11/04/2024 - 09:19

Niềm tin để làm nông 

ĐBSCL sẽ triển khai xây dựng những mô hình trọng điểm lúa chất lượng cao, carbon thấp. Đó là cách nói dễ nhớ về Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”, một lần nữa vai trò dữ liệu vùng được nhắc đến.

Ý tưởng phát triển kinh tế tuần hoàn trong khu vườn nhỏ ở Mekong silt đã nhanh chóng chiếm được lòng tin du khách nhờ sự thật và trải nghiệm. Ảnh: NB

Dữ liệu định hướng là niềm tin

Đề án này gợi nhớ tới Dự án “Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL”, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tổng số vốn thực hiện Dự án là 384,979 triệu USD sau năm khô hạn gay gắt nhất trong gần một thế kỷ qua và xâm nhập mặn gây thiệt hại nghiêm trọng ở các tỉnh vùng ĐBSCL (2016). Nguồn vốn vay từ Ngân hàng Thế giới (WB). Thời gian thực hiện dự án trong 6 năm, triển khai ở An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu.

Cần một Trung tâm cơ sở dữ liệu để thu thập, tích hợp, mô hình hóa, lưu trữ đặt tại Cần Thơ, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đưa giải pháp và xem đó là cơ sở quan trọng để các nhà quản lý đưa ra quyết định, các kế hoạch, giải pháp, hành động thích ứng, ứng phó trong điều kiện biến đổi khí hậu (BĐKH) trước mắt cũng như lâu dài. Theo Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng (Bộ TN&MT), Trung tâm dữ liệu ĐBSCL có tổng mức đầu tư hơn 337 tỉ đồng sẽ đưa vào hoạt động trong năm nay.

Cần các giải pháp, các sản phẩm thực sự hữu ích cho cộng đồng, cụ thể là những người dân ĐBSCL đang chịu ảnh hưởng của BĐKH, theo ông Greg Browder, đại diện WB. Có thể hiểu các dữ liệu có độ xác tín cao, các sản phẩm truyền thông được chia sẻ từ Trung tâm sẽ giúp cộng đồng tích hợp thành niềm tin định hướng tương lai.

Thực tế cho thấy dòng người ly hương, ly nông, đi rồi về ở đồng bằng đau đáu công ăn việc làm, tìm việc tăng thu nhập cải thiện sinh kế và cả những người đang tăng gia sản xuất - hầu hết đều trong tình trạng thông tin bất đối xứng. Thiếu một trung tâm dữ liệu hữu ích, tự mỗi người, mỗi địa phương chấp vá dữ liệu,  cộng đồng thiếu tự tin, tự đồn đoán và dễ rơi vào thế giới VUCA (Volatility (Biến động), Uncertainty (Không chắc chắn), Complexity (Phức tạp), Ambiguity (Mơ hồ).

Xuất ngoại làm nông…

Tại Cà Mau, một Start up nói, tìm kiếm lao động tham gia dự án khởi nghiệp rất khó do mỗi người suy nghĩ một cách. Ngược lại, việc tổ chức tuyển chọn lao động đi làm việc có thời hạn tại Hàn Quốc theo yêu cầu của ông Choi Woosik, Chủ tịch Hợp tác xã nông nghiệp miền Nam, quận Buan, tỉnh Jeollabuk (Hàn Quốc) có vẻ rất dễ dàng.

Lần đầu tiên Hợp tác xã nông nghiệp miền Nam, quận Buan tuyển dụng lao động tỉnh Cà Mau sang Hàn Quốc trồng khoai, cải, dưa, ớt, hành… có 87/105 lao động của huyện Thới Bình đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng sau khi phỏng vấn, tìm hiểu về nhân thân, sức khỏe, thể lực, tính linh hoạt, thu nhập, công việc người lao động đã từng làm ở địa phương.

Từ năm 2019, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD) tổ chức đưa lao động làm nông sang Hàn Quốc theo chương trình EPS. Lúc đó, 1.500 lao động thuộc các huyện nghèo và các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo sang Hàn Quốc và là lần thứ sáu Việt Nam và Hàn Quốc ký MOU về EPS. Các bản MOU trước đã được ký vào các năm 2004, 2006, 2010, 2012, 2016. Năm 2022, có 2.400 lao động được tuyển từ Việt Nam sang Hàn Quốc làm nông nghiệp, ngư nghiệp. Bản MOU ký lần này có giá trị 2 năm.

Tương tự, 175 công ty chuyên xuất khẩu lao động sang Đài Loan được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội công bố ngày 8-1-2024. Lao động nông nghiệp từ Việt Nam sang Đài Loan, công việc hằng ngày của họ là chăn nuôi gia súc, gia cầm; gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch các loại rau củ quả; trồng hoa trong nhà kính; ươm trồng rau sạch theo các tiêu chuẩn; quản lý các nông trại; thu gom, xử lý, đóng gói và phân loại các sản phẩm nông nghiệp tại nông trường; cắt cỏ, nhổ cỏ, tỉa cây, tưới nước cho cây, làm các công việc vệ sinh nông trại…

Thu hoạch cá ở Cần Thơ Farm. Ảnh: NB

Kỹ năng và thu nhập

Một người từng là chủ tiệm vàng ở Cần Thơ định cư tại Úc, lập Farm trồng cà, kể lại: Thị trường vàng của người ta không giống như bên mình, họ gắn với những giao dịch hàng hóa cỡ thế giới, huốt tầm nên tui học trồng cà - cũng là ngành hàng thứ dữ của Úc với thế giới, nhưng nó dễ hiểu hơn.

Học xong, nhận giấy chứng nhận tốt nghiệp lớp trồng cà, điều kiện cơ bản để gia nhập Hội trồng cà. Hội viên được yểm trợ tối đa, từ việc ủng hộ ý tưởng tới định hình farm, từ việc hướng dẫn đến City Hall hỏi quy hoạch, thủ tục thuê đất xong… tới sự phối hợp đồng bộ giữa các farm, các hội viên là nhà cung ứng vật liệu dựng nhà màng, hệ thống tưới nhỏ giọt, phân bón, cây giống, khay chậu. Họ giúp farm, hình thành vùng trồng, chia sẻ cách chăm sóc, quy chuẩn, lịch thu hoạch, phân loại, đóng gói, giao nhận….

Farm đương nhiên là nguồn cung mới của Hội trồng cà, thông tin được cập nhật. Các giao dịch của Hội trồng cà, từ lúc cắt giá tại nguồn tới lúc giao hàng cho nhà máy, siêu thị... mức lời nhờ giao dịch đều minh bạch với các hội viên, bất kể cũ hay mới.

Từ vài héc-ta đất thuê, người trồng cà có gốc gác chủ tiệm vàng ở Cần Thơ về quê kiếm người qua Úc hái cà khi mở rộng quy mô hàng chục héc-ta. Tiện thể tìm những người thân quen học ngành nông lâm súc học hỏi những điều thắc mắc không biết hỏi ai.

Ngày 28-3-2022, Việt Nam và Úc ký bản ghi nhớ (memorandum of understanding - MOU), Việt Nam chính thức tham gia chương trình visa nông nghiệp Úc - subclass 403 sau khi  Bộ Di trú Úc chính thức công bố điều kiện xin visa subclass 403 vào ngày 5-3-2022.

Nước Úc cần đến 172.000 người lao động nhưng chương trình Di chuyển Lao động của Úc ở Thái Bình Dương (PALM) chỉ thu hút được 10.800 người nước ngoài đến làm việc. Tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng trong ngành Nông nghiệp, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Úc, riêng ngành trồng trọt, mỗi năm thiếu khoảng 30.000 lao động; các ngành chăn nuôi, chế biến thịt, sữa, đóng gói nông sản… thiếu nhân công còn trầm trọng hơn. Vì vậy, Úc dự kiến thu hút lao động làm nông từ 10 nước ASEAN.

Báo Điện tử Chính phủ Việt Nam (VGP News) cho biết mỗi năm Úc dự kiến tiếp nhận khoảng 1.000 lao động Việt Nam để làm nông nghiệp tại Úc. Mức lương cơ bản dao động từ 3.200 đến 4.000 AUD/tháng (tương đương 54.700.000-68.400.000VND/tháng), theo VGP News.

Thình lình, ngày 11-11-2022, Chính phủ Úc thông báo ngừng kế hoạch ban hành visa 403 diện nông nghiệp từ 30-9-2022, nhưng sẽ sớm ban hành một loại Visa thay thế giúp người Việt sang Úc làm nông. Bạn sẽ hỏi, riết rồi nguồn nhân lực làm nông ở xứ mình cạn queo rồi còn gì?

Khi những lao động nông thôn thiếu công ăn việc làm, thiếu kỹ năng tiếp cận công việc khác, thừa thời gian nhàn rỗi… thì họ phải đi “Bình Dương” hoặc tiếp cận cơ hội này. Họ cần việc làm - thu nhập và xem đây là chiếc phao có thể với tới.

Tại Úc, lớp lao động có hợp đồng với chủ trang trại hay xuất khẩu theo đơn hàng đều được huấn luyện kỹ năng quản trị Farm, kỹ thuật - hệ thống canh tác… Phần lớn lao động làm việc 1-2 năm ở các nước trở về đều thừa nhận rằng họ học được rất nhiều điều mở mang, bổ ích.

Sandbox nông nghiệp tăng xanh - carbon thấp

Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” gắn với việc tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị. Mục tiêu mong đợi là thúc đẩy và nâng cao ý thức áp dụng quy trình canh tác bền vững, không chỉ gia tăng giá trị, phát triển thương hiệu bền vững mà còn nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh “nhãn xanh” như dấu ấn về quốc gia chất lượng, người trồng lúa không chỉ  thích ứng, chống chịu với BĐKH mà đời sống - sức khỏe của họ sẽ tốt hơn khi môi trường được bảo vệ bền vững hơn.

Dự án hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật cho lúa carbon thấp sẽ được triển khai từ năm 2026-2031 ở 12 tỉnh ĐBSCL (An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An, Sóc Trăng, Cần Thơ, Bạc Liêu, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, Tiền Giang và Vĩnh Long), trong đó 360 triệu USD từ khoản vay IBRD của WB, 15 triệu USD vốn đối ứng từ đóng góp của Chính phủ và địa phương.

Hiện nay có rất nhiều giải pháp, nếu những giải pháp được triển khai đồng bộ thì phép mầu sẽ hiện ra. Ngược lại, theo các chuyên gia lực cản từ sự thiếu đồng bộ sẽ thách thức các mục tiêu phát triển bền vững, ít nhất có thể thấy trong những mặt ảnh hưởng tới con người, sinh kế trên 4 mặt sau đây:

1/Mục tiêu chấm dứt nghèo.

2/Giáo dục và cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người.

3/Mục tiêu bình đẳng giới, tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái.

4/Mục tiêu bảo đảm việc làm, thu nhập thường xuyên.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, cho biết, Bộ đang phối hợp với Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) chọn 5 tỉnh triển khai mô hình điểm trong Đề án 1 triệu héc-ta lúa giảm phát thải trên 5 loại đất khác nhau gồm: Đất phèn mặn (TP Cần Thơ, Sóc Trăng, Kiên Giang), đất đầu nguồn (Đồng Tháp) và Trà Vinh (đất bồi, phù sa). Đồng bộ hóa chính sách và hành động ăn khớp - là mơ ước, bởi không hề đơn giản khi diễn ra trên diện rộng. Do đó, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm là cách làm rất thực tế. Các Start Up, các HTX, doanh nghiệp sáng tạo đều có thể là nhân tố bất ngờ.

Liệu có thể biến các mô hình trọng điểm thành Sandbox thực hiện mục tiêu đầu tư trước mắt và dài hạn - trong đó đào tạo lớp doanh nông trẻ là đầu tư nguồn nhân lực - tạo “tài sản” bất ngờ từ “mô hình quy mô nhỏ, ấn tượng mạnh mẽ”, dấu ấn để đời?

Ngày nay, đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp giỏi thực hành, doanh nông trẻ có kiến thức, tầm nhìn khoáng đạt và khả năng nối kết nguồn lực… có nhiều thuận lợi trong việc cập nhật thông tin công nghệ - kỹ thuật mới, thị trường, quản trị, đủ sức khai phóng như nguồn năng lượng mới. Để có thể lắng nghe những thổn thức, tâm tư, khuyến nghị… nên chăng xem những mô hình là Sandbox để từ đó những hạt giống được nuôi dưỡng, trưởng thành và hệ sinh thái mới rút ngắn thời gian hoàn thiện.

SKC do Trung tâm BSA tổ chức là bằng chứng sinh động về cách đào luyện doanh nông trẻ, một trong những chương trình được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan khích lệ, tặng sách, gởi gắm niềm tin. Lớp doanh nông trẻ háo hức với những mô hình tăng trưởng đa dạng, bao trùm, không thể đứng ngoài cuộc.

Liên kết nguồn lực sáng tạo vào dự án và xem tăng trưởng xanh - carbon thấp như một đề bài - định hướng cho các cuộc tranh tài, tại sao không?

CHÂU LAN

 

Chia sẻ bài viết