04/05/2017 - 13:42

Những thủ thuật đơn giản “không lo bị nóng” cho điện thoại

Điện thoại không ngừng được tăng cường sức mạnh xử lý và dung lượng pin lớn hơn cùng với công nghệ sạc nhanh, song song đó người dùng thường phải đối mặt với tình trạng điện thoại của họ bị quá nóng trong một số tác vụ. Đó có thể là trong lúc sạc, thu/phát video 4K hay sử dụng những ứng dụng nặng. Mặc dù trong đa số trường hợp tình trạng quá nóng là vấn đề phần cứng, song người dùng vẫn có thể thực hiện một số thủ thuật đơn giản để tránh cho điện thoại của mình bị quá nóng.

Gỡ bỏ bao da và ốp lưng điện thoại

Bao da và ốp lưng điện thoại giúp điện thoại tránh trầy, xước và hư hại do va đập và rơi rớt, song nó lại cản trở quá trình thoát nhiệt – làm điện thoại nóng lên và về lâu dài vẫn gây hư hại cho điện thoại. Bao da và ốp lưng quá dày giữ nhiệt thoát ra từ điện thoại, do đó tháo bỏ chúng sẽ phần nào giúp điện thoại bớt nóng.

Bao da quá dày không tốt cho quá trình thoát nhiệt.

Đặt điện thoại trên bề mặt cứng trong lúc sạc

Khi sạc điện thoại, bạn nên đặt nó trên bề mặt cứng thay vì trên giường hay ghế sô-pha hấp thu nhiệt. Do trong lúc sạc, nhiệt tỏa ra có thể bị chặn lại bên trong và làm cho điện thoại thậm chí nóng hơn.

Không sạc điện thoại qua đêm

Nhiều người trong chúng ta rất hay cắm sạc điện thoại sạc rồi thoải mái đi ngủ. Tuy nhiên, để điện thoại sạc qua đêm không những gây "chai" pin về lâu dài, mà còn làm điện thoại nóng lên. Đã có một số trường hợp pin điện thoại đã phát nổ do sạc quá lâu.

Loại bỏ ứng dụng "ngốn" sức mạnh xử lý

Hiện đang có không ít ứng dụng làm hao tốn nặng nề cả sức mạnh xử lý cũng như đồ họa của điện thoại, đồng thời những ứng dụng này cũng làm điện thoại nóng lên. Chúng thường chạy nền và tăng cường làm cạn kiệt sức mạnh xử lý. Việc "ngốn" quá mức sức mạnh xử lý dẫn đến điện thoại bị nóng lên. Chính vì vậy, bạn nên dò tìm những "kẻ thủ ác" này và loại bỏ chúng.

Tránh ánh nắng trực tiếp

Người dùng cũng có thể ngăn điện thoại nóng lên bằng cách không để chúng dưới ánh nắng trực tiếp, nhất là những điện thoại vỏ nhựa. Sức nóng từ ánh nắng cùng với tất cả bộ phận xử lý đang chạy bên trong điện thoại có thể cộng hưởng để làm điện thoại nóng lên.

Pin và cục sạc không chính hãng

Rất nhiều pin và cục sạc không chính hãng là nguyên nhân gây nóng điện thoại. Không chỉ pin, mà cục sạc với công suất (chỉ số Wh) khác nhau cũng làm điện thoại nóng lên ở một mức độ nào đó.

LÊ PHI (Theo Gadgetsnow)

Chia sẻ bài viết