“Check-in” những con đường trồng các loại hoa kiểng đặc trưng đang là xu hướng du lịch mới hiện nay. Con đường kèn hồng, bờ rào xương rồng ở Sóc Trăng, con đường rợp bóng hàng cau ở Long An hay rực sắc hoa hoàng yến ở Hậu Giang... là những ví dụ. Và sẽ là thiếu sót không nhắc nhớ tới những con đường đỏ thắm màu phượng vĩ khi mùa hè sang.
Tuyến đường hoa phượng dẫn vào Đền thờ Bác Hồ ở xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu.
Hoa phượng cùng với tiếng ve ngân nga là sứ giả của mùa hè, cũng là hoa báo hiệu mùa chia tay của tuổi học trò. Hoa phượng bây giờ còn góp cho miền Tây thêm một cảnh sắc rực đỏ khi hè về.
Trong số những con đường phượng vĩ ở miền Tây, được nhắc đến nhiều là tuyến đường từ ngã ba Vĩnh Tường đến trung tâm thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, dài hơn 6km. Hai bên đường, những hàng phượng già trút lá, bung nở những cánh hoa đỏ rực. Cây nối cây, hàng nối hàng, hoa phượng dẫn lối khách tham quan đến với một không gian lãng mạn như tranh vẽ. Mặt đường ở tuyến lộ này không lớn, hai bên đường lại có dòng kinh nhỏ (gọi là mương lộ) nên gói ghém vào bức ảnh một khung cảnh thơ mộng, có chiều sâu. Cuối tháng 5, đầu tháng 6 hằng năm là mùa phượng vĩ đẹp nhất, rực rỡ nhất.
Nổi tiếng không kém là tuyến đường tràn ngập sắc hoa phượng dài khoảng 4km của quốc lộ 80, đoạn qua xã Bình Thành, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Du khách đi quốc lộ 80, từ TP Sa Đéc đi TP Cao Lãnh sẽ đi ngang cung đường này. Con đường có một vẻ đẹp rất riêng khi song hành là kinh xáng Lấp Vò, lúc nào cũng tấp nập những chiếc ghe chở lúa gạo. Chầm chậm đi bên dưới tán những cây phượng vĩ đỏ rực mùa hè, làn gió mát lành từ mặt kinh xáng thổi vào, ngắm nhìn ghe tàu, nhìn những chùm phượng vĩ rưng rưng trong nắng... Đó là một trải nghiệm đáng nhớ khi một lần về với đất Sen Hồng. Theo người dân sống ở đây, hàng trăm cây phượng vĩ được trồng trên tuyến đường này chỉ khoảng 13-14 năm nay nhưng cây rất mau lớn, trổ hoa rất đẹp. Tới mùa phượng nở hoa, có rất nhiều du khách từ khắp nơi xúng xính áo quần thật đẹp đến đây để ghi lại những khoảnh khắc mùa hè.
Một tuyến đường được biết đến nhiều những năm gần đây nằm trên địa bàn xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu, lối dẫn vào Di tích Quốc gia Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuyến đường thẳng tắp cắt ngang cánh đồng lúa mênh mông đang chờ ngày gặt, điểm xuyết bằng hàng phượng vĩ vươn mình trong nắng. Hoa phượng rực rỡ cả cây, chẳng thấy một chiếc lá nào, khiến ai cũng phải trầm trồ. Hằng năm, vào dịp kỷ niệm sinh nhật Bác (19-5), hàng phượng đã nở rực rỡ. Khách từ khắp nơi đến viếng Bác đều tranh thủ chụp những bức ảnh thật “ảo diệu” bên con đường đỏ rực sắc hoa này.
Hải Phòng được biết đến với danh xưng thành phố Hoa phượng đỏ. Nhưng miền Tây bây giờ cũng có những hàng phượng vĩ dọc dài đồng bằng làm xao xuyến khách tham quan. Theo nhiều tài liệu, hoa phượng được người Pháp mang sang Việt Nam từ thế kỷ XIX, với tên tiếng Pháp là Flamboyant. Hoa phượng còn được gọi với tên đầy đủ là phượng vĩ, nghĩa là đuôi chim phượng hoàng. Hoa phượng dễ trồng, dễ thích nghi với thổ nhưỡng đồng bằng và nhất là thời gian sinh trưởng đến khi trổ hoa ngắn, hoa lại rất đẹp nên được chọn làm cây công trình hoặc trồng trang trí trước nhà, trường học...
Theo kinh nghiệm của những du khách đã từng đi “check-in” con đường hoa phượng và các nhiếp ảnh gia, du khách nên đến chụp hình từ khoảng 7 giờ đến 9 giờ sáng hoặc từ khoảng 3 giờ đến 5 giờ chiều. Đây là thời gian đẹp, nắng dịu, dễ chụp được những bức ảnh lung linh. Trang phục được nhiều người chọn để thực hiện bộ ảnh là áo trắng quần tây với nam và áo dài trắng với nữ để tái hiện khung cảnh học trò và mùa hè dưới bóng phượng vĩ. Tuy nhiên, du khách cũng có thể chọn những bộ cánh ưng ý, nhiều màu sắc để giúp bộ ảnh thêm phong phú. Mùa này trời mưa nhiều, du khách cũng cần cập nhật dự báo thời tiết để chọn thời gian phù hợp.
Bài, ảnh: DUY KHÔI