31/01/2016 - 17:28

NỖ LỰC CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG KINH DOANH

Vùng ĐBSCL với nhiều thế mạnh về các mặt hàng nông- thủy sản, nguồn nhân lực dồi dào, giá nhân công rẻ, cơ sở hạ tầng giao thông đang được cải thiện và đầu tư mạnh… tập trung thu hút đầu tư vào ba trục chính gồm: Phú Quốc (Kiên Giang) trên lĩnh vực phát triển du lịch; TP Cần Thơ là trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội của cả vùng và khu vực giáp TP Hồ Chí Minh gồm các tỉnh Long An, Tiền Giang , Trà Vinh đã có những bước đột phát trong thu hút đầu tư thời gian qua.

Tăng trưởng, nhưng còn nhiều thách thức

Năm 2015 là năm có nhiều chuyển biến về phát triển kinh tế- xã hội, đánh dấu quá trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Cùng với đó, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam – Hàn Quốc, Việt Nam – EU, Việt Nam – Nga, Belarus, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)… đã được ký kết và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) kết thúc đàm phán đã và sẽ mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2016.

Khách tham quan các sản phẩm của MekongSP Club.

ĐBSCL được xem là vùng kinh tế năng động, với đóng góp tỷ trọng lớn cho kim ngạch xuất khẩu và tăng trưởng chung của cả nước. Theo Phòng Thương mại và Công Nghiệp Việt Nam Chi nhánh tại Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), năm 2015 tốc độ tăng trưởng của vùng tính theo tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) là 7,8%, thu nhập bình quân đầu người là 40,25 triệu đồng/người/năm, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn vùng đạt 13 tỉ USD. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của vùng ĐBSCL đạt 644.598 tỉ đồng, tăng 15,9% so với năm 2014. Nhiều siêu thị, trung tâm thương mại, khách sạn đạt chuẩn 4 – 5 sao đã và đang được xây dựng. Hệ thống hạ tầng thương mại – dịch vụ - du lịch từng bước phát triển với qui mô lớn, hiện đại, đặc biệt là hạ tầng thương mại của TP Cần Thơ có sự phát triển vượt bậc và được ví như nút giao thương trọng điểm của vùng ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh và cả nước. Trong công tác cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, các địa phương đã có bước thay đổi lớn, chủ động và quan tâm về hội nhập kinh tế quốc tế.

Mặc dù đạt nhiều kết quả nổi bật, nhưng phần lớn các doanh nghiệp của ĐBSCL có quy mô nhỏ, chưa có sự chuẩn bị tốt để hội nhập kinh tế quốc tế. Nhiều mặt hàng xuất khẩu của vùng gặp khó khăn, như mặt hàng cá tra và tôm đông lạnh vướng các rào cản thương mại, kỹ thuật ở các thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản… Đối với mặt hàng trái cây, dù có nhiều tiềm năng và lợi thế (diện tích toàn vùng ĐBSCL 288.000 ha, sản lượng khoảng 3,5 triệu tấn/năm) nhưng điệp khúc "trúng mùa rớt giá" thường xuyên xảy ra với mặt hàng này. Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam, có khoảng 85% sản lượng trái cây của vùng được tiêu thụ nội địa, nhiều loại trái cây đặc sản xuất khẩu chưa nhiều…

Tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp

Năm 2016 được xem là năm bản lề thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2016-2020, khởi đầu cho một giai đoạn phát triển mới của đất nước khi các nhiều FTA có hiệu lực, tạo cơ hội tốt để thu hút đầu tư trực tiếp và gián tiếp từ nước ngoài cũng như cơ hội mới cho doanh nghiệp trong nước phát triển. Tuy nhiên, Theo nhận định của VCCI Cần Thơ thì đây là thách thức lớn với doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp ĐBSCL. Ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ, cho rằng: "Khi hội nhập kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp không chỉ đối mặt với cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu mà còn phải cạnh tranh ngay tại thị trường trong nước. Doanh nghiệp ĐBSCL phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, còn thiếu những doanh nghiệp đủ lớn để dẫn dắt. Trong khi đó, ngành bị ảnh hưởng nhất từ hội nhập là nông nghiệp lại là ngành chủ lực của vùng… đây sẽ là áp lực lớn cho các doanh nghiệp vùng ĐBSCL khi hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn không ít các doanh nghiệp ở ĐBSCL vẫn chưa "mặn mà" và thiếu kiến thức về hội nhập".

Theo các chuyên gia, cần phải tăng cường sự liên kết. Để hỗ trợ doanh nghiệp vùng ĐBSCL hội nhập kinh tế quốc tế, các địa phương trong vùng cần chú trọng cải cách thủ tục hành chính, cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), triển khai các chính sách, chủ trương của Chính phủ, của địa phương để tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp phát triển. Ngoài sự nỗ lực của các địa phương, với chức năng là cơ quan đại diện, hỗ trợ doanh nghiệp, thời gian qua, VCCI Cần Thơ thường xuyên phối hợp với các bộ, ngành trung ương, các địa phương tổ chức các hội nghị, hội thảo, tư vấn đánh giá môi trường kinh doanh và tuyên truyền về PCI… Đặc biệt, đầu năm 2015 VCCI Cần Thơ thành lập văn phòng đại diện tại Tiền Giang đã đẩy mạnh việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp, chính quyền 3 tỉnh: Long An, Tiền Giang và Bến Tre cải thiện kết quả thu hút đầu tư vào vùng.

VCCI Cần Thơ chú trọng các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư thông qua các hoạt động thường niên như Hội nghị xúc tiến đầu tư, duy trì mối liên kết hoạt động xúc tiến thương mại – đầu tư của vùng thông qua Câu lạc bộ các trung tâm xúc tiến đầu tư thành lập được 10 năm qua. Đây là mô hình liên kết vùng đặc biệt, là nơi để các trung tâm xúc tiến trong khu vực chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và hỗ trợ nhau, góp phần phát huy các tiềm năng, thế mạnh và sự phát triển bền vững trong vùng. Bên cạnh đó, VCCI Cần Thơ thành lập Câu lạc bộ các sản phẩm đặc trưng vùng ĐBSCL (MekongSP Club) với mục đích tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, làng nghề truyền thống kết nối, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, hợp tác giao thương, mở rộng các kênh bán hàng và tiếp cận thị trường mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm. Đồng thời bảo tồn và giữ gìn nét độc đáo sản phẩm của từng địa phương…

Ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ, cho biết: "Do hạn chế về nguồn kinh phí nên nội dung của các hoạt động xúc tiến thời gian qua còn tổng quan, chưa đi vào cụ thể, đặc biệt các hoạt động ráp mối thương mại trực tiếp cho doanh nghiệp. Hoạt động của MekongSP Club chủ yếu là công tác truyền thông, xây dựng hình ảnh, chưa có nhiều hoạt động tạo ra doanh thu. Với vai trò và nhiệm vụ đảm trách trên nhiều lĩnh vực và địa bàn hoạt động 13 tỉnh, thành nên việc phối hợp với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn…". Để hỗ trợ thiết thực hơn cho doanh nghiệp, thời gian tới, VCCI Cần Thơ đã đề ra 5 nhiệm vụ chính: Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại đầu tư theo hướng tăng cường các hoạt động thường niên nhưng tập trung thực hiện công tác xúc tiến theo phương thức mới; thúc đẩy hình thành các ngành kinh doanh mới trong khu vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, chế biến, logistics; tăng cường kết nối các doanh nghiệp với các nhà khoa học; tập trung triển khai các hoạt động khởi nghiệp, khởi sự doanh nghiệp theo hướng chiều sâu và đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu kinh tế, quản trị doanh nghiệp.

Bài, ảnh: Khánh Nam

Chia sẻ bài viết