01/04/2010 - 21:40

Nỗ lực bình ổn giá cả thị trường

Theo Cục Thống kê TP Cần Thơ, tháng 3 năm 2010, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của thành phố tăng 0,69% so với tháng trước và tăng đến 3,86% so với tháng cuối năm 2009. Trong 3 tháng đầu năm nay, đây là tháng có CPI tăng thấp nhất (tháng 1-2010, CPI tăng 1,36% và tháng 2-2010, CPI tăng 1,87%). Tuy nhiên, theo nhận định của Sở Công Thương TP Cần Thơ, giá cả hàng hóa trên thị trường vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Trước thực tế này, TP Cần Thơ đang nỗ lực bình ổn giá cả thị trường, kiềm chế lạm phát góp phần ổn định sản xuất và đời sống của người dân.

CPI HẠ NHIỆT

Theo nhận định của Sở Công thương TP Cần Thơ, tình hình giá cả thị trường sau Tết Canh Dần 2010 vẫn biến động theo chiều hướng tăng ở một số mặt hàng. Điển hình như: Trong tháng 3-2010, thép xây dựng đã 3 lần điều chỉnh tăng giá với mức tăng khoảng 1.800 đồng/kg; xi măng cũng có 2 lần điều chỉnh tăng với tổng mức tăng khoảng 3.000 đồng/bao 50 kg... Ngoài ra, các loại hàng vật liệu xây dựng khác như cát, đá..., trong tháng 3-2010 cũng tăng từ 5.000 – 10.000 đồng/khối. Tuy nhiên, trong tháng vừa qua, thị trường cũng ghi nhận một số mặt hàng, nhất là các sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm công nghệ, giảm giá từ 10-20%. Hiện nay, các doanh nghiệp, siêu thị trên địa bàn đã và đang triển khai nhiều chương trình khuyến mãi khiến giá cả hàng hóa trên thị trường đã hạ nhiệt hơn so với 2 tháng trước.

Hoạt động thu mua lúa của Công ty Lương thực Sông Hậu tại quận Cái Răng, TP Cần Thơ. 

Công bố mới đây của Cục Thống kê TP Cần Thơ, trong “rổ hàng hóa” được đưa vào tính CPI tháng 3-2010, so với tháng 2-2010 có 8/11 nhóm hàng có chỉ số giá tăng; 2/11 nhóm hàng có chỉ số giá giảm. Tăng mạnh nhất là nhóm văn hóa, thể thao và giải trí (tăng 3,02%); kế đến là nhóm hàng nhà ở và vật liệu xây dựng (tăng 2,32%). Đứng vị trí thứ 3 và thứ tư trong nhóm tăng là các nhóm hàng may mặc, mũ nón và giày dép; nhóm giao thông với mức tăng lần lượt là 1,66% và 1,17%. Các nhóm hàng còn lại như: hàng ăn và dịch vụ ăn uống; thiết bị và đồ dùng gia đình; thuốc và dịch vụ y tế; giáo dục và các hàng hóa, dịch vụ khác tăng từ 0,05-0,9%. Hai nhóm hàng có chỉ số giá giảm so với tháng trước là đồ uống và thuốc lá, bưu chính viễn thông với mức độ giảm tương ứng là 0,99% và 0,52%. Đặc biệt, trong tháng 3-2010, hàng thực phẩm, nhóm thuộc yếu tố cấu thành chỉ số giá của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống được ghi nhận giảm đến 3,71%.

Với kết quả trên, so với tháng trước, tháng 3-2010, CPI tăng 0,69% và đây là tháng có CPI tăng thấp nhất trong 3 tháng đầu năm 2010.

BÌNH ỔN GIÁ CẢ THỊ TRƯỜNG

So với tháng trước, tháng 1-2010 CPI tăng 1,36%; tháng 2-2010 CPI tăng 1,87% và đến tháng 3 – 2010 CPI chỉ tăng ở mức 0,69%. Tuy nhiên, ông Lê Văn Hừng, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, nhận định: Giá cả một số hàng hóa thiết yếu đầu vào đã được điều chỉnh tăng theo cơ chế thị trường (xăng, điện, gas...) tiếp tục đang tạo sức ép về mặt tâm lý tăng đối với nhiều hàng hóa khác. Ông La Minh Hồng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương nghiệp tổng hợp Cần Thơ (C.T.C), cho biết: Thời gian qua, các ngành chức năng và doanh nghiệp trên địa bàn đã có nhiều nỗ lực trong bình ổn giá cả thị trường, kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, do hiện nay Việt Nam đã hội nhập sâu vào kinh tế thế giới nên chịu tác động về giá của thế giới. Có nhiều mặt hàng, đặc biệt là nguyên nhiên liệu và vật tư phục vụ sản xuất, Nhà nước muốn giữ giá cả ổn định nhưng do giá thế giới tăng đã kéo giá trong nước tăng; trong khi đó, nhiều mặt hàng nông sản trong nước muốn duy trì mức giá đảm bảo cho cho nông dân có lợi nhuận nhưng lại không được. Từ thực tế đó, theo ông Hồng, để giảm bớt những tác động tiêu cực đến tình hình sản xuất và đời sống của người dân, đòi hỏi công tác bình ổn giá phải luôn được quan tâm.

Trước những yêu cầu bức bách nêu trên, theo Sở Công thương TP Cần Thơ, hiện nay, thành phố đã và đang triển khai nhiều giải pháp bình ổn giá cả thị trường, kiềm chế lạm phát năm 2010. Theo đó, các sở, ngành hữu quan phối hợp trong việc rà soát lại cân đối cung cầu các loại hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng như: gạo, xăng dầu, phân bón, xi măng, sắt thép... Đồng thời, chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn tăng cường sản xuất và cung ứng đủ nguồn hàng phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá. Các ngành hữu quan tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường, chủ động các phương án, giải pháp để kịp thời điều tiết và bình ổn thị trường. Tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường về việc chấp hành pháp luật về thuế và pháp luật về giá đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh các mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá, đăng ký, kê khai, niêm yết giá tại địa phương như: xi măng, đường, sữa, thuốc chữa bệnh cho người...

DOANH NGHIỆP

CÙNG VÀO CUỘC

Công ty Lương thực Sông Hậu là một trong những doanh nghiệp tại TP Cần Thơ tích cực tham gia bình ổn giá cả thị trường trong thời gian qua, đặc biệt là giá lúa gạo. Cụ thể, trong đợt “sốt ảo” về giá năm 2008, hay Tết Nguyên đán 2010 vừa qua, Công ty luôn chủ động dự trữ nguồn gạo, sẵn sàng cung ứng ra thị trường với giá ổn định. Đặc biệt, cùng với việc bình ổn giá gạo đầu ra, hiện Công ty đang tích cực tham gia mua gạo trạm trữ để giúp bình ổn giá lúa cho nông dân, tạo thuận lợi cho nông dân bán được lúa với giá từ 4.000 đồng/kg trở lên. Bên cạnh việc cung cấp gạo cho các siêu thị, thời gian qua Công ty còn mở các đại lý, cửa hàng để bán gạo và bán thêm các loại thực phẩm thiết yếu phục vụ cho người dân. Ông Lê Minh Trượng, Giám đốc Công ty Lương thực Sông Hậu, cho biết: Hiện nay, Công ty đã xây dựng được 12 đại lý và cửa hàng bán gạo tại thành phố. Đến cuối năm 2010, Công ty dự kiến sẽ nâng tổng số các đại lý và cửa hàng bán gạo (có kèm theo bán các loại thực phẩm thiết yếu) lên 20 cửa hàng. Hiện tại, Công ty đã liên hệ với một số địa phương trên địa bàn thành phố như Cái Răng, Phong Điền, Ô Môn, Thốt Nốt... để xúc tiến việc mở mới hệ thống các đại lý và cửa hàng. “Với sự góp mặt của chuỗi hệ thống các cửa hàng, chúng tôi tin rằng sẽ góp phần tích cực vào việc bình ổn giá cả thị trường tại thành phố”, ông Trượng khẳng định.

C.T.C cũng là một trong những doanh nghiệp tích cực tham gia nhiều hoạt động góp phần bình ổn giá cả thị trường, đặc biệt là vào dịp lễ Tết, khi nhu cầu hàng hóa tăng cao. Ông La Minh Hồng, Tổng Giám đốc C.T.C, cho biết: Thông thường, trong các dịp Tết Nguyên đán, ngân sách thành phố dành 1 nguồn vốn ưu đãi về lãi suất để Công ty chủ động nguồn hàng tham gia bình ổn thị trường. Hiện nay, lãi suất vốn kinh doanh đang tăng rất mạnh, Nhà nước có thể tiếp tục xem xét cho doanh nghiệp có được các nguồn vốn ưu đãi về lãi suất để có thể chủ động dự trữ một số mặt hàng thiết yếu góp phần bình ổn giá cả thị trường.

H.TRIỀU – V.CÔNG

Chia sẻ bài viết