31/05/2024 - 12:29

Niềm tin kinh doanh giảm sút, doanh nghiệp kém lạc quan 

(CTO) - Doanh nghiệp tư nhân kém lạc quan hơn về tình hình kinh doanh trong 2 năm tới. Chỉ có 27% doanh nghiệp cho biết có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cùng Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) vừa công bố báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023. PCI đo lường chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền địa phương qua lăng kính của doanh nghiệp. Đồng thời cũng phản ánh kỳ vọng của doanh nghiệp với chính quyền trong việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, tạo động lực để cộng đồng doanh nghiệp cùng nỗ lực đóng góp cho sự phát triển chung.

Doanh nghiệp tư nhân kỳ vọng môi trường kinh doanh tốt lên. Ảnh: Chế biến cá tra xuất khẩu tại South Vina (TP Cần Thơ).

Chuyển động nhưng chưa đạt kỳ vọng

Kết quả khảo sát PCI năm 2023 có sự phản hồi của 10.676 doanh nghiệp (gồm 9.127 doanh nghiệp tư nhân trong nước và 1.549 doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài), cho thấy cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao những nỗ lực tích cực của chính quyền các địa phương trong nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh so với trước đây.

Trong 6 vùng kinh tế cả nước đều có đại diện góp mặt trong tốp 30 của chỉ số PCI 2023. Nếu tính theo tỷ lệ từng vùng trong tốp 30 thì vùng đồng bằng sông Hồng dẫn đầu (63,6%), thứ 2 là vùng đồng bằng sông Cửu Long (61,5%), tiếp đến là Đông Nam Bộ (50%), Duyên hải miền Trung (42,9%) và Tây Nguyên 20%).  

Trong bối cảnh tổng cầu thế giới sụt giảm mạnh, tiêu dùng trong nước yếu và chậm hồi phục đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Song, kết quả PCI 2023 cũng ghi nhận, nhóm 30 tỉnh, thành có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất có một số gương mặt mới so với năm 2022; đó là tỉnh Hải Dương, Bình Thuận, Tây Ninh, Đắk Nông, Cà Mau, Tiền Giang và Thanh Hóa. Đây là sự bứt phá của các địa phương nhóm sau trong cải thiện chất lượng điều hành kinh tế để vươn lên vào tốp 30.

Theo báo cáo của VCCI, trong số 9.127 doanh nghiệp tư nhân phản hồi điều tra PCI 2023, có 34,1% doanh nghiệp đã hoạt động từ 6-10 năm, 44,2% từ 11-20 năm và 17,1% từ 21-30 năm, số doanh nghiệp mới đi vào hoạt động trong 5 năm trở lại đây chiếm 3,1% tổng số phản hồi. Xét theo quy mô vốn, lao động và doanh thu, phần lớn các doanh nghiệp tư nhân trong nước là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Qua lăng kính của doanh nghiệp, tính tiên phong năng động của chính quyền địa phương có dấu hiệu giảm sút so với các năm trước. Theo PCI 2023, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết UBND tỉnh linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân chỉ đạt 82,1% (PCI năm 2022 tỷ lệ này đến 86%); 77,1% doanh nghiệp cho biết UBND tỉnh năng động và sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề mới phát sinh (năm 2022 là 79,7%); 57,6% doanh nghiệp cho rằng chính quyền tỉnh có thái độ tích cực đối với khu vực tư nhân (năm 2022 là 63,6%)…

Kết quả khảo sát cũng ghi nhận chỉ 40,8% doanh nghiệp quan sát thấy “chủ trương, chính sách của tỉnh, thành phố đối với việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động là ổn định và nhất quán”. Trong khi PCI 2022 con số này là 50% và 53,4% năm 2021. Mặc dù giảm nhẹ từ 76,9% của năm 2022 xuống 74,5% năm 2023 về tỷ lệ doanh nghiệp tin tưởng rằng lãnh đạo địa phương đã hành động để thực hiện các cam kết cải thiện môi trường kinh doanh, nhưng cộng đồng doanh nghiệp tư nhân vẫn đặt niềm tin cao vào việc triển khai các cam kết cải thiện môi trường kinh doanh của lãnh đạo các tỉnh, thành phố.

Doanh nghiệp thận trọng với kế hoạch tương lai

Các tác động của kinh tế toàn cầu, thách thức và những bất định khó dự đoán đã ảnh hưởng tiêu cực đến các nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu, trong đó có Việt Nam. Với các khó khăn gặp phải trong hoạt động sản xuất kinh doanh hậu COVID-19 trong gần 3 năm qua khiến các doanh nghiệp thận trọng trước kế hoạch tương lai.

Đo nhiệt kế của doanh nghiệp tư nhân qua khảo sát PCI 2023 cho thấy mức độ lạc quan của doanh nghiệp ở mức thấp so với các kỳ khảo sát trước. Năm 2022 qua khảo sát có đến 35% doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh trong vòng 2 năm tới, nhưng kết quả PCI 2023 giảm đáng kể về mức 27%. Theo VCCI, con số 27% cũng thấp hơn cả mức đáy 2012-2013 (lần lượt là 34% và 32%), khi nền kinh tế Việt Nam đối mặt với tác động kép của khủng hoảng tài chính toàn cầu và các bất ổn kinh tế vĩ mô trong nước. Đây cũng là con số thấp nhất kể từ năm 2006 đến nay trong khảo sát PCI.

Ngoài ra, khảo sát cũng ghi nhận con số doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô hoặc đóng cửa cũng gia tăng đáng kể với 16,2%; trong khi năm 2022 chỉ có 10,7%. Theo Tổng cục Thống kê, với những khó khăn kéo dài, trong 5 tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lên đến 97.300 doanh nghiệp, tăng 10,5% so với cùng kỳ; bình quân 1 tháng có 19.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Điều này cũng phản ánh thực tế diễn biến kinh tế trong thời gian qua, kinh tế trong nước phục hồi chậm, số đơn đặt hàng mới có tăng nhẹ nhưng không chắc chắn đã tác động tiêu cực đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Cũng có tình trạng doanh nghiệp không dự báo được thị trường, nên khi đơn hàng mới tăng lại lỡ đà trong khởi động sản xuất, do đã lỡ cho công nhân tạm nghỉ việc trước đó.

Mặc dù kém lạc quan và thận trọng với kế hoạch mở rộng sản xuất, nhưng trong khối tư nhân tham gia khảo sát thì mức độ lạc quan của doanh nghiệp quy mô vừa và lớn tương đối cao. Đó là có tới 38,2% doanh nghiệp có quy mô từ 50-200 tỉ đồng có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh trong 2 năm tới; các doanh nghiệp quy mô từ 200 tỉ đồng trở lên là 39,5%. Nhiều doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản, giáo dục và y tế, lao động… có kế hoạch mở rộng hoạt động thời gian tới.

Nguồn: Khảo sát từ VCCI và USAID - PCI 2023.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh các hoạt động, năng động sáng tạo trong cải thiện môi trường kinh doanh nhằm trợ lực cho doanh nghiệp. Qua lăng kính của doanh nghiệp tư nhân thì vẫn còn tình trạng chính quyền “ưu ái” cho doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI hơn khối tư nhân. Vì vậy chính quyền cần tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng cho tất cả các thành phần kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận nguồn lực, chương trình chính sách hỗ trợ; thông tin minh bạch, nhất là thông tin về đấu thầu, đất đai, quy hoạch, thuế, phí… Bên cạnh đó, chi phí tuân thủ pháp luật vẫn còn cao, vì vậy doanh nghiệp mong muốn chính quyền địa phương cần đảm bảo tính ổn định, nhất quán của việc xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật; đồng thời nâng cao hiệu quả thực thi của đội ngũ cán bộ các cấp. Khi niềm tin của doanh nghiệp được củng cố vững chắc, doanh nghiệp sẽ có nhiều đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, tạo việc làm cho người lao động.

Bài, ảnh: SONG NGUYÊN

Chia sẻ bài viết