27/04/2013 - 21:39

Những căn cứ của lòng dân

Trong những ngày gần kề kỷ niệm 38 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Mỹ Khánh vô cùng phấn khởi khi 3 nơi là "Địa điểm chuyển quân, Trạm Quân y tiền phương và nơi cất giấu vũ khí" thuộc Lộ Vòng Cung tại xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia. Đây chỉ là một phần của tuyến Lộ Vòng Cung dài gần 30 km nối quốc lộ 1A từ cầu Cái Răng vào huyện Phong Điền và kết thúc tại lộ tẻ Ba Se (quận Ô Môn) - tuyến đường huyết mạch diễn ra nhiều trận đánh ác liệt giữa ta và địch trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chính nhờ có những cán bộ, cơ sở cách mạng trung kiên, những người dân yêu nước trên tuyến lửa vòng cung hết lòng đùm bọc, chở che, bảo vệ, nuôi chứa cách mạng mà lực lượng của ta dễ dàng đột nhập, tiến công vào các cơ quan đầu não của địch ở nội thành…

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà nằm trên tuyến lộ 923, ông Trần Văn Sua (Sáu Suôl) không khỏi bồi hồi khi nhắc đến cha ông - Ông Trần Văn Kinh (Năm Kinh), một trong những người dân hết lòng bảo vệ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến đã qua. Theo ông Sáu Suôl, trước đây, nhà ông ở sát mé sông. Thời kháng chiến chống Pháp, nhà ông là cơ sở cách mạng, phụ trách giao liên, đưa rước cán bộ, bộ đội qua sông. Cha ông Sáu Suôl chữ nghĩa không biết nhưng một lòng, một dạ đi theo cách mạng. "Sang thời Mỹ - ngụy, để cán bộ, chiến sĩ của ta qua lại sông Cần Thơ an toàn, cha tôi đã đắp con đường dài 200m, cao 1m, rộng 0,8m cho bộ đội dễ đi và cho đi ngang nhà. Lúc đó, địch kiểm soát gắt gao lắm. Chúng thấy người lạ đi ngang nhà nào là có thể bắt giết, bỏ tù người trong nhà đó…" - ông Sáu Suôl nhớ lại.

 Các cựu chiến binh từng chiến đấu trên Lộ Vòng Cung gặp gỡ tại lễ công bố quyết định xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia “Địa điểm chuyển quân, Trạm Quân y tiền phương và nơi cất giấu vũ khí thuộc Lộ Vòng Cung Cần Thơ trong kháng chiến chống Mỹ” tại xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền. Ảnh: DUY KHÔI

Trong ký ức, ông Sáu Suôl nhớ mãi hình ảnh cha ông quấn cái khăn rằn đưa cán bộ qua lại sông Cần Thơ bằng chiếc ghe tam bản. "Phía bên kia xã Nhơn Nghĩa thì có bác Hai Chiến, nhà ở tuốt trong rạch nên thường nhận đưa đón người nhiều hơn. Cha tôi là cơ sở cách mạng đóng ở đây nên chỉ phụ trách nhận người, ra tín hiệu. Khi nào người đông mới tiếp sức…" - ông Sáu Suôl kể. Năm 1964, do bị chỉ điểm, ông Năm Kinh bị giặc bắt bỏ tù 6 tháng. Ra tù ông lại tiếp tục nuôi quân, đưa đò. Khi ấy, cậu thiếu niên Trần Văn Sua cũng theo cha làm giao liên, canh gác, đưa quân mỗi khi cha bận việc. Ông Sáu Suôl kể với giọng hào hứng: "Tôi thường ngồi xuồng cùng các chú bơi qua sông. Đưa các chú qua tới bên bờ kia, tôi lại bơi xuồng trở về. Những năm địch vây gắt quá cũng hơi sợ nhưng ông già tôi dặn dù thế nào cũng kiên gan. Sợ thì không làm cách mạng được…".

Sau Tết Mậu Thân năm 1968, ông Năm Kinh bị giặt bắt lần thứ hai. Sau 6 tháng bị địch giam cầm, được thả ra, ông lại tiếp tục đưa đò. Thời điểm này, Mỹ Khánh dường như trở thành "vùng trắng" sau những cuộc càn quét của địch. Đa số các cơ sở cách mạng đều bị địch phá vỡ, nhiều cán bộ không chịu được sự đàn áp, bắt bớ, tra tấn của giặc đã chiêu hồi… Vậy mà những chuyến đò nơi bến nhà ông Sáu Suôl vẫn đều đặn đưa, rước cán bộ vượt sông Cần Thơ, bất chấp đồn giặc đóng ở hai đầu đường. Ông Sáu Suôl trầm ngâm: "Biết nhà tôi là cơ sở cách mạng nhưng giặc không làm gì được. Chúng bắt cha tôi mỗi tối phải đem chiếc ghe lại cột ở sát đồn. Ông già tôi bị "trói chân", tức quá, tìm mua cái xuồng khác để đưa đò đến năm 1973 thì nghỉ vì giặc kèm chặt quá". Những năm sống ở bến sông, ông Sáu Suôl đã chứng kiến những lần cán bộ ta qua sông bị lộ, bị địch vây bắt đã chống trả kiên cường và hy sinh tại bến sông này. Khi nghe chúng tôi nói sắp tới thành phố sẽ dựng một tấm bia tưởng niệm ở tại bến vượt này, ông Sáu Suôl mừng quá đỗi. Ông bày tỏ: "Dựng bia tưởng niệm ở đâu cũng được chú à. Dựng cho cháu con mình nhớ. Lớp cha chú cùng thời cha tôi thì mất gần hết, thời tôi thì chỉ biết sơ sơ có vậy. Cần có tấm bia để nhớ những người từng hy sinh tại bến sông này…".

Xuôi rạch Bà Hồ chúng tôi về ấp Mỹ Long tìm nhà ông Huỳnh Văn Bảy (Bảy Bé), năm nay 81 tuổi. Nhà ông Bảy Bé chính là nơi được lực lượng vũ trang Quân khu 9 chọn làm Trạm Quân y tiền phương trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân năm 1968. Dẫn chúng tôi ra sau vườn, giọng ông Bảy Bé tự hào: "Nơi này trước kia có mấy cây vú sữa lâu năm che chắn nên nhìn um tùm lắm. Sau giải phóng, gia đình tôi đã đốn để trồng các loại cây ăn trái khác". Ông chỉ cho chúng tôi xem nơi từng đặt bàn mổ trong vườn. Trước đây, cha ông xây cho mình và vợ 2 kim tĩnh, cũng là nơi cất giấu thuốc, dụng cụ y tế trong những ngày ác liệt của cuộc tổng tiến công. "Sau giải phóng, có một đoàn cán bộ trở lại đây thăm gia đình tôi. Trong đó có một bác sĩ tên Minh, từng chiến đấu và bị thương ở vườn nhà tôi". Theo lời của ông Bảy Bé, chúng tôi hỏi thăm nhiều người công tác lâu năm trong ngành quân y của thành phố mới biết "bác sĩ Minh" trong lời ông Bảy Bé kể chính là ông Dương Bá Minh, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Thời điểm đó, ông Minh là y sĩ, nguyên là Đội trưởng Đội phẫu thuật tiền phương Quân khu 9.

Ông Minh năm nay 80 tuổi, hiện sống cùng gia đình tại ấp Thạnh Trí, xã Thạnh Lợi, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long. Dù tai không còn nghe rõ nhưng tác phong của ông rất nhanh nhẹn. Ông Minh cho biết: "Để chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân năm 1968, Bệnh viện V121 đã cử ba đội phẫu thuật tiền phương do tôi và các đồng chí Lê Minh Tới (Tư Tới), Nguyễn Tấn Quang (Mười Quang) phụ trách. Bốn ngày đầu của cuộc tiến công vào Cần Thơ, số lượng thương binh đưa về các đội phẫu thuật lên tới 1.000 ca. Riêng đội 1 của tôi tiếp nhận trên 400 ca…". Theo lời ông Minh, để có thể phẫu thuật cho số thương binh ngày càng nhiều, ông Minh và đồng đội phải đứng mổ liên tục, đến mức hai chân bị tê dại, phù nề. Nhiều lúc gần như kiệt sức nhưng tất cả y bác sĩ vẫn không chịu nghỉ ngơi, quyết cứu chữa cho tất cả anh em được đưa đến. Sau một tuần tham gia tấn công vào thành phố, đơn vị của ông Minh được lệnh rút về Mỹ Khánh để tổ chức cứu chữa thương binh ở trạm quân y đặt ở đây... Ngày thứ 14 của đợt 1 cuộc tiến công, Mỹ - ngụy điên cuồng pháo kích vào các mũi tiến công của ta. Đội phẫu thuật 1 của ông Minh được lệnh vừa tổ chức phẫu thuật vừa đánh địch tấn công và di chuyển thương binh rút ra phía sau. Đến ngày 20-2-1968, trong khi đội phẫu thuật của ông Minh đang chuẩn bị cắt bỏ thận và nối ruột cho 2 thương binh thì địch dùng máy bay ném bom làm 1 y sĩ và 2 y tá hy sinh, số còn lại đều trọng thương. "Chân tôi bị gãy do mảnh bom rơi trúng. Chúng tôi phải rút đi vì trạm quân y bị địch pháo kích đổ nát …" - ông Minh nhớ lại. 45 năm trôi qua, ông Minh vẫn bồi hồi xúc động khi nhắc đến Trạm Quân y tiền phương nơi "chòm mả đá" năm nào, nhớ hình ảnh các y, bác sĩ lấy máu mình cấp cứu cho thương binh, nhiều lúc đứng bên bàn mổ đến kiệt sức nhưng vẫn không chịu nghỉ ngơi ...

Cách Trạm Quân y tiền phương ông Minh ở năm xưa không xa là nhà ông Văn Công Nhung (Bí thư xã Mỹ Khánh từ năm 1968 đến đầu 1969). Nơi đây, giữa năm 1967 đã trở thành nơi chứa vũ khí lớn của ta nhằm chuẩn bị cho Tết Mậu Thân 1968. Ở xã Mỹ Khánh, nói về ông Chín Nhung các đồng chí cách mạng lão thành ai cũng biết. Bởi ông là một trong những cán bộ cách mạng kiên trì bám đất, bám dân tại nơi này cho đến khi hy sinh. "Hồi ba tôi còn sống, ông từng nói câu "Một tấc không đi, một li không rời. Sinh ở Kinh Ngang (Phụng Hiệp, Hậu Giang), tử ở Mỹ Khánh". Sau này khi lớn lên tôi mới thấm thía tinh thần, khí tiết cách mạng của ông" - ông Văn Minh Tuấn (tổ 5, ấp Mỹ Phước, xã Mỹ Khánh - con trai ông Chín Nhung) - nhớ lại. Ông Tuấn kể: "Cha tôi đồng ý cho bộ đội làm hầm chứa vũ khí trong nhà sau khi dò xét kỹ, đảm bảo nơi đó an toàn. Vũ khí các loại nhiều lắm. Hầu như khắp vườn đều có hầm chứa vũ khí, đạn dược".

Theo lời ông Tuấn, nhà ông không chỉ là kho vũ khí mà còn là công binh xưởng chế tạo vũ khí. Hồi đó, ông Tuấn thường nhặt đạn, lựu đạn lép mang về cho các chú chế tạo đồ gài để phòng thủ. Sau những trận tiến công đánh chiếm nội ô thành phố không thành, địch tập trung lực lượng đẩy lùi các mũi tấn công của ta ra khỏi Lộ Vòng Cung. Trên mảnh vườn nhà ông Tuấn trong năm 1968 đã diễn ra 4 trận chiến đấu ác liệt giữa ta và địch. "Tôi nhớ trận đánh cuối cùng là tháng 11- 1968. Buổi sáng, các chú chuyển vũ khí lên thì chiều địch ập vào. Đánh dữ lắm. Sau trận đánh, tôi trở lại thì toàn bộ số vũ khí, đạn dược vận chuyển lên buổi sáng đó đều bị giặc hủy. Khói bám đen cả một khu vườn. Tuy nhiên, vũ khí ở các hầm bí mật vẫn còn" - ông Tuấn kể. Trong trận này, ông Chín Nhung rút cùng các lực lượng ra khỏi Lộ Vòng Cung và bị thương phải về Cà Mau điều trị. Tháng 5 - 1969, ông Chín Nhung trở về Mỹ Khánh tiếp tục hoạt động thì bị giặc bắt và giết sau đó. Ông Tuấn vẫn đi về khu vườn cũ mỗi ngày để bắt cá, hái rau và xem chừng kho vũ khí.

Cũng như những nhân chứng lịch sử mà chúng tôi đã gặp, ông Nguyễn Huỳnh Lam Đa, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Mỹ Khánh, rất vui mừng trước sự kiện "Địa điểm chuyển quân, Trạm Quân y tiền phương và nơi cất giấu vũ khi thuộc Lộ Vòng Cung trong kháng chiến chống Mỹ" tại địa bàn xã Mỹ Khánh được Bộ VH-TT&DL xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia. Ông phấn khởi cho biết: UBND thành phố giao cho Bộ Chỉ huy Quân sự TP Cần Thơ làm chủ đầu tư, xây dựng khu Di tích lịch sử Lộ Vòng Cung tại xã Mỹ Khánh với diện tích 28,8 hecta, dự kiến kinh phí xây dựng gần 497 tỉ đồng, thời gian thực hiện từ nay đến năm 2017. Công trình hoàn thành sẽ tái hiện toàn bộ các địa điểm cũng như những dấu mốc lịch sử quan trọng của Lộ Vòng Cung anh hùng. Và nói như lời Thiếu tướng Vũ Cao Quân, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, trong một cuộc họp bàn về việc xây dựng khu di tích, rằng: Khu di tích lịch sử Lộ Vòng Cung hoàn thành không chỉ có ý nghĩa lớn lao trong việc ghi nhớ công ơn các cán bộ, chiến sĩ, nhân dân từng chiến đấu, hy sinh trên tuyến lửa ác liệt này mà còn mở ra một loại hình du lịch mới: du lịch tâm linh, thúc đẩy sự phát triển của Mỹ Khánh - Phong Điền nói riêng và TP Cần Thơ nói chung…

PHẠM TRUNG

Chia sẻ bài viết