Em gái tôi giành vương miện hoa khôi học đường, má tôi cười nhìn em sà vào vòng tay bà nội. Má trìu mến: "Cho con hay bà lúc trẻ đẹp gấp chục lần con". Em tôi cười: "Vóc dáng con vừa giống ông giống bà giống cha giống mẹ lại có nét riêng của bản thân con". Má tôi la: "Mồ tổ con nhỏ này! Thấy nội Thơm đẹp nhất trần đời không? Con không được nghe lời khen thật hay về bà".
Lời ai khen? Còn ai nữa. Ông nội khen bà nội! Ông đã về thiên thu mang cái giọng trầm trầm mê đắm đi rồi, nhưng bà vẫn nhớ lời ông từ thuở đôi tám. Em tôi vẫn cố khoe: "Cả nhà biết không, có chàng trai kiếm ngàn đóa hồng tỏ tình với con". Bà nội chợt nói: "Tính coi số bông hồng đó bao nhiêu tiền, số tiền đó mua được nhiêu khối nước máy cho nhà này?". "Trời! Hoa đó không so với
vàng mà so chi với nước bà ơi". Bà chợt thốt: "Cơm vàng nước bạc
".
Nói tới đây chắc bà nhớ thuở nhỏ, nhớ quê nhớ xứ, miệt đất phèn chua mặn chỉ mơ nước ngọt, mơ mộng chi bông hồng. Xứ ấy lấy hiện vật để tỏ lời của con tim: nhà giàu thì xây bồn nước mưa, nhà lá có hàng lu nước mưa dọc hàng cau.
*
* *
Nhớ quê. Bà khấn linh ông rồi dắt đàn con cháu quá giang đò về quê bà ở miệt đồng xa hút. Rất may là còn mấy ông bà tuổi tác trang lứa với bà như bà Cúc, bà Mai, ông Hạt
Họ nhìn dáng nhận ra bà Thơm, vợ ông Ninh.
Bà Cúc gầy gò nhỏ thó, cười tươi rói môi trầu: "Cháu mà về lúc chồng bà - ông Út Xiêm, còn sống không chừng ổng đập cháu một trận "rửa thua" chuyện ông nội cháu cướp đi cô Thơm đẹp xốn xang đất chua mặn này". Tôi nhìn bồn nước xây nửa phần ngoài nhà, nửa phần trong nhà, vừa bán âm, vừa bán dương lên bàn thờ, hỏi bà Cúc: "Bồn nước mưa là sính lễ cầu hôn hả bà?". Bà Cúc cười ngất: "Xứ phèn mặn ngày xưa nhà có bồn nước mưa bự vầy là nhà đại điền chủ, ông chủ muốn cô nào lấy cái một à".
 |
|
Đại điền chủ Út Xiêm thích người nào thì cưới đàng hoàng. Bà Cúc là vợ thứ bảy của ông. Ngày trước người giàu có lấy nhiêu vợ thì lấy. Bà Cúc chỉ vườn cau liền ranh có ông lão đu trên ngọn cây chót vót. Đó là ông Hạt. Mắt bà lấp lánh trở về chuyện xưa: "Cấp trẻ bà yêu anh Hạt, người xé buồng cau tài tử, bay ngọn cau này qua ngọn cau khác hớp hồn đám thiếu nữ. Anh là tay làm cau khô số một, cau bán tận bên Campuchia bộn bạc"
Nhưng bà không có cơ hội bởi ở cái ấp cây nằm nước chua mặn này có cô Thơm đẹp nức tiếng, các chàng trai đua tranh ngỏ lòng. Lấy lòng người đẹp ở nơi nước phèn không gì bằng lo nước ngọt dùng hằng ngày. Anh Hạt tính toán độc đáo ra tay lấn át các tình địch. Anh lo món lễ vật cầu hôn bằng việc trồng hơn ba trăm cây cau thành hàng quanh nhà và làm 365 cái lu kiệu đặt dưới gốc cau hứng nước mưa. Anh tính: "Năm 365 ngày, mỗi ngày nàng Thơm xài một lu nước mưa trong mát". Anh Hạt giỏi nghề trèo cau "ra đòn" đẩy bật cả đám nhà mái ngói có bồn xây chứa ngàn đôi nước. Hạt đứng dưới đất ngó tán cau xanh tính chuyện làm 365 cái gáo dừa tròn vo giống in nhau. Tối ngày Hạt mê mải hết ngó buồng cau lại ngó quầy dừa. Hạt tới lò gốm mua đồ nói chuyện lu tình kiệu duyên với con chủ lò là Ninh. Ninh nghe chuyện của Hạt thấy lạ dữ mới tò mò nhận làm thợ đưa lu kiệu.
Các đợt giao hàng lai rai tới ghe lu kiệu cuối cùng
thì Ninh ra ghe hoa rực rỡ rước Thơm dời ấp xuất giá tòng phu. Còn bà Cúc thì không chờ đợi được anh chàng Hạt thất tình hằng ngày ném vỡ kiệu nước dưới hàng cau, đành thành vợ của Út Xiêm.
*
* *
Ông Hạt đu ngọn cau xuống, xách lu nước qua nhà bà Cúc. Bà Cúc hỏi: "Bữa nay máy xúc không làm lộ?". Ông Hạt: "Làm chứ sao không? Nước mưa lu nè! Bà nấu nước châm cà phê uống đi". Nói rồi ông vô sau nhà vặn vòi bồn nước mưa tắm táp. Tôi cười cười: "Bà bắt ông tắm bồn hay ông dâng nước lu cho bà mở thiên tình cảm mới sau thất tình nội Thơm của con?"
Bà Cúc bất chợt buồn: "Con làm sao hiểu cảm giác của kẻ có bồn nước ngồi dòm kẻ trèo cau đập lu vì thất tình. Lúc đó anh Hạt tối ngày ôm ngọn cau
". Rồi tới tuổi ngoài năm mươi, ông Hạt bán cau tươi cho đám cưới khắp vùng quê này. Ông xé buồng trực tiếp bày mâm trầu cau giúp nhà có hôn lễ. Người bán cau còn gởi bao thơ mừng lễ cưới. Ông Út Xiêm nhẩm tính thấy cứ người thứ bảy mua cau cưới được ông Hạt mừng thiệp hồng. Ai cũng hỏi sao không tặng buồng cau? Nhưng việc chi cũng phải ăn vào lẽ đời. Đồ cưới hỏi phải được lo đích thực đàng hoàng; lễ tơ hồng trăm năm có ai "xin, cho" với mâm trầu cau. Nên ông Hạt tính kỹ: "Mừng người thứ bảy
ý là theo số vía đàn ông. Mừng tiền bạc chớ đi buồng cau "thay" thì kỳ". Ông Út Xiêm thấy quí ý sâu xa của ông Hạt nên nói: "Bển nhà tôi nước bồn xài không hết. Vợ chồng tôi mời anh cứ qua lấy dùng tự nhiên". "Cảm ơn! Tôi không bỏ lỡ cơ hội đâu. Được tắm nước bồn anh mát tới kiếp sau".
Từ đó ông Hạt qua là xách nước lu để ông Xiêm nấu châm trà hay cà phê uống mát dạ. Tôi chợt nghĩ ra bà Cúc không dùng trà, không dùng cà phê. Bà uống
nước lu hương cau. Tôi nâng ly nước hương bông cau thoang thoảng bâng khuâng dằng dặc tháng năm. Cái giống cau tứ thời buồng trái cưới hỏi quanh năm và hương bông thơm lu nước ngày ngày. Bà Cúc bảo bây giờ đừng nói con gái thị thành, gái nhà quê cũng sành tô son thoa phấn xức dầu thơm hấp dẫn. Ngày xưa các bà "ăn trầu đỏ môi", còn những chuyện làm tóc dài mượt mà, trắng da hồng gót phải lựa lọc dùng cây cỏ cá chim, lớp chế thức ăn, lớp ra thuốc xoa đắp cho dung nhan dễ ưa. Vầy mới là con ngoan của cha mẹ đồng đất quê xứ.
Tôi nghe chuyện đâm ra mê ông Hạt đu cây tài tử, lướt sóng đồng nội, vặt những sung vả, nhãn lồng, mướp bí, dưa leo, ngò gai, ngò rí, ngò om, cỏ năn, cỏ lác, bồn bồn, điên điển; bắt những cá lóc, cá sặt, mè vinh lươn, lịch, cua đinh, thòi lòi, ba khía
ra thức ăn, ra thuốc làm khỏe trẻ đẹp người miệt vườn. Bên ông tôi nhớ bà nội mình, tôi tính xin ông ít thuốc cho nội. Chua kịp ngỏ lời thì nghe tiếng máy xe cộ nổ rầm rầm. Ông Hạt vội về nhà.
Những cây cau nhà ông Hạt ngã rạp xuống. Bao nhiêu năm ông bay bổng bay la ngọn cây tài tử mà giờ cây lại ngã vật xuống đất uỳnh uỵch.
Bà Cúc bảo bây giờ không loay hoay bồn nước, lu nước bởi có giếng khơi, có nhà máy nước. Tới hồi tính đường sá cho đời. Sau khi lên các cây cầu nức tiếng cầu Vĩnh Long, cầu Cần Thơ mở quốc lộ I xuyên trung tâm miền Tây Nam bộ, xứ này lại mở đường ven biển Đông từ Thành phố Hồ Chí Minh qua Bến Tre, Gò Công, Sóc Trăng tới Đất Mũi. Đường qua ấp này, ông Hạt hiến một phần vườn cau cho đường quê xứ chạy thẳng băng rộng rãi.
Bà cháu tôi qua nhà ông Hạt.
Bà Cúc tới bên ông Hạt cùng ông tiếp công nhân hạ cây mở đường. Xe cẩu hoạt động. Tiếng răng gầu xoàn xoạt ngoạm đất dưới chân hàng cau. Kìa! Vô số mảnh lu! Bà Cúc biết tôi sẽ chộn rộn, ra tay ám hiệu ngăn. Tôi dòm ông Hạt. Ông Hạt bồi hồi:
- Ờ! Mở đường!
Tôi bước tới lu nước dưới hàng cau cầm gáo dừa múc một gáo nước mưa trong ngần nâng ngang mặt. Nước sóng sánh, hương cau thơm thăm thẳm.
TP Cần Thơ 4/2008 6/2015