05/03/2017 - 16:59

Những doanh nghiệp “bén duyên” với con cá triệu đô

Con cá tra vốn được xem là nguồn tài nguyên thiên phú cho dòng Mê Công mà từ lâu Chính phủ đã khẳng định giá trị của sản vật này. Nhiều thập kỷ qua, loài thủy sản độc tôn vùng hạ lưu đã "cất cánh" đưa không ít tên tuổi doanh nghiệp (DN) Việt bay khắp trên bản đồ thế giới. Trong đó có các DN như: Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển đa quốc gia (IDI) - thành viên Tập đoàn Sao Mai…

Khẳng định đẳng cấp cho con cá "triệu đô"

Quy trình chế biến cá tra xuất khẩu của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển đa quốc gia (IDI). 

Con cá tra gần hai thập niên qua đã tạo ra những "cú hích" cho các nhà kinh doanh cá da trơn toàn cầu, góp phần làm cho Việt Nam được biết nhiều hơn trên thị trường thế giới. Sau lúa gạo, cá tra Việt Nam đã tạo nên kỳ tích cho ngành xuất khẩu thủy sản, đem về nguồn ngoại tệ không nhỏ cho nước nhà. Giáo sư Michael Porter, Trường Đại học Harvard đã từng nhận xét rằng: "Lợi thế cạnh tranh của Việt Nam chính là sự khác biệt dựa trên nông nghiệp. Có thể coi cá tra là một sự khác biệt mang tính lợi thế tối ưu, khi nhiều nước có đặc điểm khí hậu tương tự, nhưng không thể nhân giống và xuất khẩu thành công như Việt Nam". Tuy giá trị kim ngạch có khi tăng – giảm vì nhiều nguyên nhân khách quan, nhưng vẫn không ảnh hưởng đến nỗ lực và ý chí của các DN chế biến thủy sản xuất khẩu Việt Nam trên con đường chinh phục thị trường thế giới với khát vọng "khác biệt về lợi thế cạnh tranh bằng chính tài năng biết cách khai thác nguồn tài nguyên quí giá chỉ có ở vùng hạ lưu sông Mê Công".

Theo số liệu thống kê của Cục Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra tính đến cuối năm 2016 đạt 1,620 tỉ USD, tăng 0,8 % so với cùng kỳ 2015. Còn Vasep nhận định rằng, tỷ lệ cá tra xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm 2017 này. Những con số trên biểu thị sinh động tiềm năng cũng như sự nỗ lực không ngừng của các DN xuất khẩu cá da trơn Việt Nam điển hình như: Vĩnh Hoàn, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long…

Riêng thương hiệu IDI đến nay đã có mặt trên 150 quốc gia. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm, công ty còn liên tục mở rộng vùng nuôi liên kết lên đến 150 ha, chủ động trên 90% nguyên liệu cho chế biến, số lượng đơn đặt hàng gia tăng không ngừng, tăng trưởng bình quân mỗi năm đạt kết quả ấn tượng giúp IDI giữ vững danh hiệu Top 5 DN xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam trong suốt thời gian qua, chắc chắn tương lai IDI không dừng lại ở những con số này mà còn tiến xa hơn nữa.

Nâng tầm thương hiệu

Rõ ràng, con cá tra đã giúp ngành hàng xuất khẩu thủy sản mang về một lượng ngoại tệ không hề nhỏ. Nhưng nếu chỉ tập trung phát triển phân khúc mặt hàng cá fillet thì chưa phát huy hết giá trị con cá tra. Nâng cao chuỗi giá trị của con cá tra Việt Nam là bài toán hốc búa mà toàn ngành nông nghiệp cần phải suy ngẫm và "thời điểm này là giai đoạn hợp lý để đầu tư vào chế biến sâu, tạo giá trị gia tăng và ai đi trước, có khả năng tiếp cận trước thì sẽ giành được cơ hội lớn" - ông Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam khẳng định.

Chớp lấy thời cơ, tìm hướng đi mới cho con cá tra khỏi vòng lao đao sau khủng hoảng, một số doanh nghiệp đã có những bước đi đón đầu như: Công ty Cổ phần Gò Đàng Tiền Giang (Godaco) với cá tra fillet tẩm bột đông lạnh, cá tra fillet xiên que… Còn IDI là DN không chỉ "ghi điểm" ở phân khúc fillet mà còn được biết đến là đơn vị "tiên phong" ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ để chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng, hoàn thành khép kín chuỗi nuôi trồng và chế biến con cá tra Việt Nam tạo ra một sản phẩm "tinh tú" là sản phẩm dầu ăn cao cấp mang thương hiệu Ranee - hội tụ những tính năng vượt trội, bổ dưỡng và phù hợp túi tiền của người tiêu dùng. Mở ra thị trường mới đầy hứa hẹn cho dầu ăn có nguồn gốc từ động vật và chứng minh những giá trị tiềm năng của cá tra đã được khai thác hiệu quả. Hướng đi mới này, IDI có thể dễ dàng thu được lợi nhuận kếch xù mỗi năm từ việc tinh luyện mỡ cá tra.

Vậy là trong mỗi kiện hàng Pangasius (cá tra) xuất khẩu lại có thêm một sản phẩm mới đó là Dầu ăn cao cấp Ranee. Hương vị của dòng Mekong đã được IDI nói riêng và Tập đoàn Sao Mai nói chung mang đến khắp năm châu bốn bể. Hương vị ấy nồng nàn phù sa vùng châu thổ cực Nam Tổ quốc. Hương vị ấy thấm đẫm những giọt mồ hôi của ngư dân, kết tinh chất xám của tập thể nguồn nhân lực Sao Mai Group và khẳng định đẳng cấp của DN biết tận dụng vận hội của nền kinh tế hội nhập khai thác hiệu quả tiềm năng thiên phú cho vùng hạ lưu. Mỏ vàng trong lòng đất khai thác sẽ cạn kiệt, nhưng mỏ vàng trên dòng Mê Công là vĩnh cửu. Quả thật ai tham gia vào lĩnh vực này sẽ là bước đi hoàn toàn đúng đắn và có tầm nhìn xa. 

Bài, ảnh: Trần Kiệt

Chia sẻ bài viết