02/11/2019 - 18:31

Những câu chuyện đẹp “Tài tử miệt vườn” 

“Tài tử miệt vườn” là chương trình truyền hình thực tế về đờn ca tài tử rất đặc biệt. Chuyện thắng - thua, điểm số không phải là yếu tố đặt lên hàng đầu của chương trình mà chính là niềm đam mê cổ nhạc, tình người, tình tài tử. Những câu chuyện đẹp ấy cuốn hút người xem đằng sau giai điệu Ngũ Cung.

Chương trình đồng phát sóng lúc 20 giờ thứ bảy hằng tuần trên kênh THĐT1 (Đài PT-TH Đồng Tháp) và kênh TTV11 (Đài PT-TH Tây Ninh).

Sau mùa 1 thành công, đơn vị tổ chức chương trình “Tài tử miệt vườn” là Đài PT-TH Đồng Tháp đã mở rộng phạm vi tuyển sinh khi kết hợp với Đài PT-TH Tây Ninh, nhằm thuận tiện cho các thí sinh khu vực Đông Nam bộ. Nhờ vậy, số lượng thí sinh dự thi tăng gấp đôi mùa đầu với hơn 1.000 người. Con số này thực sự ấn tượng trước nỗi lo về sự “thoái trào” của cổ nhạc Nam bộ.

Các thí sinh vòng “So tài” được phát sóng trong tập 5 của chương trình. Ảnh chụp màn hình

Điểm khác biệt ở mùa hai là thay vòng “Hát cùng nghệ sĩ” của mùa 1 bằng vòng thi “Tự sự”. 12 thí sinh vào vòng thi này sẽ trình diễn một trích đoạn được viết theo cuộc đời thực của từng thí sinh. Phần thi vì vậy mà mang đến nhiều cảm xúc, lay động người xem. Như câu chuyện về thí sinh Thanh Thúy, một giáo viên ở Vĩnh Long mê hát nhưng bị viêm thanh quản nặng khiến cô không thể thực hiện ước mơ làm nghệ sĩ. Vậy nhưng Thanh Thúy đã chinh phục “Tài tử miệt vườn” bằng đam mê cháy bỏng. Hay là chuyện về anh thợ hớt tóc đến từ Tây Ninh là Trần Văn Nhân, buổi diễn đầu tiên anh được đứng trên sân khấu thì hay tin mẹ qua đời. Câu chuyện về bạo lực gia đình của Linh Trang, đến từ TP Hồ Chí Minh, cũng khiến người xem xót xa…

Xem “Tài tử miệt vườn”, khán giả cảm thấy ấm lòng với những tình cảm đẹp, thay vì chuyện giành giật, giật gân, câu khách nhan nhản trong các chương trình truyền hình thực tế hiện nay. Ví dụ như phần thi vòng “So tài” của thí sinh Nguyễn Văn Bến và Trần Văn Nhân. Hai anh vốn dĩ đều ca dây xề rất tốt, nhưng do anh Nhân bị bệnh, giọng khàn và yếu nên “rướn dây xề” không nổi, đã đề nghị anh Bến cùng ca dây kép với mình. Dù biết rằng ca dây kép không phải là sở trường và không khoe hết làn hơi của mình nhưng anh Bến vẫn vui vẻ đồng ý với câu nói hết sức chân tình: “Anh em không hà!”. Một chuyện đẹp khác là của anh Lê Đình Phong, bị khuyết tật chân vì di chứng sốt bại liệt, lại hở van tim, gia cảnh khó khăn. Anh tranh thủ đi hát đám tiệc để kiếm tiền phụ mẹ. Thí sinh cùng “So tài” với anh Phong là Nguyễn Hoàng Anh đã mang tặng chiếc xe lăn cho anh Phong ngay trên sân khấu và sau đó là phần song ca bài “Tiếng lòng”.

Tiêu chí của “Tài tử miệt vườn” là tìm ra những giọng ca không chuyên đúng chất tài tử, chưa từng biểu diễn chuyên nghiệp hoặc đoạt giải các cuộc thi chuyên nghiệp. Điều quan trọng là chương trình giúp tạo sân chơi, nhóm lửa đam mê cổ nhạc cho mọi người. Cũng với mục đích này mà chương trình đã loại hai thí sinh đã vượt qua vòng loại với số điểm khá cao, được kỳ vọng sẽ là những gương mặt có nhiều khả năng đi sâu vào các vòng trong với nguyên nhân họ từng đoạt giải một cuộc thi mang tính chuyên nghiệp.

Điều làm nên thành công và sức hút cho “Tài tử miệt vườn” chính là kết hợp được yếu tố giải trí và truyền thống. Chuyện làm sao để một chương trình truyền hình thực tế về ca cổ, đờn ca tài tử được giới trẻ đón nhận là không dễ. Xem chương trình, khán giả không cảm giác bị gò bó bởi những giai điệu cổ nhạc, các phần thi đều tươi mới, gần gũi. Ban Giám khảo là nghệ sĩ Kim Tử Long, Thanh Hằng, Hoa Hạ… cũng nhận xét vui vẻ, hóm hỉnh nhưng đi sâu vào kỹ thuật ca, diễn nên tạo được nét duyên. Một yếu tố thành công nữa là bên cạnh điều kiện âm thanh, ánh sáng tốt hơn, giải thưởng cao hơn thì việc truyền thông cho “Tài tử miệt vườn” rất tốt. Trang fanpage của chương trình có lượng người tương tác rất cao, sóng truyền hình cũng quảng bá rất đậm nét.

Thành công và những câu chuyện đẹp của “Tài tử miệt vườn” cần được các nhà quản lý, người làm nghề… nghiên cứu trong việc bảo tồn và phát triển đờn ca tài tử, cải lương trong bối cảnh hiện nay.

ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết