13/09/2009 - 09:12

Những con chữ đẫm mồ hôi...

Đó là mồ hôi của những đứa trẻ nghèo ở xã Vĩnh Hòa Hưng Nam, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang. Những đứa trẻ tóc cháy nắng, quần áo sờn rách, thiếu ăn, thiếu tập viết... nhưng vẫn cố gắng ngày ngày đến lớp. Khao khát biết chữ đã tiếp thêm sức mạnh cho đôi chân trần nhỏ bé của các em vượt qua những quãng đường lầy lội...

Đó là mồ hôi của những giáo viên đã đến và gắn bó với vùng đất nghèo này. Chấp nhận khó khăn, thiếu thốn, các giáo viên đã bám trụ để mang chữ đến cho những học sinh nghèo ham học...

* Thương quá học sinh nghèo!

Khi chúng tôi xuất hiện ở lớp 2B1, điểm trường Lục Phi, Trường Tiểu học Vĩnh Hòa Hưng Nam 1, xã Vĩnh Hòa Hưng Nam, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang, cả lớp ồn ào hẳn lên, nhiều ánh mắt đổ dồn về phía những người lạ. Chỉ có một học sinh cứ cắm cúi, nắn nót từng chữ trên trang giấy. Đó là Danh Kiệt. Chữ viết của Kiệt khá đẹp, tròn trĩnh trong ô ly. Thấy Kiệt viết đẹp và chăm chú, tôi gọi em ngồi thẳng lên để chụp hình nhưng em vẫn rụt vai trái lại. Đến khi tôi sửa dáng cho em để có được một bức ảnh ưng ý thì mới phát hiện vai áo trái của em bị rách. Thì ra, Kiệt cố ý nâng vai lên để giấu chỗ rách này.

Áo rách thâm đen, quần thun xanh lơ, và cũng như nhiều bạn khác, Kiệt đi chân không đến lớp. Cô Lương Phương Dung, giáo viên dạy lớp 2B1, chậm rãi kể: “Hè vừa rồi, Kiệt theo ba mẹ lên thành phố Rạch Giá nhặt rác ở bãi rác, em mới vừa trở về. Nhà Kiệt rất nghèo nhưng em ham học lắm. Mấy bộ quần áo em mặc cũng là đồ cũ của người ta cho”. Mùa lúa, có việc thì ba mẹ Kiệt ở lại Xóm cũ (ấp 6, xã Vĩnh Hòa Hưng Nam) để làm thuê làm mướn nên em có thể đến trường. Hết mùa, không còn việc, cả gia đình Kiệt lại dắt díu nhau lên Rạch Giá sống nhờ vào bãi rác, Kiệt lại thất học tạm thời. Cứ vậy nên dù đã 10 tuổi nhưng Kiệt chỉ mới học đến lớp 2.

Hai lớp học cùng một phòng học nên có 2 giáo viên cùng dạy ở điểm Lục Phi, Trường Tiểu học Vĩnh Hòa Hưng Nam 1. Ảnh: L.G 

Ở điểm trường Lục Phi còn rất nhiều học sinh hoàn cảnh tương tự như Kiệt, đó là: Minh Vương, Danh Khang, Thị Bun, Danh Hậu, Hồng Sa... Hồng Sa, cha mất khi em vừa được đầy tháng, mẹ không chịu nổi cơ cực đã bỏ đi. Sa sống với bà nội hơn 70 tuổi, hai bà cháu sống lây lất bằng tình thương của xóm nghèo. Danh Hậu cũng sống cùng bà ngoại, không hề biết mặt cha, mẹ. Thị Bun thì không cha, 5 mẹ con sống bằng nghề làm thuê, làm mướn... Thầy Danh Hoàng Na, giáo viên dạy lớp 2B2, kể về những học trò của mình: “Hơn 90% học sinh lớp tôi là con nhà nghèo, nhiều em có hoàn cảnh đáng thương lắm. Các em đều từ 10 tuổi trở lên nhưng rất nhỏ và ốm yếu so với các bạn cùng lứa tuổi. Cái ăn hằng ngày còn thiếu nói gì đến chuyện dinh dưỡng. Sau giờ học, em nào cũng đi bắt ốc, hái rau, bắt cá nhưng được con cá to, mớ rau ngon là mang ra chợ, bán lấy tiền mua gạo”. Theo thầy Nguyễn Xuân Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Hòa Hưng Nam 1, nhiều khi đến nhà vận động mới biết các em không đi học là vì không có tiền mua tập, viết. Rất đau lòng!

Nhà nghèo, cha mẹ sống đời làm thuê làm mướn rày đây mai đó nên việc học của các em cũng bị gián đoạn liên tục. Duy trì sĩ số học sinh, vận động trẻ trong độ tuổi ra lớp là chuyện cực kỳ khó khăn. Thế nhưng, vẫn có những giáo viên đã bám trụ lại nơi này với hy vọng giúp cho các em có được con chữ làm “vốn” để thay đổi cuộc đời mình.

* Tấm lòng người thầy...

Điểm Kinh 4 Thước của Trường Tiểu học Vĩnh Hòa Hưng Nam 1 cách điểm chính khoảng 6 cây số; trong đó, có gần 2 cây số phải lội bộ. Đó là đoạn đường đầy sình lầy khiến bước chân cứ như bị dính chặt vào đất và những cây cầu cao liêu xiêu, cứ đung đưa mỗi khi gió mạnh. Chúng tôi lội bộ gần một tiếng đồng hồ, cái nắng hiếm hoi trong những ngày mưa trở nên nóng kinh khủng khiến lưng áo mọi người ướt đẫm mồ hôi.

Điểm trường chỉ có 2 phòng học được xây dựng theo chương trình kiên cố hóa trường lớp nên trông khá khang trang nhưng nằm trơ trọi giữa khoảng sân đầy sình lầy, ngập nước. Đón chúng tôi là cô Phạm Thị Hoa Hường, giáo viên dạy lớp 2 và 3 của điểm trường. Cô Hường phụ trách 2 lớp vì đây là lớp ghép- mô hình khá phổ biến ở Gò Quao nói riêng và tỉnh Kiên Giang nói chung. Lớp 2 có 12 học sinh, lớp 3 có 8 học sinh. Mỗi lớp chiếm một dãy bàn, lối đi giữa dùng làm ranh giới phân chia hai lớp. Bảng cũng được chia đôi, một bên dạy Toán lớp 3, một bên dạy Tập viết lớp 2. Cô Hường đứng bên này bảng dạy Toán cho học sinh lớp 3, ra bài tập cho các em tự làm; sau đó, bước qua phía bên kia bảng để hướng dẫn học sinh lớp 2 tập viết. Cô Hoa Hường chia sẻ: “Giáo án của tôi khác với đồng nghiệp vì phải ngăn ra làm 2 phần, phần giáo án lớp 2 và phần lớp 3 chỉ cùng trong một quyển. Trong lúc soạn giáo án, tôi phải suy nghĩ dạy cách nào vừa bảo đảm được khung chương trình, vừa phù hợp với diễn biến của lớp học. Tôi lo lắng nhất là không thể đảm bảo được chất lượng của các lớp ghép như thế này”.

Cô Hường đã có 25 năm gắn bó với Trường Tiểu học Vĩnh Hòa Hưng Nam 1. Điều gì đã khiến cô gắn bó với mảnh đất nghèo này lâu đến thế? Cô Hường kể: “Những hôm trời mưa, các em đến trường cứ té lên té xuống, mình mẫy lấm lem. Có lần, hai anh em Tống Thị Ngọc Hà (học lớp 2) và Tống Văn Quân (học lớp 3) bị té mà cứ đưa cái cặp da lên cao vì sợ sình làm dơ tập, không có tiền mua lại. Đầu năm học, có em còn đến hỏi tôi “Cô ơi, cô cho con đi học trước rồi cha con đi làm mướn về đóng tiền cho cô”. Nghèo nhưng các em rất ham học”.

Chính sự ham học của học sinh là động lực để giáo viên gắn bó nơi đây. Nhiều giáo viên lội bộ đến các điểm trường riết rồi quen dù đường mưa trơn trợt, sình lầy, dù cầu khỉ lắt léo khó đi. Ngoài đôi dép mang theo, giáo viên nào cũng trang bị thêm đôi giày bốt để lội sình lầy... Cô Nguyễn Thị Nhung, Tổng Phụ trách Đội của trường, vẫn chưa quên những đợt té cầu, té sông khi đi các điểm lẻ. Từ thành phố Rạch Giá, cô Nhung chuyển trường về Vĩnh Hòa Hưng Nam theo chồng. Những ngày đầu chưa quen, mỗi khi đi điểm lẻ là mất cả ngày. Còn bây giờ? Cô Nhung cười giòn: “Quen gì thì quen, đến giờ, mỗi khi đi điểm lẻ mà trời mưa là hôm ấy, quần áo tôi lại đầy bùn đất vì té. Thế nhưng, tôi chưa bao giờ có ý định rời khỏi nơi đây”.

Ở điểm trường Lục Phi cũng có đến hai lớp ghép. Toàn điểm có 6 lớp nhưng chỉ có 2 phòng học nên hai lớp 1 học chung một phòng, hai lớp 2 học chung một phòng. Trong một phòng học, 2 dãy bàn bên này là lớp 2B1 của cô Lương Phương Dung; 2 dãy bàn bên kia là lớp 2B2 do thầy Danh Hoàng Na phụ trách. Cô Lương Phương Dung kể: “Có khi mình đang dạy môn này thì ở lớp bên kia thầy Na dạy môn khác, học sinh rất khó tập trung”. Phòng học của hai lớp 1 bên cạnh cũng tương tự. Ban đầu, hai lớp được ngăn ra bởi một tấm màn mỏng tanh và cũ kỹ. Thế nhưng chỉ được một thời gian, cả hai giáo viên đều đề nghị bỏ màn vì học sinh hai lớp cứ chơi trò trốn tìm, học sinh lớp bên này lú đầu qua chọc phá học sinh lớp bên kia, càng khó cho giáo viên.

* * * * *


Tôi rời Vĩnh Hòa Hưng Nam trong một ngày mưa tầm tã. Nhìn từng tốp học sinh bắt ốc, bắt cua trên những cánh đồng vắng, càng thấy thương hơn học trò quê nghèo và càng cảm nhận rõ hơn tấm lòng, tâm huyết của giáo viên nơi đây. Theo thầy Phạm Thiên Tuế, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gò Quao, ngành cố gắng tạo điều kiện cho giáo viên bám trường, bám lớp để thu hút học sinh. Đối với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, ngành đang tiếp tục vận động các nguồn tài trợ để hỗ trợ các em đến trường.

Ghi chép m HÀ THANH

Chia sẻ bài viết