Đường chứa hàng loạt các “calorie rỗng” nghĩa là chúng không chứa bất kỳ thành phần dinh dưỡng nào nhưng lại được tiêu hóa một cách nhanh chóng, đồng thời sử dụng khoáng chất của cơ thể trong quá trình tiêu hóa. Do đó, tiêu thụ quá nhiều đường không những không có lợi mà còn có thể gây hại cho cơ thể, cụ thể là:
Gây tổn hại tim
Một chế độ ăn nhiều đường sẽ làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tim do đường ảnh hưởng đến cơ chế bơm máu của tim. Đường mặt khác còn làm tăng mỡ bụng, nồng độ triglyceride trong máu, cholesterol xấu LDL, đường huyết, hàm lượng insulin cũng như làm gia tăng nguy cơ bị suy tim.
Làm hư răng
Do đường dễ tiêu hóa, hại khuẩn trong miệng do đó phát triển và nhân lên nhanh chóng. Loại hại khuẩn này sau đó có thể gây ra một loạt các vấn đề về răng miệng, từ sâu răng, xói mòn men răng đến các bệnh về nướu.
Gây quá tải cho gan
Trước khi đường đi vào máu, nó phải đi qua gan. Theo các chuyên gia, gan sẽ không bị ảnh hưởng khi bạn tiêu thụ một ít đường fructose do nó có thể chuyển đổi đường fructose thành glycogen và lưu trữ trong gan. Tuy nhiên, nếu bạn tiêu thụ quá nhiều đường, khả năng lưu trữ glycogen của gan sẽ bị cạn kiệt, buộc gan phải chuyển đổi đường fructose thành chất béo. Theo thời gian, quá trình này sẽ khiến gan bị quá tải.
Gây kháng insulin
Insulin là loại hoóc-môn cho phép đường huyết đi vào các tế bào từ các mạch máu và “ra lệnh” cho các tế bào đốt cháy glucose thay vì chất béo. Theo các chuyên gia, tiêu thụ đường quá nhiều có thể ngăn chặn chức năng này của insulin, khiến cho các tế bào kháng loại hoóc-môn này, dẫn đến một số vấn đề sức khỏe như hội chứng chuyển hóa, béo phì, bệnh tim mạch và bệnh tiểu đường típ 2.
Gây bệnh ung thư
Insulin cũng là một trong những hoóc-môn điều tiết sự phát triển và nhân rộng của các tế bào ung thư, hàm lượng insulin trong máu cao do đó có thể dẫn đến nguy cơ mắc ung thư. Đường ngoài ra cũng gây ra các vấn đề về trao đổi chất vốn dẫn đến tình trạng viêm, một trong những nguyên nhân gây ra bệnh ung thư.
Gây nghiện
Đường giống như một loại ma túy do nó có thể kích hoạt trung tâm tưởng thưởng của não, khiến nó dễ bị nghiện. Không giống như các loại thực phẩm tự nhiên, tiêu thụ đường sẽ gây ra việc sản xuất một lượng đáng kể dopamine - chất truyền dẫn thần kinh tạo cảm giác hưng phấn, dẫn đến cảm giác thèm ăn và nghiện.
Gây béo phì
Đường được cho là sự kết hợp của hàng loạt các đặc tính có thể dễ dàng gây béo phì. Đường luôn làm cho bạn cảm thấy đói, bạn do đó sẽ ăn nhiều hơn.
Rút ngắn tuổi thọ
Do đường góp phần gây ra hàng loạt các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như ung thư, bệnh tim cũng như tiểu đường típ 2, việc đường rút ngắn tuổi thọ không phải là một kết luận đáng ngạc nhiên. Một nghiên cứu được thực hiện năm 2013 cho thấy 180.000 trường hợp tử vong trên toàn thế giới có thể là do tiêu thụ thức uống ngọt một cách thường xuyên.
TRÍ VĂN (Theo Health Me Up)