07/08/2022 - 09:01

Những lưu ý về bệnh đậu mùa khỉ 

Bài, ảnh: H.HOA

Ðến nay, Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, một số quốc gia như: Thái Lan, Singapore, Ðài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản đã ghi nhận ca bệnh xâm nhập. Cùng với đó, độ mở nền kinh tế Việt Nam khá lớn, việc giao thương đi lại tăng, nên nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào nội địa rất lớn.

Đa số không triệu chứng, tự khỏi

Theo GS.TS Nguyễn Văn Kính, Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, 50% số ca đậu mùa khỉ ở các quốc gia đã ghi nhận đều không có triệu chứng mắc bệnh. Ða số tự khỏi trong vòng 2-4 tuần. Vì vậy, cần quan tâm thể nặng, thường phát hiện trong nhóm những người có nguy cơ cao như: phụ nữ mang thai, người cao tuổi, trẻ em, người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch.

Ðậu mùa khỉ có các triệu chứng chính là sốt, phát ban dạng phỏng nước và sưng hạch ngoại vi, có thể gây biến chứng nặng dẫn tới tử vong. Giai đoạn ủ bệnh: từ 6 đến 13 ngày (dao động từ 5 đến 21 ngày). Người nhiễm không có triệu chứng và không có khả năng lây nhiễm. Giai đoạn khởi phát: từ 1 đến 5 ngày với các triệu chứng chính là sốt và nổi hạch ngoại vi toàn thân, có thể có biểu hiện đau đầu, mệt mỏi, ớn lạnh, đau họng, đau cơ. Giai đoạn toàn phát: đặc trưng bởi sự xuất hiện của các ban trên da, thường gặp sau sốt từ 1 đến 3 ngày. Giai đoạn hồi phục: các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ có thể kéo dài từ 2-4 tuần sẽ tự khỏi. Người bệnh hết các triệu chứng lâm sàng, các sẹo trên da có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ và không còn nguy cơ lây nhiễm cho người khác.

Phòng bệnh đậu mùa khỉ

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, cách phòng bệnh không đặc hiệu là tránh tiếp xúc với người/động vật có thể bị bệnh (bao gồm cả động vật bị bệnh hoặc đã chết ở những khu vực xảy ra bệnh đậu mùa ở khỉ). Tránh tiếp xúc với vật dụng, bề mặt có nguy cơ nhiễm virus đậu mùa khỉ. Cách ly, điều trị người bệnh tại cơ sở y tế. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn.

Cách phòng bệnh đặc hiệu là sử dụng vaccine để phòng bệnh đậu mùa khỉ cho những nhóm đối tượng có nguy cơ cao. Theo ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, phần lớn các ca bệnh truyền nhiễm đều phát hiện ở cơ sở y tế. Vì thế, các cơ sở y tế lưu ý phòng tránh lây nhiễm cho nhân viên y tế. Các dấu hiệu của bệnh rất dễ nhầm lẫn với thủy đậu. Bộ Y tế vừa công bố Quyết định 2099/QÐ-BYT về việc ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ ở người. Hướng dẫn dựa trên những tài liệu quốc tế. Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh, khi có ca bệnh, tiếp tục rút kinh nghiệm, cập nhật hướng dẫn này.

Chia sẻ bài viết