Truyện ngắn: Khuê Việt Trường
Hầu hết những chiếc xe buýt trong thành phố đều có màu vàng, có lẽ để nổi bật giữa dòng xe cộ như nêm. Dạo này chắc để tăng thêm doanh thu, bên hông những xe buýt có những hình ảnh quảng cáo ngồ ngộ gây tò mò cho người xem. Tỷ dụ như những câu “Chỉ một tình yêu, chỉ một C2” hay ồn ào với sắc đỏ của một chai nước tung tóe lên trời “Không lo bị nóng”. Những mẩu quảng cáo ấy tạo cho người đi đường chút gì đó vui vui.
Bình thường thì Như chẳng bao giờ leo lên những chuyến xe ấy, bởi chỉ cần lấy xe máy phóng ra đường, muốn ghé chỗ nào cũng được, muốn ngắm nhìn ai cũng được. Có thể nói, thành phố có xe buýt hay không, Như không hề quan tâm, dẫu bạn bè nói rằng đi xe buýt vừa rẻ, vừa an toàn dù ồn ào.
Nhưng một khi đã là người sinh ra và lớn lên ở thành phố này, Như không tránh khỏi những khi bạn bè gọi điện hỏi: “Như à, mình đi từ đường Trần Phú tới nhà bạn thì nên bắt tuyến xe số mấy?”. Như chỉ cười: “Mình đâu có biết”. Những câu hỏi đại loại như vậy càng nhiều, để rồi một hôm, Như tự hỏi sao mình không lên một chuyến buýt nào đó, để biết bạn bè vì sao lại thích xe công cộng. Nghĩ tới nghĩ lui, Như còn tưởng tượng ra mình sẽ gặp một chuyện tình ngộ nghĩnh trên xe buýt. Ý nghĩ đó thật lạ, bởi Như là cô gái ưa nhìn, mái tóc dài luôn được gội mỗi ngày, giọng nói cũng ngọt ngào. Như còn không khó tính, cũng chẳng hành hạ người mình yêu bằng cách dạo phố ngắm hàng hiệu khiến chàng tối tăm mặt mũi.
Nhà Như ở tận Tháp Chàm. Nói Tháp Chàm gần, thật ra từ phố phải đi qua nhiều con đường, vượt nhiều cây cầu, hỏi đường mỏi cả miệng mới đến ngôi nhà trồng nho. Ba Như là nông dân trồng nho nổi tiếng cả một vùng, nên ông muốn con gái học nông nghiệp, khoa cây trồng gì đó rồi về coi sóc vườn nho, chế tạo ra rượu nho hay các thứ liên quan.
Ba Như giận con gái khi Như quyết định chọn nghề dạy học. Ba Như nói, cái nghề gõ đầu trẻ này chắc chắn không thể nào làm giàu được. Ông còn nói có một đứa con cứng đầu như Như làm ông không thể nào vui được.
Ra trường, Như đi dạy giờ, dạy hợp đồng rồi làm đơn tình nguyện đến một trường xa thành phố, trong khi đa số giáo viên ngoại ngữ thường tìm cách về các trường lớn, hoặc đổi nghề đi làm thông dịch, du lịch... Thật ra thì ngoài việc đi dạy, cuối tuần Như cũng nhận hợp đồng với các đơn vị du lịch cần hướng dẫn viên giao tiếp tiếng Anh tốt, cho nên thu nhập của Như cũng khá. Như vui vì công việc mà mình chọn lựa.
Giống bao cô gái đôi mươi khác, Như cũng lên kế hoạch cho trái tim của mình là sẽ yêu một người đàn ông hơn 10 tuổi chẳng hạn, không cần đẹp trai, cũng chẳng cần giàu có, chỉ cần nghề nghiệp ổn định và chí thú làm ăn. Vấn đề quan trọng là giữa hai người phải có tình yêu. Tưởng đưa ra yêu cầu đơn giản như thế, Như sẽ gặp người trong mộng dễ dàng, bởi bao quanh Như có biết bao đàn ông con trai, biết bao lời mời hò hẹn. Nhưng lạ cho Như, chưa có một người con trai nào hẹn hò với cô được ba lần. Người thì nhút nhát giống như con sâu đo cứ vội vàng búng mình đo cho kịp khoảng cách giữa hai người. Người khác lại khoe khoang rỗng không. Kiếm một người hợp với mình khó đến dường nào!
***
Kỳ lạ thay chuyến buýt màu vàng ấy đã thật sự thay đổi cuộc đời Như. Những chuyến xe cần mẫn đón khách ở các trạm đợi, có khi không ai đứng ở đó, mà vẫn dừng lại theo thời gian quy định như đã lập trình. Như đi chuyến thứ nhất khi xe vắng người, ngồi ngay cửa sổ mà ngắm nhìn phố xá bận rộn, Như đi chuyến thứ hai trong cơn mưa vội của mùa hè, xe vẫn lao trong mưa cho Như nhìn thấy con phố rũ rượi dưới màn nước. Chuyến buýt thứ mười đã có một câu chuyện tình, mà người xưa cho rằng đó là duyên tiền định.
Hôm đó Như đi làm muộn. Khi Như vừa tới trạm thì xe cũng vừa trờ tới, một chuyến dày ken cả người. Như loay hoay mãi mới có một khoảng trống để đứng, thì người đàn ông ngồi ở ghế sát cạnh chỗ Như đứng đã đứng dậy, nói: “Cô bé ngồi ghế này đi”. Thật là ngạc nhiên, bởi giữa cuộc sống bộn bề này, chưa ai nhường ghế cho một người khác trong cuộc hành trình, thậm chí còn vội vã giành cho mình chỗ ngồi tốt nhất một cách hợp lý nhất. Còn lúc này, Như đang có một nụ cười thân thiện và một chỗ ngồi. Chàng trai đó tên Liêm.
|
Xuống xe, đi một đỗi, Như mới phát hiện quên mất tập tài liệu về chương trình du lịch trong thành phố của công ty mà Như đang hợp tác. Điện thoại reo vang: “Như ơi, khi nào rảnh thì hẹn giờ, ra cà phê Tuổi Ngọc lấy lại bộ hồ sơ quên trên xe nhé”. Lúc Như vội vã đến quán cà phê, hoa phượng đã bắt đầu nhận những tia nắng mặt trời chói chang, búng mình tạo ra từng chùm hoa đỏ cả một góc trời. Ly cà phê rất quen, quán cũng từng đến, còn người con trai gặp là lần đầu. Cuộc sống không giải thích tại sao Như lại tin rằng mình sẽ gặp mối tình đầu trên những chuyến xe kia, tại sao có một người nhường ghế và tại sao lại đánh rơi tập hồ sơ có kẹp danh thiếp của mình để người con trai đó tìm đến trả lại.
Bây giờ mùa hè đã trở lại thành phố, quán cà phê xưa vẫn lộng lẫy những chùm hoa phượng đỏ làm nao lòng người. Những chuyến xe vẫn dừng lại ở các trạm, những người khách lên và xuống, cuộc sống đang trôi và vẫn trôi. Nhưng Liêm đã lạc vào trong đám đông, còn Như lắng nghe tiếng khóc của đứa con vừa một tuổi bập bẹ tập nói. Họ thành đôi trong cơn mưa mùa xuân của phố. Nhưng rồi Liêm đã không trở về. Khi đứa con tượng hình là lúc Liêm bảo đi Tây Nguyên làm xong hợp đồng này, vậy là có tiền cho Như an tâm “nằm ổ”. Chuyến xe anh đi đã dừng lại mãi ở một con đèo dày đặc sương mù.
Như khẽ dỗ con, lắng nghe tiếng ba lục đục ngoài vườn nho. Ông nói, Như đã không theo nghề ông, vậy ông để vườn nho cho cháu ngoại, giờ ông đã vui được rồi dù Như vẫn cứng đầu. Bạn bè Như vẫn gọi điện hỏi phải đón tuyến buýt số mấy để đến nhà ở Tháp Chàm có vườn nho và Như đã có thể cho bạn hướng dẫn chính xác.