11/11/2024 - 22:29

Nỗ lực đưa khoa học, công nghệ và công nghệ số vào thực tiễn sản xuất, đời sống 

Những năm gần đây, vùng ÐBSCL đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, sạt lở, an ninh nguồn nước… đòi hỏi phải có các giải pháp cấp bách tháo gỡ. Trong đó, khoa học, công nghệ (KHCN) được xác định là nền tảng, động lực và chuyển đổi số là giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và đời sống người dân.

Các tiến bộ KHCN, công nghệ số được trưng bày, giới thiệu tại Hội chợ Nông nghiệp quốc tế Việt Nam năm 2024 vừa tổ chức tại TP Cần Thơ.

Nhiều kết quả đáng ghi nhận

Theo PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung, Phó Hiệu trưởng Trường Ðại học Cần Thơ, trong thời đại ngày nay, chuyển đổi số, bao gồm cả về thu thập và phân tích dữ liệu không gian đã trở thành những công cụ không thể thiếu trong quá trình phát triển bền vững. Trường Ðại học Cần Thơ đã và đang tích cực tham gia vào nhiều dự án nghiên cứu về áp dụng công nghệ số, công nghệ vũ trụ và viễn thám nhằm hỗ trợ quản lý tài nguyên thiên nhiên, theo dõi biến đổi môi trường và đảm bảo an ninh nguồn nước. “Chúng tôi đã triển khai nhiều ứng dụng công nghệ thông tin và các công nghệ số như Bigdata, AI và phân tích dữ liệu thời gian thực để giám sát và quản lý tài nguyên nước. Ðồng thời, công nghệ vũ trụ và viễn thám cũng giúp theo dõi và phân tích những thay đổi môi trường, địa lý, tình trạng nguồn nước, từ đó cung cấp những thông tin quan trọng, đưa ra các giải pháp phòng ngừa và thích ứng với biến đổi khí hậu tại ÐBSCL” - PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung thông tin.

Những năm qua KHCN và đổi mới sáng tạo đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, góp phần đưa Việt Nam vào nhóm các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về nông sản. Theo ông Trương Hoàng Phương, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, một số mô hình ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp đã mang lại hiệu quả kinh tế cao có thể kể đến như sản xuất lúa hữu cơ, nuôi trồng thủy sản sạch, ứng dụng chế phẩm sinh học trong trồng trọt. Hay việc hình thành các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, thu hút đầu tư và phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao. Hoạt động KHCN được triển khai mạnh mẽ không chỉ trong phạm vi tỉnh/thành phố mà hướng đến phục vụ cho phát triển của cả vùng và các nhiệm vụ được phê duyệt bảo đảm tiêu chí phù hợp với lợi thế đặc trưng, thế mạnh của vùng. Ðến nay, ÐBSCL đã xây dựng các chương trình liên kết nội dung hoạt động nhằm phát huy lợi thế của từng địa phương và của vùng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, như cải tiến, đổi mới công nghệ trong chuỗi sản phẩm từ dừa, cá tra, lúa chất lượng cao, tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cây ăn trái có múi, xoài...

Nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đang đẩy mạnh các hoạt động thăm dò và khai thác tiềm năng của khoảng không vũ trụ, từ đó tạo thêm nhiều cơ hội phát triển. Ðơn cử, công nghệ vệ tinh viễn thông kết nối và hỗ trợ các giao dịch thương mại; công nghệ định vị từ vệ tinh (GNSS) mang lại những lợi ích to lớn về kinh tế, quân sự và các lợi ích khác (cứu hộ cứu nạn, cảnh báo thiên tai...), bảo vệ và quản lý tài nguyên. Ông Bùi Chí Nam, Trưởng phòng nghiên cứu khí tượng, biến đổi khí hậu thuộc Phân viện Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, khẳng định: “ÐBSCL là khu vực nông nghiệp trọng điểm của Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong sản xuất lúa gạo, nuôi trồng thủy sản và các sản phẩm nông nghiệp khác. Việc ứng dụng công nghệ vũ trụ, đặc biệt là dữ liệu viễn thám từ vệ tinh, có thể hỗ trợ quản lý tài nguyên một cách bền vững, cung cấp thông tin kịp thời và chính xác để đưa ra các giải pháp hiệu quả. Công nghệ vũ trụ, đặc biệt là dữ liệu vệ tinh, giúp giám sát tình trạng nước ngọt, phát hiện các biến động về độ mặn trong nước và theo dõi mực nước sông. Việc sử dụng hình ảnh vệ tinh trong giám sát nông nghiệp giúp chính quyền và nông dân đánh giá tình trạng cây trồng, tối ưu hóa lịch gieo trồng và phân bón, từ đó nâng cao năng suất nông nghiệp…”.

Kỳ vọng

Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo của ÐBSCL vẫn còn nhiều thách thức cần phải giải quyết. Ðáng chú ý là mức đầu tư cho KHCN và đổi mới sáng tạo ở ÐBSCL còn thấp so với bình quân cả nước và so với yêu cầu phát triển; hạ tầng kỹ thuật phục vụ nghiên cứu và phát triển (R&D) và hạ tầng số còn yếu. Năng lực tiếp cận, ứng dụng công nghệ của doanh nghiệp hạn chế; thiếu nguồn nhân lực trình độ cao; kỹ năng của người lao động để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế tri thức chưa tương xứng.

Theo ông Trương Hoàng Phương, để KHCN thực sự là động lực cho phát triển bền vững, các địa phương cần tăng cường hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu để đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu - chuyển giao, ứng dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật vào phát triển sản xuất các sản phẩm chủ lực; xây dựng mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn, phát triển kinh tế biển... Cùng với đó, thúc đẩy liên kết, hợp tác giữa các tỉnh, thành trong vùng ÐBSCL trong lĩnh vực KHCN; mở rộng hợp tác quốc tế về KHCN, thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ từ các nước tiên tiến. Ðặc biệt, các địa phương cần tăng cường đầu tư ngân sách, thu hút đầu tư tư nhân cho KHCN và đổi mới sáng tạo; ưu tiên đầu tư hạ tầng số, trung tâm nghiên cứu, chuyển giao công nghệ…

PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung, nhấn mạnh: “Trường Ðại học Cần Thơ cam kết tiếp tục đẩy mạnh các nghiên cứu và phát triển tích hợp công nghệ số, viễn thám và phân tích dữ liệu để hỗ trợ quản lý tài nguyên bền vững, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp và an ninh nguồn nước cho cả nước nói chung và ÐBSCL nói riêng. Chúng tôi cũng kỳ vọng và mong muốn các tổ chức, chuyên gia và cộng đồng tiếp tục liên kết, hợp tác với trường để triển khai và nhân rộng các ứng dụng để giải quyết các thách thức của thời đại, hướng ÐBSCL đến sự phát triển thịnh vượng và bền vững”.

Ðể đưa KHCN, công nghệ số vào thực tế sản xuất, đời sống còn là sự quyết tâm của các bên liên quan với khung pháp lý được hoàn thiện, củng cố vững chắc. Ông Bùi Chí Nam, cho biết: Quyết định số 169/QÐ-TTg ngày 4-2-2021, ban hành “Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ đến năm 2030”, tạo sự phát triển về KHCN vũ trụ trong giai đoạn mới. Vì vậy, các địa phương cần xây dựng cơ chế chính sách thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ. Cùng với đó, có giải pháp mạnh mẽ hơn thúc đẩy ứng dụng các thành tựu mới của KHCN vũ trụ, đặc biệt trong các lĩnh vực viễn thông, viễn thám, định vị và dẫn đường nhờ vệ tinh, nhằm phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết