26/06/2020 - 11:30

Những "vết sẹo" từ COVID-19 

Hệ thống Y tế Quốc gia Anh (NHS) lo ngại khoảng 30% bệnh nhân được điều trị khỏi COVID-19 có thể sẽ phải chịu những tổn thương suốt đời, không chỉ ở phổi mà còn mệt mỏi mãn tính và rối loạn tâm lý.

Một bệnh nhân COVID-19 được điều trị trong phòng chăm sóc đặc biệt tại Luân Đôn, Anh. Ảnh: BBC

Trung tâm Seacole trực thuộc NHS được khánh thành hồi tháng rồi, trở thành cơ sở y tế đầu tiên chuyên trách hỗ trợ bệnh nhân COVID-19 vượt qua những ảnh hưởng lâu dài của bệnh viêm đường hô hấp cấp này. Giám đốc Trung tâm Hilary Floyd cho biết mất khả năng đi lại và mệt mỏi mãn tính là hai trong số những vấn đề phổ biến nhất ở những người từng vật lộn với COVID-19. Ðối với những ca này, liệu pháp tâm lý là một trong những phương pháp điều trị chính được các bác sĩ áp dụng. Trong nhiều trường hợp, tình trạng mệt mỏi và khó thở nặng đến mức người bệnh chỉ có thể vận động được 10 phút. Tiến sĩ Floyd cũng giật mình khi biết những người khỏe mạnh nhiễm virus trong độ tuổi chỉ mới 40-50 giờ đây đối mặt với mệt mỏi kéo dài và mất khả năng vận động.

Sức khỏe thay đổi theo chiều hướng xấu cũng ảnh hưởng đến tâm lý của nhiều bệnh nhân. Các chuyên gia y tế chỉ ra rằng ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy virus có thể gây ra sang chấn tâm lý dai dẳng, bao gồm làm suy yếu chức năng não và tăng nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ ở người lớn tuổi - bệnh Alzheimer. NHS thì cảnh báo có tới 50% bệnh nhân điều trị trong các phòng săn sóc đặc biệt (ICU) ở xứ sương mù có thể bị những tổn thương tâm lý, nhận thức và thể chất lâu dài. Ngoài ra, 10% bệnh nhân COVID-19 xuất viện bị chấn thương tim cấp tính.

Ðược biết, xấp xỉ 30% trường hợp từng chiến thắng Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) và Hội chứng hô hấp Trung Ðông (MERS-CoV) đã bị tổn thương tâm lý kéo dài.

Mối nguy hiểm từ những vi khuẩn kháng thuốc

COVID-19 đã cướp đi mạng sống của gần 500 ngàn người trên thế giới, nhưng các chuyên gia y tế vẫn đang tìm hiểu thêm về nguyên nhân gây tử vong của căn bệnh đáng sợ này.

Bằng chứng ban đầu cho thấy khoảng 50% ca tử vong do COVID-19 đã bị nhiễm nấm hoặc nhiễm khuẩn thứ phát, còn gọi là bội nhiễm. Bội nhiễm thường xuất hiện trùng với các bệnh nhiễm trùng khác như cúm. Thực tế chỉ ra rằng tỷ lệ tử vong cao ở những đại dịch trước đây, bao gồm đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918, chủ yếu do nhiễm khuẩn thứ phát. Và vi khuẩn kháng thuốc chính là “thủ phạm” đứng sau phần lớn ca nhiễm khuẩn thứ phát này.

Các chuyên gia không ngạc nhiên trước việc các bệnh nhân COVID-19 vật lộn với tình trạng bội nhiễm trong bệnh viện. Những trường hợp điều trị lâu dài trong các ICU, đơn cử như người mắc COVID-19, rất dễ bị nhiễm khuẩn thứ phát. Về điều này, Tiến sĩ Matthew Grant tại Ðại học Yale (Mỹ) chỉ ra hai nguyên nhân. Thứ nhất là bệnh có tên viêm phổi liên quan đến máy trợ thở. Những bệnh nhân trong ICU mắc tình trạng này là bởi những vi trùng gây hại xâm nhập phổi thông qua ống dẫn vào cổ họng của máy trợ thở. Ngoài ra, những bệnh nhân COVID-19 còn có nguy cơ cao bị các dạng nhiễm trùng khác như nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc nhiễm trùng máu vì họ thường được đặt ống thông đường tiểu và ống bơm truyền tĩnh mạch (vi khuẩn bên ngoài theo đó đi vào cơ thể). Tuy nhiên, một số bác sĩ thì nghi ngờ các phương pháp điều trị những ca COVID-19 nặng hiện nay có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng thứ phát, chẳng hạn như steroid hoặc thuốc ức chế miễn dịch tocilizumab.

Nếu những người khỏe mạnh nhiễm một mầm bệnh, thì hệ miễn dịch của họ sẽ phát hiện và tiêu diệt ngay. Trong khi đó, hệ miễn dịch ở những bệnh nhân COVID-19 nặng nhất tạo ra “bão cytokine”, một phản ứng miễn dịch quá mức và làm sưng viêm lan rộng trong cơ thể. Nhiễm trùng thứ phát có thể khiến “bão cytokine” trầm trọng hơn.

Mặc dù một số nhiễm khuẩn có thể được điều trị bằng các thuốc kháng sinh, nhưng số khác lại kháng những phương pháp điều trị mà giới bác sĩ thường sử dụng. Các ICU hiện có đầy các mầm bệnh đa kháng thuốc. Các bác sĩ đã ghi nhận nhiều loại mầm bệnh khác nhau ở những ca COVID-19 nhiễm khuẩn thứ phát, mà phổ biến nhất là vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh mạnh Acinetobacter Baumannii.

 HẠNH NGUYÊN (Theo Independent, Healthline)

Chia sẻ bài viết