30/07/2016 - 17:15

Những giải pháp mới giúp hạn chế lãng phí thực phẩm

Ước tính mỗi năm trên thế giới có đến 1/3 sản lượng lương thực bị lãng phí, trong đó có một lượng lớn rau quả chín rục, thối rữa hoặc bị nhiễm khuẩn. Trong nỗ lực giải quyết tình trạng lãng phí này, các nhà khoa học không ngừng nghiên cứu công nghệ tiêu diệt vi khuẩn, biến đổi gien hay cải tiến quy trình đóng gói nhằm giúp kéo dài vòng đời các loại trái cây và rau củ.

Công nghệ plasma

Việc nhìn thấy vô số trái cây hư hỏng và bị vứt bỏ đã thôi thúc các nhà nghiên cứu Trung Quốc tìm hiểu giải pháp bảo quản bằng công nghệ plasma, mà họ cho là có thể giúp trái cây tươi lâu hơn bằng cách tiêu diệt các loại vi khuẩn trên bề mặt vỏ.

Chiếu plasma trên táo. Ảnh: foodqualitynews.com

Theo các chuyên gia tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Trung, khi vi khuẩn bám trên bề mặt thực phẩm, chúng sẽ hút chất dinh dưỡng và tiếp tục sinh sôi dưới dạng "màng sinh học". Lớp màng này chứa các nhóm vi sinh vật, không chỉ giảm chất lượng thực phẩm mà còn khiến nó trở thành "ổ" lây lan mầm bệnh.

Nghiên cứu trước đây từng phát hiện "màng sinh học" của vi khuẩn có thể bị phá hủy bằng các dung dịch axít, nhưng những chất này cũng làm hư thực phẩm. Trong khi đó, các gốc tự do tạo ra bởi plasma – trạng thái thứ 4 của vật chất (ngoài rắn, lỏng và khí) khi các chất bị ion hóa mạnh – được phát hiện có thể tiêu diệt các vi khuẩn có hại chẳng hạn Salmonella và E.coli trên táo, các vi sinh vật gây úng trên xoài, dưa hấu và thậm chí là khuẩn Listeria trên thịt. Dựa vào điều này, Giáo sư Xinpei Lu và cộng sự muốn tận dụng các electron tạo ra từ quá trình ion hóa để phá hủy màng sinh học của vi khuẩn. Thử nghiệm của họ cho thấy cấu trúc màng sinh học của vi khuẩn bị xuyên thủng khi tương tác với plasma, đồng nghĩa có thể giúp trái cây và các loại củ, quả khác lâu hư hơn.

Nói về tiềm năng ứng dụng, nhóm nghiên cứu cho biết sắp tới họ sẽ nghiên cứu công nghệ plasma nhiệt độ thấp để khử trùng thực phẩm, chẳng hạn tạo ra một plasma đồng nhất bao trùm bề mặt của thực phẩm, hoặc phát triển máy plasma để quét bề mặt của trái cây.

Phát hiện cơ chế sinh học giúp cà chua tươi lâu hơn

Cà chua là một trong những thực phẩm phổ biến nhất trên thế giới với tổng giá trị sản lượng toàn cầu hàng năm trên tới 50 tỉ USD. Đó là lý do người ta không ngừng nghiên cứu biện pháp gia tăng sản lượng, nhân giống mới với hương vị và hàm lượng dinh dưỡng cao, cũng như kéo dài thời hạn sử dụng của loại quả này.

Trong nỗ lực đó, các nhà sinh học thuộc Đại học Nottingham (Anh) cho biết họ đã xác định được một gien giúp cung cấp thông tin di truyền một enzyme có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát độ mềm của cà chua khi chín. Cụ thể, gien này mã hóa enzyme lyase pectate thường phá hủy thành phần pectin trong thành tế bào cà chua trong quá trình trái chín. Trong các thí nghiệm, Giáo sư Graham Seymour – trưởng nhóm nghiên cứu – cho biết nếu gien này bị loại bỏ, cà chua vẫn thay đổi màu sắc, hương vị khi chín như bình thường nhưng lâu mềm hơn rất nhiều.

Phát hiện trên được kỳ vọng có thể giúp tạo ra những giống cà chua mới ngon hơn nhưng lâu chín mềm hoặc thối rữa.

Bao bì các-tông bảo vệ rau quả khỏi vi khuẩn tốt hơn bao bì nhựa

Nghiên cứu của Đại học Bologna (Ý) cho thấy sử dụng bao bì các-tông có thể giúp trái cây tươi lâu và an toàn hơn so với thùng nhựa dùng nhiều lần (RPC), qua đó giảm đáng kể tình trạng nhiễm khuẩn chéo.

Ảnh: foro.ge

Trong nghiên cứu, Giáo sư Rosalba Lanciotti cho biết họ dùng trái đào được rửa sạch với nước và khử trùng bằng dung dịch muối natri, sau đó rửa sạch lại với thuốc sát trùng và cuối cùng là sấy khô. Sau đó, nhóm chuyên gia cho đóng gói đào trong bao bì các-tông và thùng RPC ,đều bị ô nhiễm cùng một chỉ số khuẩn E.coli, nấm Saccharomyces cerevisiae và trực khuẩn mủ xanh Pseudomonas spp.

Kết quả, nhóm nghiên cứu phát hiện trái cây đều bị nhiễm khuẩn từ vật liệu đóng gói. Tuy nhiên, sự lây nhiễm ở nhóm bao bì các-tông luôn thấp hơn so với thùng nhựa. Cụ thể là trong cùng một điều kiện bảo quản, có đến 95% đào bị nhiễm E. coli chỉ sau 48 giờ đóng gói trong thùng RPC, trong khi mức độ nhiễm E. coli ở thùng các-tông không vượt quá 25%. Điều này cũng khẳng định trái cây đóng gói trong thùng các-tông sẽ an toàn và tươi lâu hơn so với thùng nhựa.

ĐƯỜNG THẤT (Theo Daiy Mail, Horti Daily)

Chia sẻ bài viết