27/01/2010 - 20:17

Nhà vườn trồng nhãn ở Đồng bằng sông Cửu Long

Niềm vui và nỗi lo

Thu hoạch nhãn tiêu da bò tại vườn ông Bùi Văn Vinh ở ấp Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre.

Khoảng hơn 3 tháng nay, giá nhãn tiêu da bò duy trì mức cao từ 7.000-10.000 đồng/kg trong thời gian dài. Nhiều nhà vườn trồng nhãn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phấn khởi vì nhãn bán được giá, mang lại thu nhập cao, ổn định…

* Niềm vui trúng giá

Các năm trước, giá nhãn tiêu da bò có lúc cũng đã vượt lên ở mức trên 10.000 đồng/kg nhưng sau đó liền sụt giảm mạnh. Nhưng trong hơn 3 tháng gần đây, giá nhãn đã tăng lên và giữ ổn định ở mức cao từ 7.000-10.000 đồng/kg. Giống nhãn tiêu da bò có nguồn gốc từ Huế nên còn được nhiều nhà vườn gọi là nhãn tiêu Huế và đã được phát triển trồng tại miền Nam trên 20 năm nay.

Ông Bùi Văn Vinh ở ấp Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, có 30 công nhãn tiêu Huế được 12 năm tuổi, phấn khởi cho biết: “Từ tháng 11-2009 đến nay, giá nhãn tiêu dao động ở mức 8.000-10.000 đồng/kg. Đợt này tôi vừa thu hoạch 7 công nhãn, mỗi công nhãn của tôi đạt năng suất khoảng 1,3 tấn. Tiểu thương đến tận vườn tôi mua nhãn xô với giá 8.500 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, 7 công nhãn của tôi cho lợi nhuận gần 40 triệu đồng. Năm trước có lúc giá nhãn tiêu Huế tăng lên ở mức 13.000-14.000 đồng/kg nhưng chẳng lâu sau bị rớt xuống chỉ còn 3.000-4.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá nhãn tiêu Huế phải từ 5.000 đồng/kg trở lên nhà vườn mới có lời”.

Còn ông Nguyễn Chí Dũng ở ấp Phước Định 1, xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, trồng 3 công nhãn tiêu da bò được 15 năm tuổi và 2 công trồng chôm chôm nhãn được 10 năm tuổi. Vừa qua, ông đã thu hoạch 3 công nhãn được gần 5 tấn trái, với giá bán 7.000 đồng/kg, thu nhập trên 30 triệu đồng. Ông Nguyễn Chí Dũng tâm sự: “Trồng nhãn tiêu da bò ít tốn chi phí và công chăm sóc so với nhiều loại cây ăn trái khác. Cụ thể, trồng nhãn tiêu da bò chỉ tốn khoảng 4-5 triệu đồng/công/năm, trong khi trồng chôm chôm phải tốn từ 7-8 triệu đồng/công. Nhưng trong nhiều năm qua, nhà vườn trồng nhãn tiêu da bò không có lợi nhuận nhiều, thậm chí bị lỗ phải đốn bỏ nhãn do giá đầu ra bấp bênh. Ngay như các tháng đầu năm 2009, giá nhãn chỉ phổ biến khoảng 4.000-5.000 đồng/kg, chứ không lên ở mức cao 7.000-10.000 đồng/kg như 3 tháng nay. Với giá nhãn hiện nay thì nhà vườn trồng nhãn mới có thu nhập tương đối khá và không còn muốn đốn hạ nhãn để chuyển sang trồng loại cây khác như trước đây.

Theo giới kinh doanh, giá nhãn tiêu da bò đã tăng lên ở mức cao và có xu hướng còn tăng do nhu cầu nhãn tiêu xuất khẩu phục vụ thị trường Tết tại Trung Quốc và Đài Loan đang tăng mạnh. Trong khi đó, nguồn cung nhãn tiêu da bò tại nhiều tỉnh, thành ĐBSCL có xu hướng giảm so với các năm trước do nhiều vườn nhãn có năng suất thấp hoặc bị người dân đốn hạ để chuyển sang trồng các loại cây ăn trái khác. Ông Lê Phước Huy ở huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp, chuyên thu mua nhãn tiêu da bò cung cấp lại cho các doanh nghiệp xuất khẩu, cho biết: “Từ nay đến Tết Nguyên đán, do nhu cầu xuất khẩu tăng nên khả năng giá nhãn tiêu da bò sẽ còn tăng. Nhưng thời điểm này, lượng nhãn tại nhiều tỉnh, thành ĐBSCL đang giảm khoảng 20-30% so với năm trước. Nguyên nhân do bị sâu bệnh và bị ảnh hưởng của thời tiết, cũng như cây nhãn bị lão hóa nên nhiều vườn nhãn đang bị giảm năng suất. Mặt khác, diện tích nhãn tiêu da bò tại nhiều tỉnh bị thu hẹp do nhà vườn trồng nhãn chuyển sang trồng các loại cây khác như: chôm chôm, mận An Phước, sầu riêng, măng cụt...”.

Hiện nay, mặt hàng nhãn tiêu da bò tại các tỉnh ĐBSCL như: Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang, Đồng Tháp... chủ yếu được xuất khẩu, lượng nhãn tiêu da bò được tiêu thụ ở nội địa khá. Trung Quốc và Đài Loan là 2 thị trường xuất khẩu đang tiêu thụ mạnh mặt hàng nhãn tiêu da bò. Việc xuất khẩu nhãn tiêu da bò được đẩy mạnh, không chỉ nhà vườn trồng nhãn tiêu da bò có lợi nhiều mà còn giúp cho nhiều lao động ở nông thôn có việc làm và thu nhập. Đó là các lao động tham gia hái nhãn mướn cho nhà vườn và phân loại, lặt nhãn và đóng rổ nhãn xuất khẩu cho các cơ sở, doanh nghiệp thu mua và xuất khẩu. Bà Đặng Thị Mỹ, chủ một Cơ sở đóng rổ nhãn tiêu da bò xuất khẩu ở ấp Lộc Hiệp, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, cho rằng: “Nhờ gần đây giá nhãn tăng cao và đầu ra trong xuất khẩu nhãn được thuận lợi, nhiều cơ sở thu mua nhãn sấy và đóng rổ nhãn xuất khẩu như chúng tôi đã mạnh dạn đẩy mạnh thu mua hàng, tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn. “Nhờ gần đây giá nhãn tăng cao và đầu ra trong xuất khẩu nhãn được thuận lợi, nhiều cơ sở thu mua nhãn sấy và đóng rổ nhãn xuất khẩu như chúng tôi đã mạnh dạn đẩy mạnh thu mua và tuyển dụng thêm lao động nông thôn. Hiện cơ sở của tôi mỗi ngày có khoảng 15-20 lao động tham gia phân loại, lặt nhãn và đóng rổ nhãn xuất khẩu. Cứ đóng được 1 rổ nhãn, người lao động nhận được 3.000-5.000 đồng, tùy theo rổ lớn nhỏ. Trung bình, mỗi người có thu nhập 50.000-60.000 đồng/ngày”.

* Nỗi lo dịch bệnh

Song hành với niềm vui nhãn được giá, nhiều nhà vườn trồng nhãn đang đối mặt với nỗi lo về tình trạng gần đây xuất hiện một số loại dịch hại trên nhãn làm cây bị chết hoặc giảm năng suất. Tình trạng này đang đe dọa đến hiệu quả kinh tế và sự phát triển bền vững của cây nhãn tại ĐBSCL. Đó là bệnh chổi rồng và tình trạng nhãn tự nhiên bị chết nhánh và chết nguyên cây mà nhà vườn chưa rõ nguyên nhân. Kỹ sư Lê Văn Đơn, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, cho biết: “Chợ Lách đang có 1.500 ha nhãn tiêu da bò. Hiện 90% vườn nhãn của các nhà vườn trong huyện có dấu hiệu xuất hiện của bệnh chổi rồng với mức độ khác nhau. Bệnh chổi rồng trên nhãn làm cây bị hư đọt và bông, dẫn đến không ra trái được. Bệnh có thể xuất hiện trên 1 vài cành, nhánh của cây nhãn hoặc toàn bộ cây nhãn. Những vườn nhãn bị nhiễm bệnh nặng có thể giảm năng suất tới 70-80%. Tác nhân lây truyền bệnh được xác định là do nhện lông nhung. Hiện cách phòng trị bệnh chủ yếu là áp dụng các biện pháp phòng trừ bệnh tổng hợp như: canh tác hợp lý, cắt tỉa cành và tạo tán hợp lý, tăng cường bón phân hữu cơ và phun thuốc diệt trừ tác nhân truyền bệnh là nhện lông nhung”.

Theo nhiều nhà vườn, cách đây khoảng 15 năm, nhiều vườn nhãn tại Đồng Nai và một số tỉnh miền ngoài đã xuất hiện bệnh chổi rồng (có người còn gọi là bệnh chổi xể, đọt chổi hay bệnh chổi ma, tổ rồng, đầu lân...). Cũng vào thời đó, cây nhãn tiêu trồng ở các tỉnh ĐBSCL phát triển và cho trái khá tốt và chưa thấy xuất hiện loại bệnh trên. Tuy nhiên, khoảng 6 năm trở lại đây, đặc biệt là 2 năm nay bệnh chổi rồng đã xuất hiện phổ biến tại các vườn nhãn và làm nhiều vườn nhãn bị giảm năng suất nghiêm trọng do cây và bông nhãn bị nhiễm bệnh sẽ không ra trái được hoặc ra ít trái.

Ông Nguyễn Thanh Phong ở ấp Cống, xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre đang có 6 công nhãn, lo lắng nói: “Cây nhãn nào bị nhiễm bệnh chổi rồng thì chỉ để ra trái bao nhiêu được bấy nhiêu hoặc chặt bỏ, do hiện chưa có thuốc đặc trị bệnh này. Theo các nhà khoa học, hiện nhà vườn chỉ có cách phòng bệnh cho cây nhãn bằng cách phun thuốc tiêu diệt tác nhân lây truyền bệnh là con nhện lông nhung. Tuy nhiên, đa số nhà vườn vẫn chưa biết cách phòng trừ loài nhện này. Các nhà vườn trồng nhãn tiêu da bò rất cần sự giúp đỡ của các ngành chức năng và các nhà khoa học. Mặt khác, hiện nhà vườn cũng chưa biết cách khắc phục tình trạng nhãn tự nhiên bị chết nhánh và chết cả nguyên cây”.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết