07/07/2015 - 20:54

Những cuộc kiểm tra sức khỏe quan trọng trong đời nữ giới cần lưu ý

Bên cạnh học hành và làm việc, nữ giới thường bận rộn chăm sóc nhà cửa và những người thân yêu. Điều này dễ khiến chị em lơ là chăm sóc bản thân hoặc ít lưu ý đến những dấu hiệu thay đổi bất thường trong cơ thể. Trong khi đó, các chuyên gia sức khỏe cho biết để sống khỏe, hạnh phúc và trường thọ, "phái đẹp" nhất thiết phải tiến hành các cuộc kiểm tra sức khỏe quan trọng trong đời theo từng độ tuổi như sau:

Từ 12-18 tuổi

 

Ở tuổi 12, đa số bé gái có các dấu hiệu dậy thì và có thể bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên ở tuổi 13 hoặc chậm nhất là 15. Do đó, nếu con gái bạn không có những biểu hiện dậy thì (ví dụ, ngực không nảy nở khi bé 13 tuổi và không hành kinh khi 15 tuổi), lời khuyên chính là nên đưa trẻ đi gặp bác sĩ bởi vì trẻ có thể dậy thì muộn và cần tìm hiểu nguyên nhân.

Bên cạnh lịch tiêm chủng thông thường, bé gái từ 12 tuổi trở lên cũng được khuyến khích tiêm vắc-xin ngừa HPV (vi-rút gây u nhú ở người, lây truyền qua đường tình dục). Đây là mũi tiêm giúp phòng ngừa ung thư cổ tử cung (bệnh ung thư phổ biến thứ hai ở phụ nữ dưới 35 tuổi) và mụn cóc sinh dục. Ngoài ra, kiểm tra mắt và răng định kỳ cũng rất quan trọng với sức khỏe và nên duy trì suốt đời, vì vậy hãy bắt đầu việc đó ngay ở lứa tuổi này.

Từ 18-24 tuổi

 

Phụ nữ tuổi này đã phát triển đầy đủ về thể chất và có sức khỏe tốt. Nhưng nếu có hoặc sắp có hoạt động tình dục thì nhất thiết chị em và đối tác phải tầm soát các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI), chẳng hạn như Chlamydia – căn bệnh phổ biến ở những người trong độ tuổi từ 18-24, có thể chẩn đoán dễ dàng và điều trị bằng thuốc kháng sinh. Tin tốt là thay vì phải lấy máu xét nghiệm như đối với bệnh viêm gan, giang mai và HIV, các bệnh STI như Chlamydia và bệnh lậu có thể kiểm tra bằng dịch âm đạo.

Từ 25-39 tuổi

Những thay đổi lành mạnh về lối sống liên quan đến chế độ ăn uống và tập thể dục nên là một phần trong thói quen hằng ngày của phụ nữ độ tuổi 25-39. Bởi lẽ những thay đổi có lợi cho sức khỏe ngay từ giai đoạn này sẽ giúp chị em duy trì sức khỏe tốt trong nhiều năm tiếp theo.

 

Đặc biệt, việc chú ý đến bộ ngực và biết cách tự kiểm tra các dấu hiệu bất thường ở "vòng 1" (như mất cảm giác, biến dạng đầu vú hoặc có cục u cứng trong bầu ngực) được xem là yếu tố sống còn. Ung thư vú là căn bệnh nguy hiểm nhất đối với phụ nữ dưới 40 tuổi, cứ 8 người thì có 1 người bị ảnh hưởng. Việc tiến hành phết tế bào cổ tử cung định kỳ 3 năm/lần cũng rất quan trọng với chị em trong độ tuổi này và cần duy trì đến 49 tuổi, sau đó xét nghiệm định kỳ 5 năm/lần (tùy theo chỉ dẫn của bác sĩ). Loại xét nghiệm này giúp tìm ra các tế bào bất thường có thể dẫn đến bệnh ung thư cổ tử cung.

Trong khi đó, các chị em trong độ tuổi 25-39 nếu có ý định sinh con thì cần gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và kiểm tra sức khỏe trước khi mang thai (như cân nặng, huyết áp, bổ sung sắt, axít folic…). Việc làm này đặc biệt quan trọng nếu như người mẹ đã được chẩn đoán có vấn đề về tuyến giáp, mắc bệnh tiểu đường hoặc đang dùng thuốc – những yếu tố đó có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Trong trường hợp đang ngừa thai, thường xuyên kiểm tra huyết áp và cân nặng cũng là việc nên làm do thuốc tránh thai có thể làm thay đổi nội tiết tố và ảnh hưởng đến 2 yếu tố nói trên.

Ngoài ra, phụ nữ từ 25-49 tuổi cũng có thể gặp phải tình trạng chu kỳ kinh nguyệt bị rối loạn hoặc kéo dài, dẫn đến mệt mỏi và kém sinh lực. Nếu vậy, chị em nên xét nghiệm máu để kiểm tra hàm lượng chất sắt trong cơ thể vì đây là thành phần quan trọng cấu thành máu. Chúng ta có thể khắc phục chứng thiếu máu do thiếu sắt bằng viên bổ sung hoặc chế độ ăn uống.

Từ 40-60 tuổi

Ở giai đoạn này, phụ nữ nên thường xuyên kiểm tra huyết áp, đường huyết, sức khỏe xương và cholesterol (mỡ trong máu). Đặc biệt, từ tuổi 50 trở đi, sức khỏe bộ ngực cần được chú trọng, bởi nguy cơ mắc ung thư vú tăng dần theo tuổi tác. Theo các bác sĩ, chị em nên tiến hành chụp nhũ ảnh định kỳ 3 năm/lần để phát hiện sớm những thay đổi có thể dẫn tới căn bệnh ung thư vú cũng như giảm bớt ảnh hưởng của bệnh này đối với sức khỏe.

Từ 60 tuổi trở lên

 

Một trong những cuộc kiểm tra quan trọng mà phụ nữ lớn tuổi không thể bỏ qua là kiểm tra mắt định kỳ để đo nhãn áp, tầm soát bệnh đục thủy tinh thể và thoái hóa mắt. Thường xuyên theo dõi sức khỏe đường ruột và tầm soát ung thư ruột cũng là việc phải làm. Ngoài ra, phụ nữ sau tuổi 60 cần đặc biệt chú ý đến sức khỏe xương, bằng các hoạt động như duy trì vận động (để giữ thăng bằng, tránh té ngã), đồng thời bổ sung can-xi và vitamin D giúp xương chắc khỏe.

AN NHIÊN (Theo Daily Mail)

Chia sẻ bài viết