22/03/2011 - 08:21

Thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ

Những tín hiệu đáng mừng!

Sau gần 1 tháng thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về các giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, với sự nhập cuộc, quyết tâm cao của các bộ, ngành Trung ương và địa phương đã đạt kết quả nhất định. Đây là nền tảng cho việc thực hiện các giải pháp tiếp theo nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế...

Quyết liệt thực thi chính sách

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thực hiện Nghị quyết 11, tất cả bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố đã ban hành các văn bản hướng dẫn các giải pháp tiền tệ, tín dụng, quản lý kinh doanh vàng, ngoại hối; tiết kiệm chi tiêu 10% so với dự toán trong năm 2011, giảm bội chi ngân sách xuống dưới 5%; rà soát các dự án, cắt giảm và điều chuyển vốn các dự án kém hiệu quả. Tập trung sản xuất nông nghiệp đúng thời vụ; đẩy mạnh xuất khẩu, quản lý nhập siêu; thực hiện các chính sách an sinh xã hội... với sự đồng thuận, quyết tâm cao.

Chuyển gạo lên tàu xuất khẩu tại Công ty Gentraco. Ảnh: CTV 

Trong quý I/2011, tăng trưởng GDP đạt 5,5%, xấp xỉ mức tăng so cùng kỳ năm 2010. Tổng thu ngân sách nhà nước 2 tháng đầu năm tăng 17,6% so cùng kỳ; tổng vốn đầu tư toàn xã hội quý I/2011 ước tăng 14,3% so cùng kỳ năm trước... là những tín hiệu đáng mừng cho sự phát triển của nền kinh tế. Tính đến ngày 10-3, tổng dư nợ tín dụng tăng 3,68% và tổng phương tiện thanh toán tăng 1,7% so với cuối tháng 12-2010. Hiện lãi suất huy động giảm từ 16-17%/năm xuống còn 13-14%/năm, tạo điều kiện cho việc kéo giảm lãi suất cho vay. Thị trường vàng, ngoại tệ đang dần lập lại trật tự, tỉ giá giao dịch ổn định và giảm so với trước...

Theo báo cáo của lãnh đạo các địa phương như: TP Hà Nội, TP HCM, TP Hải Phòng, TP Đà Nẵng, TP Cần Thơ, tỉnh Kiên Giang... thực hiện tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng từ việc tiết kiệm 10% chi tiêu công 9 tháng còn lại của năm 2011. TP Hà Nội tiết kiệm 88 tỉ đồng; TP Cần Thơ phấn đấu tăng thu ngân sách 7% so với kế hoạch được giao (tương đương 316 tỉ đồng), tiết kiệm 10% chi thường xuyên khoảng 45 tỉ đồng, hoãn, giãn tiến độ 11 công trình do thành phố quản lý với tổng vốn cắt, giảm 40,8 tỉ đồng chuyển sang bố trí cho 5 công trình trả nợ khối lượng hoàn thành và tăng thêm 7.000 ha lúa vụ thu đông 2011 (lên 40.000 ha) so với năm 2010. Tỉnh Kiên Giang tăng 25.000 ha diện tích lúa thu đông 2011, chỉ tiêu tiết kiệm 10% tỉnh có khoảng 57,2 tỉ đồng... Đồng thời, các địa phương còn làm việc với ngân hàng và đề nghị ưu tiên vốn cho sản xuất, nhất là vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhằm đảm bảo việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, nhận định: “Kinh tế quý I/2011 có tốc độ tăng khá, nhưng đã có dấu hiệu chậm lại và thấp hơn cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng CPI ở mức cao, tháng 3 tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 6,1% so tháng 12-2010, việc quản lý giá cả, chống buôn lậu chưa làm đồng bộ, đặc biệt là buôn lậu xăng dầu qua biên giới”. Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho rằng, để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô cần thực hiện những giải pháp đề ra trong Nghị quyết 11. Bộ trưởng cho rằng, các tổ chức tài chính quốc tế như: IMF, WB, ADB... và các nước đều đánh giá cao các giải pháp, chính sách Chính phủ đã ban hành trong Nghị quyết 11.

Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết đang trình Chính phủ về Nghị định kinh doanh vàng. Hiện nay, trên thị trường xuất hiện tình trạng đầu cơ vàng, do việc buông lỏng kiểm soát thị trường vàng miếng hơn mười năm qua và vô tình vàng miếng đã trở thành phương tiện thanh toán trên thị trường. Điều này tác động rất lớn đến cán cân ngoại tệ trên thị trường. Việc thâm hụt cán cân ngoại tệ là do việc kiểm soát thị trường vàng và ngoại tệ chưa chặt, nếu kiểm soát được thị trường này chặt chẽ, có biện pháp chế tài mạnh tay. Đồng thời, kéo giảm nhập siêu xuống thì thâm hụt ngoại tệ sẽ giảm.

Tập trung ổn định sản xuất

Mặc dù sản xuất quý I/2011 ổn định, tình trạng thất nghiệp ở các địa phương không nhiều. Tuy nhiên, các địa phương kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng nhà nước, cùng các bộ ngành liên quan cần ưu tiên vốn cho các dự án đầu tư đang làm dở dang, hoàn thành trong năm 2011 nhằm tránh tình trạng lãng phí đầu tư. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp, đây là ngành chịu nhiều rủi ro, bởi giá xăng dầu tăng, phân bón tăng, giá thức ăn tăng... nhưng giá bán không theo kịp đà tăng này. Mặt khác, ưu tiên điện, vốn cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu để doanh nghiệp chủ động đơn đặt hàng và mua tạm trữ lúa gạo, cà phê trong dân...

Theo Bộ Công thương, đến nay cả nước có 43 tỉnh, thành phố đã có kế hoạch ưu tiên sử dụng điện trong năm 2011. Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, thị trường gạo đang khó khăn, do Philippines thay đổi phương thức giao dịch. Song, thị trường thủy sản, da giày đang thuận lợi, DOC và Liên minh EU vừa quyết định không áp thuế chống bán phá giá cá tra, da giày của doanh nghiệp Việt Nam. Bộ trưởng đề nghị các doanh nghiệp cần tận dung cơ hội này cho xuất khẩu. Đồng thời, các địa phương cần phối hợp thực hiện kiểm soát giá cả mặt hàng thiết yếu, kiểm tra để ngăn chặn tình trạng buôn lậu xăng dầu tuyến biên giới.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát yêu cầu các địa phương tập trung chủ động phòng chống dịch lở mồm long móng trên gia súc, cúm gia cầm. Thị trường thủy sản đang thuận lợi, các địa phương chỉ đạo thả nuôi tôm, cá tra đúng thời vụ, kiểm soát chặt chẽ nguồn giống, hạn chế thiệt hại cho người nuôi. Hiện nay, giá phân bón đang tăng mạnh, sẽ tạo áp lực rất lớn đến sản xuất nông nghiệp. Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị các địa phương rà soát lại diện tích lúa hè thu 2011, có thể giảm diện tích hè thu chính vụ ở những vùng năng suất thấp, chuyển sang trồng màu. Đồng thời, tăng diện tích thu đông, nhưng chỉ tăng ở những địa phương đáp ứng đầy đủ các điều kiện sản xuất.

Tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương chiều 18-3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những nỗ lực của địa phương, bộ ngành đã nghiêm túc thực hiện Nghị quyết 11. Thủ tướng nhấn mạnh, kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng thuận lợi cũng rất nhiều, thị trường nông sản cung đang cao và giá cả cũng cao, cần tận dụng cơ hội này để đẩy mạnh xuất khẩu. Song, phải kiên quyết giảm nhập siêu. Thủ tướng đề nghị phải ưu tiên điện, vốn cho sản xuất, nhất là cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu. Sản xuất ở các địa phương có ổn định, kinh tế vĩ mô mới ổn định và đảm bảo việc làm cho người lao động. Thủ tướng nhấn mạnh trong khó khăn phải đặc biệt quan tâm đến an sinh xã hội, không để người dân nghèo bị đói, thất học.

GIA BẢO

Chia sẻ bài viết