10/07/2019 - 18:26

Những vấn đề cần lưu ý khi mua Chromebook 

Chromebook là một máy tính xách tay chạy hệ điều hành Chrome (Chrome OS). Thiết bị ra mắt lần đầu vào năm 2011, được thiết kế để sử dụng chủ yếu khi máy được nối mạng Internet, với hầu hết các chương trình và dữ liệu nằm ở phía "đám mây". Giống như những sản phẩm công nghệ khác, Chromebook có số loại tốt và một số loại không tốt. Mặc dù Chromebook tránh được một số vấn đề thường gặp với máy tính xách tay Windows như hư hỏng, mất mát dữ liệu do đĩa cứng và phần mềm độc hại, bạn vẫn phải đối phó với phần cứng có khả năng hoạt động kém hoặc thiếu hỗ trợ cho một số tính năng nhất định. Dưới đây là những điểm bạn nên xem xét khi mua Chromebook, đặc biệt là khi mua ở đơn vị bán lẻ hay các website thương mại điện tử.

Xem trạng thái hỗ trợ để biết ngày hết hạn cập nhật hệ điều hành trên từng máy.

► Kiểm tra trạng thái hỗ trợ

Chromebook không có các bản cập nhật vô thời hạn như các loại máy tính chạy Windows. Mỗi mẫu Chromebook đều có thời gian hỗ trợ hệ điều hành nhất định. Khi Google phát triển nền tảng phần cứng mới, họ chỉ hỗ trợ các nền tảng khoảng 6,5 năm, vài sản phẩm cũ có thời hạn là 5 năm.

Để kiểm tra một chiếc Chromebook, bạn vào trang Chính sách cập nhật tự động (https://support.google.com/chrome/a/answer/6220366?hl=en). Trang này liệt kê ngày hết hạn hỗ trợ cho các Chromebook từng được phát hành, do đó bạn có thể biết chính xác máy tính của mình sẽ nhận được các bản cập nhật Chrome OS trong bao lâu.

Thời gian cập nhật là một sự đảm bảo có giá trị. Khi một thiết bị hết hạn hỗ trợ, nó vẫn có thể được cập nhật hệ điều hành nhưng Google không đảm bảo. Vì vậy, bạn nên xem xét thời gian sử dụng để lựa chọn mua Chromebook cho phù hợp.

► Tránh CPU Intel hiệu năng thấp

Chrome OS được thiết kế rất đơn giản, nhưng có thể hỗ trợ ứng dụng Android và hoạt động ổn định với phần cứng cấp thấp. Tuy nhiên, có một số bộ vi xử lý rất chậm chạp khi chạy Chrome OS. Điển hình là các máy Chromebook có vi xử lý Intel dựa trên cấu trúc Goldmont và Silvermont, đây là những nâng cấp từ CPU Intel Atom cũ. Bạn cũng nên tránh các CPU Intel thuộc dòng Apolo Lake và Bay Trail, ví dụ như Celeron N3350, Pentium N3510 và Pentium N3310. Intel đã ngừng sử dụng thương hiệu Atom trong các sản phẩm tiêu dùng, vì vậy họ bán những con chip có hiệu năng thấp này dưới những vỏ bọc là Celeron và Pentium.

Không phải các dòng Apolo Bay và Bay Trail đều không sử dụng được, vấn đề là hiệu năng sẽ bị hạn chế. Ví dụ chiếc Acer Chromebook 15 với chip Pentium N4200 của Apolo Lake khi mở 3 đến 4 ứng dụng Android thì có thể còn chạy được, nhưng mở ứng dụng thứ 5 thì bắt đầu “treo” máy.

Trong hầu hết các trường hợp, sẽ tốt hơn khi bạn chọn loại chip với cấu trúc ARM, cũng trong cùng tầm giá với máy gắn chip Apollo Lake và Bay Trail. Lưu ý là Chromebook có bộ xử lý Intel m3/m5/m7 không dựa trên Atoms sẽ tốt hơn vì gần với các dòng Intel Core tiêu chuẩn.

► Xem có hỗ trợ ứng dụng Android không

Ngoài một số ngoại lệ, Chromebook được phát hành từ năm 2017 trở đi đều có Cửa hàng Google Play. Trên các máy này, bạn có thể cài đặt các ứng dụng Android và chạy chúng cùng với các cửa sổ Chrome. Tính năng này giúp Chromebook trở nên linh hoạt hơn rất nhiều, vì bạn không còn phải chỉ dựa vào các trang web và tiện ích mở rộng trình duyệt.

Nếu bạn không biết chắc mẫu nào có Cửa hàng Google Play, bạn nên kiểm tra danh sách tại địa chỉ (https://www.chromium.org/chromium-os/chrome-os-systems-supporting-android-apps). Những mẫu được đánh dấu là “Planned”, được xem như chưa hỗ trợ ứng dụng từ Cửa hàng Play. Chỉ những mẫu được đánh dấu “Stable Channel” là đảm bảo máy hỗ trợ Android.

Hy vọng, hướng dẫn này sẽ giúp bạn đưa ra quyết định đúng đắn khi nghĩ tới Chromebook.

HOÀNG THY (Theo Android Police)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
ChromebookChrome OS