10/07/2015 - 08:26

Những loại kính thông minh sắp ra mắt thị trường

ADAMAAS – Kính thông minh hỗ trợ người cao tuổi và người khuyết tật

Hẳn mọi người không xa lạ gì với khái niệm kính thông minh, loại kính có khả năng hỗ trợ học hành, làm việc và giải trí dành cho mọi đối tượng, trừ người già và người khuyết tật vốn cần nhiều sự trợ giúp trong cuộc sống thường ngày. Nhằm bù đắp khoảng trống này cũng như giúp người cao tuổi và người khuyết tật sống độc lập hơn, các chuyên gia đã phát triển kính thông minh ADAMAAS.

 

Đây là sản phẩm thuộc dự án "Hỗ trợ di chuyển và thích nghi với cuộc sống hằng ngày" (ADAMAAS) của trường Đại học Beielefeld (Đức), trong đó kết hợp nhiều công nghệ khác nhau như nghiên cứu trí nhớ, theo dõi cử động mắt, đo dấu hiệu sinh tồn (nhịp tim, mạch đập), nhận diện hành động và vật thể, công nghệ tăng cường thực tế ảo (AR) cũng như các kỹ thuật chẩn đoán và sửa lỗi hiện đại.

Theo đó, kính ADAMAAS được thiết kế nhằm xác định việc người dùng đang làm, chẳng hạn như nấu một bữa ăn. Không chỉ đưa ra sự trợ giúp phù hợp với hoàn cảnh dưới dạng câu chữ, hình ảnh hoặc mô phỏng bằng nhân vật ảo, loại kính này còn đưa ra phản hồi theo thời gian thực khi người dùng thao tác sai. Bằng cách này, nó cho phép họ tiếp tục thực hiện công việc đồng thời hướng dẫn họ làm tốt hơn và sửa lỗi nếu có. Vì nhắm tới người già và người khuyết tật nên ADAMAAS đưa ra những hướng dẫn cơ bản nhất trong mọi hoạt động, từ đơn giản như nướng bánh hay pha cà phê, đến phức tạp hơn như sửa xe đạp hoặc tập yoga.

Kính EyeControl giúp bệnh nhân ALS giao tiếp bằng mắt

 

Nhằm giúp những người bị xơ cứng teo cơ một bên (ALS) – một bệnh thần kinh tiến triển gây thoái hóa và làm chết dần các tế bào thần kinh vận động – cải thiện khả năng giao tiếp, hãng công nghệ EyeControl đã phát minh một loại mắt kính cho phép bệnh nhân giao tiếp bằng mắt.

Hệ thống EyeControl sử một camera hồng ngoại gắn trên kính để ghi lại những chuyển động của mắt và "dịch" thành từ ngữ hoặc văn bản nhờ một thuật toán theo dõi mắt. Theo đó, khi camera phát hiện cử động mắt, nó truyền thông tin đến một máy tính cỡ chiếc thẻ tín dụng thông qua cổng USB. Máy tính sau đó xử lý thông tin thành các lệnh nhờ một ứng dụng trên điện thoại thông minh và lệnh này sẽ được "tiếp âm" qua tai nghe, loa của hệ thống hoặc thiết bị có kết nối Bluetooth. Lúc này, hệ thống đưa ra 3 lựa chọn cho người dùng gồm: đề nghị trợ giúp, đưa ra câu nói sẵn có (ví dụ: "Tôi nóng quá") và soạn câu thoại ngắn, giống như tin nhắn SMS. Nếu người dùng đang sử dụng tai nghe, hệ thống có thể hỏi họ vài câu rồi nhận biết phản ứng của họ dựa vào chuyển động mắt, chẳng hạn nhìn lên nghĩa là "có", nhìn xuống là "không".

Hiện EyeControl đang có chiến dịch huy động 30.000 USD trên trang web Indiegogo để nghiên cứu và phát triển phần cứng cũng như ứng dụng cho hệ thống.

Kính Ctrl One tự động đổi màu theo điều kiện ánh sáng

Trong khi đó, chi nhánh ở Hà Lan của AlphaMicron – công ty chuyên ứng dụng công nghệ tinh thể lỏng vào mắt kính điện tử (có trụ sở tại bang Ohio-Mỹ) thì đang phát triển Ctrl One, loại kính tự động đổi màu nhằm thích nghi với điều kiện ánh sáng xung quanh.

 

So với các loại kính đổi màu hiện hành thường mất tới vài phút để điều chỉnh, kính mới đổi màu tức khắc nhờ được tích hợp một cảm biến ánh sáng và kích hoạt bằng một dòng điện nhỏ. Mấu chốt nằm ở công nghệ e-Tint được phát triển gần đây, cho phép tròng kính chuyển từ trong suốt sang có màu chỉ trong 1/10 giây. Kính có khả năng chống thấm nước và người dùng có thể đổi màu tròng kính bằng cách ấn nhẹ vào nút trên gọng kính hoặc để nó tự điều chỉnh ở chế độ tự động. Kính nặng 50 gr và có thể hoạt động liên tục 50 giờ nhờ vào cục pin lithium-ion 50 mAh (sạc qua cổng microUSB).

Sản phẩm hiện được giới thiệu trên trang web huy động vốn Indiegogo với giá 125 USD (giao hàng tháng 11-2015), gọng kính có 5 màu để lựa chọn, trong khi tròng kính có màu cam, xanh dương hoặc trong suốt. Phiên bản thứ hai của Ctrl One dự kiến tích hợp thêm công nghệ GPS xác định độ cao và vận tốc di chuyển, sẽ có mặt trên thị trường từ 12-18 tháng nữa.

HOÀNG NAM (Theo Gizmag)

Chia sẻ bài viết