13/09/2020 - 12:10

Những người trẻ mê thoại kịch ở Cà Mau 

Sân khấu là một quán cà phê nhỏ, diễn viên là những người trẻ nhiệt huyết và đam mê, còn khán giả yêu thích loại hình giải trí quen mà lạ. Tất cả đã góp phần thành công cho những vở thoại kịch do nhóm kịch trẻ Cà Mau biểu diễn.

Một cảnh trong vở “Tấm lòng của biển” do nhóm kịch trẻ Cà Mau diễn xuất. Ảnh: NVCC

Một cảnh trong vở “Tấm lòng của biển” do nhóm kịch trẻ Cà Mau diễn xuất. Ảnh: NVCC

Mới đây, tại không gian cà phê Nhiệt Đới trên đường Tô Hiến Thành, TP Cà Mau, nhóm kịch trẻ Cà Mau diễn vở kịch nói “Tấm lòng của biển”. Tác phẩm được chuyển thể từ vở cải lương kinh điển cùng tên của tác giả Hà Triều - Hoa Phượng. Một câu chuyện thấm đẫm nghĩa nhân về tình mẹ con, tình cảm gia đình được các nghệ sĩ “cây nhà lá vườn” diễn có hồn, thu hút người xem. Khách đến xem ai cũng lặng người, chăm chú theo từng tình tiết của vở thoại kịch, làm nên một không gian nghệ thuật độc đáo.

Trưởng nhóm kịch là anh Trần Hoàng Phúc, một phóng viên trẻ đang công tác tại Báo Cà Mau. Vốn học ngành Văn học, khi làm báo lại được phụ trách văn hóa, nghệ thuật nên Phúc luôn nặng lòng với truyền thống văn hóa, nghệ thuật trên quê hương Đất Mũi. Anh cho biết qua tìm hiểu, cách đây khoảng 40 năm, Đoàn Kịch nói Minh Hải (nay là Cà Mau và Bạc Liêu) rất nổi tiếng, phục vụ khán giả thường xuyên. Muốn khơi dậy truyền thống ấy, anh Phúc cùng những người bạn có cùng đam mê lập ra nhóm kịch này. Nhóm có 12 thành viên, đều là các bạn trẻ đang công tác ở nhiều lĩnh vực như báo chí, công tác đoàn thể, tổ chức sự kiện, kinh doanh tự do...  Tháng 5-2020, nhóm ra mắt vở thoại kịch đầu tiên là “Trà hoa nữ” và mới đây là “Tấm lòng của biển”, đều nhận được sự phản hồi tích cực từ công chúng.

Do không chuyên nên mỗi thành viên trong nhóm đều tự học và trau chuốt cho nhau từ cách diễn xuất, tiếng nói sân khấu đến đạo cụ, hóa trang... Ngoài diễn xuất, các thành viên trong nhóm kịch còn có khả năng biên kịch. Đơn cử như Trần Hoàng Phúc, mới đây kịch bản “Ham dzui mùa dịch là khổ” do anh viết và diễn xuất, cùng với nghệ sĩ Ngọc Xanh, Huyền Trân, được dàn dựng, phát trên mạng xã hội. Một câu chuyện nhiều tiếng cười nhưng đầy đủ thông điệp về ý thức phòng, chống dịch COVID-19 được anh Hoàng Phúc chuyển tải. Cách đây chưa lâu, nhóm kịch đã diễn phục vụ miễn phí tại Trung tâm cai nghiện tỉnh Cà Mau với kịch bản “Mẹ, con sẽ về!” của tác giả Vưu Nghị Lãm, thành viên của nhóm. Anh Lãm đang làm việc tại một công ty tổ chức sự kiện nhưng rất đam mê thoại kịch và luôn muốn thử sức ở nhiều vai trò khác nhau.

Do đang quá trình thử nghiệm nên nhóm diễn miễn phí cho khán giả, không phụ thu. Anh Trần Hoàng Phúc, trưởng nhóm kịch, cho biết: “Có thu hay không thì mỗi thành viên trong nhóm đều tự nhủ phải cháy hết mình trên sân khấu, diễn bằng niềm đam mê và sự tôn trọng khán giả”. Anh Phúc cũng cho biết, nhóm kịch có đất diễn phải nhờ đến sự ủng hộ của họa sĩ Lê Thọ, chủ nhân không gian cà phê Nhiệt Đới, đã hỗ trợ hết mình cho nhóm trong mỗi đêm diễn.

Theo kế hoạch, mỗi tháng nhóm kịch trẻ Cà Mau sẽ ra mắt 1 vở mới, chủ yếu là dòng kịch văn học, chuyển thể từ những vở cải lương kinh điển. Đó là cách để nhóm làm nên bản sắc riêng. “Sau mỗi đêm diễn, những lời chúc mừng, tin nhắn nhận xét khen ngợi, động viên, vui hơn nữa là nhận được những câu hỏi: “Khi nào thì diễn nữa?”, “Có lịch của những đêm diễn kế chưa?”... là động lực để nhóm tự tin hứa hẹn cho những đêm diễn tiếp theo không xa”, Trần Hoàng Phúc chia sẻ.

ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết