20/06/2016 - 21:06

Những nhà báo trẻ trên đường hội nhập

Trong tiến trình hội nhập của đất nước, báo chí nước ta đã và đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển, song cũng đối mặt với nhiều thách thức trước sự cạnh tranh thông tin ngày càng khốc liệt. Cùng với các thế hệ những người làm báo cả nước, thế mạnh của những nhà báo trẻ ở TP Cần Thơ là sự năng động, nhạy bén; có khả năng tiếp cận công nghệ truyền thông và các ứng dụng kỹ thuật hiện đại; chịu khó học hỏi, trau dồi kỹ năng nghề nghiệp… Tuy vậy, áp lực cạnh tranh là thách thức không nhỏ, có thể quyết định sự "sống còn" của mỗi cơ quan báo chí, đòi hỏi những nhà báo trẻ không ngừng học hỏi, trui rèn bản lĩnh nghề nghiệp và đổi mới tư duy, phong cách làm báo theo hướng chuyên nghiệp và hiện đại hơn.

Không ngừng học tập, trui rèn nghề nghiệp

Nhà báo Phạm Tấn Hùng, Phó Thư ký Liên Chi hội nhà báo Đài Phát thanh và Truyền hình (PT&TH) TP Cần Thơ cho rằng trong bối cảnh báo chí đang chuyển dịch theo hướng đa phương tiện, những người làm báo không chỉ cần có kỹ năng chuyên môn tốt, năng động, sáng tạo, mà còn đòi hỏi những nhà báo phải đa năng hơn, nhạy bén hơn. Đồng thời, có khả năng sử dụng thành thạo các phương tiện, kỹ thuật hiện đại, tích hợp nhiều loại hình báo chí khác nhau. Điều đáng quý là thế hệ những người làm báo trẻ hiện nay luôn ý thức tự học, tự rèn, học hỏi kỹ năng nghề nghiệp để tích lũy kinh nghiệm, từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng tác phẩm và thông tin kịp thời những vấn đề bức xúc mà công chúng quan tâm. Điển hình như nhà báo Dương Lương Thiện, phóng viên Quay phim Đài PT&TH TP Cần Thơ, sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm Ngữ văn, anh bén duyên với nghề báo. 15 năm qua, anh không ngừng nỗ lực học hỏi, trau dồi kỹ năng nghề nghiệp để đáp ứng nhu cầu làm báo hiện đại. Đam mê với nghề quay phim, hầu hết các lớp đào tạo, như: "Lớp viết kịch bản phim phóng sự", "Lớp ứng dụng truyền thông đa phương tiện trong sản xuất chương trình phát thanh - truyền hình"… anh đều sắp xếp tham gia. Nhà báo Lương Thiện tâm sự: "Với truyền hình, hình ảnh là yếu tố quan trọng giúp truyền tải thông tin, tạo hiệu ứng mạnh mẽ nhất đối với người xem, điều đó đặc biệt hiệu quả đối với thể loại phóng sự, mang tính phản biện xã hội cao".

Phóng viên các cơ quan báo chí tác nghiệp tại Vùng 5 Hải quân. Ảnh: QUỐC THÁI

Từ ý tưởng đó, 3 năm qua, anh tìm tòi, sáng tạo, đổi mới trên từng góc quay, tác phẩm báo chí. Trong đó, nhiều phóng sự không lời bình do anh thực hiện tạo hiệu ứng xã hội tốt. Tiêu biểu như phóng sự "Xóm nhỏ" phản ánh tình trạng 15 hộ dân ở xã Tân Thới, huyện Phong Điền phải sống trong điều kiện thiếu đường, điện, nước sinh hoạt nhiều năm qua. Ngay khi phóng sự được phát trên sóng truyền hình đã gây bức xúc trong dư luận, vài ngày sau chính quyền địa phương bắt tay xây dựng tuyến đường bê tông tạo điều kiện cho bà con lưu thông thuận lợi. Theo nhà báo Lương Thiện, phóng sự không lời bình là thể loại khá phổ biến với ưu điểm ngắn gọn, súc tích, giúp nhà báo truyền tải thông điệp đến người xem bằng những thước phim thường nhật, lời thoại do chính nhân vật nói góp phần tăng tính chân thực, khách quan, từ đó tạo thuyết phục trong công chúng.

Trong thời đại kỷ nguyên số, đòi hỏi nhà báo phải đa năng hơn, kỹ năng tác nghiệp không bó hẹp trong một chuyên môn nhất định. Nhà báo Trương Thanh Tùng, Phó Trưởng phòng Phóng viên, Cơ quan Thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tại khu vực ĐBSCL chia sẻ rằng, nếu như trước đây, người viết chỉ biết viết, người quay video chỉ biết quay thì giờ đây phóng viên sử dụng thông thạo các phương tiện phục vụ công việc báo chí như: máy tính, máy ảnh, ghi âm và quay camera. Các phóng viên này có đủ điều kiện, kỹ năng và bản lĩnh để có thể hoạt động độc lập, nhằm sáng tạo ra sản phẩm báo chí hoàn chỉnh nhất. Từng là phóng viên mảng báo nói, nhưng trước yêu cầu phát triển của báo chí, hơn 6 năm qua, nhà báo Thanh Tùng vừa có thể viết bài, biên tập phục vụ ở nhiều loại hình báo chí, từ báo hình, báo điện tử đến thực hiện các chương trình phát thanh trực tiếp. Nhà báo Thanh Tùng tâm sự: "Bên cạnh kỹ năng nghề nghiệp, người làm báo cũng cần kiến thức chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa sâu rộng; chuyên môn nghiệp vụ vững vàng để có tác phẩm chất lượng, tạo hiệu ứng xã hội tốt". Suy nghĩ vậy nên ngoài học hỏi từ đồng nghiệp, tích cực đi cơ sở để bổ sung kiến thức thực tế, anh còn nỗ lực học tập nâng cao trình độ chuyên môn. Vốn là cử nhân Ngữ văn nên sau khi làm báo, anh học thêm ngành Báo chí, rồi tốt nghiệp cao học ngành Báo chí vào cuối năm 2015. Anh chia sẻ: "Trước đây, tôi viết theo cảm tính, kinh nghiệm, thì nay nhờ học chuyên ngành Báo chí giúp tôi nắm vững từng thể loại báo chí để tạo ra tác phẩm báo chí phù hợp và đạt hiệu quả cao nhất". Trong công tác quản lý, kiến thức chuyên môn cũng giúp anh nhận ra thế mạnh của từng phóng viên, từ đó đề xuất tổ - nhóm phóng viên theo từng thể loại, như: điều tra, phóng sự, người tốt việc tốt… "Nghề báo vốn là nghề "đào thải" rất cao bởi để bám trụ được với nghề đòi hỏi người làm báo liên tục đổi mới, nhạy bén và luôn tự học, tự rèn" - nhà báo Thanh Tùng tâm sự.

Tìm hướng đi riêng…

Có thể thấy, trong xu thế hội nhập, mỗi cơ quan báo chí phải không ngừng cải tiến và sáng tạo, nâng cao chất lượng chương trình, nội dung và hình thức thể hiện. Trong đó, trước nhất là các nhà báo trẻ - những người trực tiếp tạo nên tác phẩm báo chí phải không ngừng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ. Nhà báo Nguyễn Trung Hiếu, Thư ký Chi hội Nhà báo Báo Cần Thơ, cho rằng trước sự phát triển như vũ bão của báo chí thế giới đặt ra cho những người làm báo nói chung, thế hệ những nhà báo trẻ nói riêng yêu cầu đổi mới tư duy và phương pháp tác nghiệp theo hướng chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu của một tòa soạn hiện đại. Trong bối cảnh Internet phát triển mạnh mẽ và hội nhập quốc tế sâu rộng, báo chí trong nước không chỉ cạnh tranh với báo chí hiện đại nước ngoài, mà còn "so kè" khốc liệt với mạng xã hội, blog. Thách thức đó đòi hỏi những nhà báo trẻ không chỉ phải giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng, mà còn có bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng.

Nhà báo Dương Lương Thiện, phóng viên quay phim Đài PT&TH TP Cần Thơ đang tác nghiệp. Ảnh: QUỐC THÁI

Nhà báo Đặng Duy Khôi, phóng viên Ban Văn hóa, Báo Cần Thơ tâm sự rằng: Ở lĩnh vực văn hóa - văn nghệ bản thân anh thực sự cảm thấy áp lực bởi thông tin lĩnh vực văn hóa luôn thu hút khá đông độc giả quan tâm, và vì thế đó là mảnh đất màu mỡ của báo điện tử và các trang mạng xã hội khai thác… Thế nhưng không vì thế mà anh xây dựng những đề tài "ăn theo", "giật gân", mà nghiên cứu, xử lý tư liệu để cho ra đời những sản phẩm mang tính định hướng dư luận. Là phóng viên phụ trách mảng văn hóa, nhà báo Duy Khôi đặc biệt yêu thích lĩnh vực văn hóa truyền thống bởi trong quá trình hội nhập, những giá trị văn hóa truyền thống rất dễ bị mai một. Vì thế, anh dày công nghiên cứu, sưu khảo và thực hiện nhiều loạt bài nhằm tôn vinh, giữ gìn nét đẹp văn hóa đồng bằng. Có thể kể đến như loạt bài "Những báu vật sống của văn hóa đồng bằng", "Cần Thơ cà phê phố "… Đó là những tư liệu sống động giúp thế hệ trẻ hiểu rõ và tự hào về bản sắc văn hóa của đất và người đồng bằng.

Nhà báo Nguyễn Trung Hiếu, Thư ký Chi hội Nhà báo Báo Cần Thơ, chia sẻ: "Chính niềm đam mê, tình yêu nghề sẽ là động lực thôi thúc những nhà báo trẻ tìm tòi, học hỏi, xác định thế mạnh, sở trường bản thân để phát huy, từ đó tạo nên bản sắc riêng trong quá trình hội nhập quốc tế". Còn nhà báo Trương Thanh Tùng, Phó Trưởng phòng Phóng viên, Cơ quan Thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tại khu vực ĐBSCL cho rằng: Những thông tin trên mạng như một "ma trận" mà khi đọc hoặc tham khảo, nếu không tỉnh táo, khách quan và thiếu bản lĩnh của người làm nghề, nhà báo rất dễ trích dẫn sai lệch. Lẽ dĩ nhiên, Internet là công cụ hỗ trợ đắc lực cho nhà báo trong điều kiện truyền thông đa phương tiện. Và trong xu thế hội nhập, điều cốt lõi là mỗi nhà báo trẻ cần nắm vững tôn chỉ mục đích của tờ báo để đáp ứng được mục tiêu quan trọng là đem lại những thông tin chính xác và nhanh nhạy, thực sự bổ ích cho cộng đồng. Theo nhà báo Phạm Tấn Hùng, Phó Thư ký Liên Chi hội Nhà báo Đài PT&TH TP Cần Thơ, để nâng cao chất lượng, trình độ kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ người làm báo trẻ, thời gian qua Liên chi hội mở nhiều khóa bồi dưỡng, như: "Ứng dụng truyền thông đa phương tiện vào sản xuất chương trình phát thanh - truyền hình", Ảnh báo chí nâng cao, phương pháp thực hiện phóng sự. Hay như ở Chi hội Nhà báo Báo Cần Thơ, hằng năm đều tạo điều kiện cho hội viên là nhà báo trẻ tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ về viết tin, bài, các lớp chuyên về viết phóng sự, ảnh báo chí nâng cao. Đặc biệt, từ năm 2016 lần đầu tiên, Ban Biên tập tổ chức Giải Báo chí Báo Cần Thơ nhằm tạo sân chơi lành mạnh giúp các nhà báo nâng cao chất lượng tác phẩm.

Không thể phủ nhận những ưu thế vượt trội của thế hệ nhà báo trẻ tiếp nối ở TP Cần Thơ cả về số lượng, chất lượng trong quá trình hội nhập quốc tế, trong đó có báo chí. Song cũng cần nhìn nhận đội ngũ những người làm báo trẻ hiện nay còn hạn chế về ngoại ngữ, bản lĩnh nghề nghiệp, cũng như kiến thức chính trị - xã hội và kỹ năng tác nghiệp. Vì vậy, để trưởng thành và tiến bộ hơn trong nghề, đòi hỏi những người làm báo trẻ cần rèn luyện bản lĩnh chính trị, trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp, xứng đáng là những nhà báo cách mạng được bạn đọc và nhân dân tin yêu, quý trọng.

TÚ ANH

Chia sẻ bài viết