21/01/2011 - 22:05

Những người đón hơn 100 mùa xuân

Sống thọ, sống vui khỏe là mong ước của nhiều người. Chính vì thế, trong những ngày đầu năm mới, con cháu vẫn hay mừng tuổi ông bà mình bằng câu “sống lâu trăm tuổi”, người người thường chúc nhau sức khỏe. Với chuyến thăm nhà cụ Trần Văn Cần ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ và cụ Phạm Thị Thương ở xã Trường Thành, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ là những người đã đón trên 100 mùa xuân, chúng tôi mong muốn gởi đến bạn đọc câu chuyện của các cụ như lời chúc mừng đầu năm luôn vui khỏe!

Theo sự dẫn đường của cán bộ Hội Người cao tuổi xã Thới Hưng, chúng tôi đến thăm cụ ông Trần Văn Cần, 106 tuổi, người thọ nhất xã này. Nghe có khách tới, cụ Cần vui vẻ tiếp chuyện chúng tôi. Vuốt nhẹ chòm râu bạc phơ, cụ Cần chậm rãi nói: “Ngày xưa ăn toàn lúa mùa, rau cỏ, cá thịt toàn thức ăn tươi chứ không có phân thuốc như bây giờ. Có lẽ vì thế mà tui mới khỏe như vầy”. Mặc dù ngồi cách xa nhưng cụ nghe rõ ràng những gì chúng tôi hỏi mà không cần sự trợ giúp của con cháu. Cụ Cần còn khá minh mẫn, dáng người cao ráo, thanh mảnh. Điều đặc biệt lưng cụ Cần không bị còng, răng chỉ rụng 6 cây. Ông Trần Văn Út, 57 tuổi, con trai út của cụ Cần, nói: “Lúc 60 tuổi, ba tui còn đi cuốc khoai, ông làm đâu thua kém sức thanh niên. Giờ tuổi cao nhưng hàng ngày vẫn đi ruộng, thỉnh thoảng đi lòng vòng thăm bà con làng xóm. Ba tui ăn uống rất dễ và điều độ, các món ăn nêm nếm gia vị đậm đà”. Ở tuổi 106, cụ Cần vẫn tự giặt giũ quần áo và dọn dẹp nhà cửa, không để phiền tới con cháu.

Cán bộ Hội NCT xã Thới Hưng chúc sức khỏe cụ Trần Văn Cần (106 tuổi) trước thềm năm mới. 

Cụ Cần kể lại: “Thời trai tráng (lúc cụ khoảng 30 tuổi) đi làm mướn, người ta cho ăn thịnh soạn như đám cúng cơm vậy. Thậm chí có nhà tới mùa vụ mần heo đãi nhân công, có khi cho thịt đem về nhà. Đó là những ngày bình thường, ngày Tết còn sôi động hơn thế. Tết hồi trước vui hơn nhiều, mặc dù Tết thời nay thứ gì cũng có nhưng không khí chuẩn bị dường như không bằng. Hồi đó, khoảng vài tháng trước Tết, có nhà cấy 1-2 công nếp để ăn Tết. Một tuần trước Tết, các chị, các bà tiếp nhau xay bột, chuẩn bị quết bánh phồng và đổ bánh in để dành đãi khách. Ngày 30 là đầu trên xóm dưới nghe tiếng heo kêu inh ỏi, mọi người mần heo ăn Tết, nhà nào không có điều kiện mua thịt thì chia chịu thịt heo, tới mùa lúa trả sau. Trong đêm giao thừa, những nhà giàu treo đèn dầu sáng rực cả một khúc sông. Trẻ con tụi tui đêm giao thừa, đi xóm trên xóm dưới chúc Tết, mừng tuổi các cụ già, được lì xì vài cắc bạc là rủ nhau ra chợ mua pháo về đốt. Ngày xưa ăn Tết qua rằm tháng Giêng mới xuống ruộng mần...”.

Đang trò chuyện với chúng tôi, cụ Cần không quên nhắc ông Út nhớ trồng rau ăn Tết. Giữ truyền thống, năm nào cũng vậy, cụ Cần thức đón giao thừa, đốt nhang trên bàn thờ tổ tiên để rước ông bà về ăn Tết, dựng nêu rồi mới đi ngủ. Tuy không còn cảnh nhộn nhịp đón Tết như xưa, nhưng nhà ông Út vẫn chơi 2 chân “hụi heo” để lấy thịt heo ăn Tết. Tức là tháng Giêng năm trước, mỗi người đóng 200.000 đồng cho chủ hụi trong xóm. Chủ hụi lấy số tiền đó mua heo về nuôi hoặc làm việc khác, cuối năm họ lấy số tiền lời trong khoản tiền mà người chơi hụi đóng góp chia đều ra. Thường mỗi chân hụi heo như thế, cuối năm lấy được khoảng 7-8kg thịt heo, nếu chủ hụi nào làm ăn khấm khá sẽ được phần nhiều hơn. Ngày cuối năm, nhà nào cúng tất niên thường í ới gọi nhau qua ăn bữa cơm thân mật làm không khí ở miền quê sôi động. Đây cũng là lúc các bà các chị chuẩn bị lau khuôn làm bánh in.

Còn cụ Phạm Thị Thương ở ấp Trường Thạnh, xã Trường Thành, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, năm nay 121 tuổi. Tuy cụ Thương không còn được minh mẫn nhưng người dân ấp Trường Thạnh rất tự hào về cụ- người sống thọ nhất ở đây. Hôm chúng tôi đến, cụ Thương đang nhai cơm bỏm bẻm. Mỗi bữa, cụ ăn được 1 tô nhỏ cơm. Bà Nguyễn Thị Đậu, con gái út của cụ Thương, nói: “Má tui từ hồi đó tới giờ có đi bác sĩ gì đâu nên con cháu chăm sóc cũng khỏe”. Khoảng 4-5 năm trước, cụ Thương còn đi tới lui thăm hỏi hàng xóm hoặc đi uống cà phê. Có lẽ được sức khỏe như thế nhờ trước đây cụ làm lụng vất vả, mua trầu cau đi bán, khi rảnh đi mót lúa. Bây giờ, nhiều lúc trong giấc ngủ, cụ còn mớ kêu đi mót lúa. Có lẽ trong tiềm thức cụ Thương vẫn còn đọng lại thời xa xưa cực nhọc rồi đến ngày mùa nhộn nhịp cắt lúa chuẩn bị ăn Tết.

Cụ Phạm Thị Thương năm nay đã 121 tuổi. 

Nói về ngày Tết, bà Đậu cho biết: “Thường ngày 28 tháng Chạp là tui kho thịt để ăn dành ăn dần, món mà má tui thích. Con cháu, chắt lại chúc thọ, mừng tuổi”. Bà Đậu nói đó cũng là niềm hạnh phúc của cụ Thương trong những dịp đầu năm. Bà Đậu giở chiếc áo mới may, khoác lên người cho cụ Thương, làm ấm lòng những ngày đầu xuân...

Ông Lê Văn Số, Phó Ban đại diện Hội Người cao tuổi TP Cần Thơ, cho biết: Trên địa bàn TP Cần Thơ hiện có 114 cụ trên 100 tuổi, các cụ sống đầm ấm với con cháu trong gia đình. Ngoài tiền bảo trợ xã hội cho các cụ theo chế độ (đúng theo độ tuổi quy định), Hội Người cao tuổi ở xã, phường thường xuyên tổ chức khám, phát thuốc miễn phí cho các cụ. Tết này, UBND thành phố chi mức hỗ trợ 300.000 đồng đối với các cụ trên 100 tuổi.

Trên đường về, chúng tôi cứ nhớ đến hình ảnh cụ Thương khoác chiếc áo mới, cụ Cần khoan thai đi đuổi gà ăn lúa, trong sân bên cạnh đám cải xanh mướt mà lòng cảm nhận Tết đang đến rất gần!

Bài, ảnh: M.HOÀNG

Chia sẻ bài viết