03/11/2017 - 09:26

Ông Trần Hoàng Tho, Nguyên Bí thư Huyện ủy Ô Môn:

Những năm tháng không quên 

Tôi sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo đông con tại ấp Bình Khánh, xã Phước Thới, huyện Ô Môn. Tôi được cha mẹ cho đi học đến lớp 3 thì nghỉ do tình hình chiến tranh. Tôi tham gia cách mạng khi mới 15 tuổi, được các anh, các chú giao cho nhiệm vụ giao liên, đưa thư.  Nhờ tích cực tham gia hoạt động mà tôi được phát triển thanh lao (đoàn viên) khá sớm. Sau này, tôi thoát ly gia đình và tham gia hoạt động cách mạng với vai trò Bí thư xã đoàn Phước Thới (giai đoạn 1958-1960), rồi xã Đội trưởng Phước Thới (1961-1964). Đến năm 1961, tôi được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Trong thời gian sinh sống, chiến đấu tại Lộ Vòng Cung, tôi có nhiều kỷ niệm sâu sắc, khó quên. Tuy nhiên, ấn tượng nhất là 2 kỷ niệm - xem như hai bài học mà suốt đời tôi luôn ghi nhớ.

Xây dựng thế trận lòng dân vững chắc

Năm 1960, Trung ương ra Nghị quyết 15, lực lượng vũ trang nói chung, tỉnh Cần Thơ, lộ Vòng Cung nói riêng cảm nhận như “nắng hạn gặp được mưa”. Với tinh thần phấn khởi, khẩn trương, các địa phương tiến hành xây dựng và phát triển lực lượng dân quân, du kích từ xã đến các ấp; phong trào diệt ác phá kiềm liên tục diễn ra. Thời điểm đó, tại xã Phước Thới, địch xây dựng nhiều trung đội phòng vệ, trong đó, có 2 trung đội phòng vệ và phòng vệ xung kích (tại ấp Thới Ngươn A và Thới Ngươn B). Trung đội phòng vệ gồm trưởng ấp và các lực lượng được trang bị tầm vông, mỏ, trống; còn phòng vệ xung kích thì tập hợp các thanh niên trong độ tuổi 18-20, được trang bị vũ khí, lựu đạn, súng (là lực lượng then chốt mà địch rất tâm đắc). Hai lực lượng này khi phát hiện Việt Cộng thì báo hiệu để lực lượng dân vệ tại các đồn bót phối hợp chi viện và tiêu diệt. Tuy nhiên, trong số các thanh niên tham gia lực lượng phòng vệ xung kích, nhiều người là con em gia đình vốn có tình cảm, mối quan hệ tốt với cách mạng từ trước và trở thành cơ sở để ta đánh lại địch. Lực lượng phòng vệ xung kích đã báo tin giả để thu hút bọn dân vệ. Kết quả, đã diệt toán dân vệ, tề xã Phước Thới, giết tại chỗ tên trưởng ấp ác ôn, bắt sống 3 tên và thu 3 súng. Qua trận đánh này, tôi tự rút ra bài học, địch tin rằng chúng nắm được dân, tuy nhiên, dân lúc nào cũng hướng về cách mạng, trung thành, tình quân –dân thắm thiết như cá với nước. Cách mạng phải dựa vào dân, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc thì kẻ thù dù có mạnh thế nào, mưu mô ra sao, chúng ta cũng sẽ giành thắng lợi bởi chúng ta được lòng dân.

Là chỉ huy thì không được lơ là giây phút nào

Năm 1963, khi đó tôi là Xã đội trưởng xã Phước Thới, trong một lần đi thu đảm phụ cùng các anh em trở về, tôi gặp bà con bị chìm ghe lúa. Cả nhóm quyết định ở lại hỗ trợ người dân vác lúa. Sau khoảng 1 tiếng đồng hồ làm xong công việc giúp dân, chủ nhà mời mọi người ăn cháo vịt. Khi mâm cháo vừa dọn ra thì  biệt kích bất ngờ ập vào nổ súng. Trận đó có 3 đồng chí hy sinh, bản thân tôi cũng bị thương nhiều vết (ông Tho hiện là thương binh 4/4-PV). Lúc đó, tôi chỉ suy nghĩ đơn giản, bộ đội cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nhân dân nhưng quên mất bản thân mình là chỉ huy, còn trách nhiệm lớn lao.

Từ bài học xương máu đó, sau này, tôi được phân công đảm nhiệm chức vụ cao hơn (Chỉ huy Trưởng Ban Chỉ huy Quân sự Ô Môn, Phó Bí thư, Bí thư Huyện ủy Ô Môn-PV), trực tiếp chỉ huy, phối hợp tác chiến cùng nhiều đơn vị đánh nhiều trận lớn nhỏ khác nhau, đến ngày toàn thắng, tôi không lần nào để bản thân mình mắc phải sai lầm, để phải trả giá bằng sinh mạng, máu của đồng đội.

Sau ngày giải phóng, tôi đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau nhưng kỷ niệm về những năm tháng kháng chiến trên tuyến lộ Vòng Cung tôi còn nhớ mãi không quên. 

TÂM KHOA (ghi) 

Chia sẻ bài viết