quả nhất trong phát triển hạ tầng giao thông cho vùng. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật nhấn mạnh: Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng GTVT cho vùng ĐBSCL trong điều kiện ngân sách hạn hẹp và khó khăn, trong khi nhu cầu vốn đầu tư tăng. Do đó, Bộ GTVT mong muốn nhận được ý kiến của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và các địa phương cho đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và hệ thống logistics vùng ĐBSCL giai đoạn 2016-2020, nhất là đối với các dự án cần kêu gọi đầu tư cho ĐBSCL trong thời gian tới… Qua đó, đưa ra giải pháp tổng thể để huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông của vùng phát triển đồng bộ trong thời gian tới.

Bài, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết