27/02/2011 - 20:08

THÔNG TIN VỀ GIỐNG LÚA

Nhu cầu bức thiết của nông dân

Nông dân tham quan ruộng lúa giống tại
Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long.

Những năm gần đây, ngoài việc đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nông dân ĐBSCL còn quan tâm đến việc sử dụng giống xác nhận, chọn giống lúa năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh tốt... để có những vụ mùa bội thu. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều nông dân chưa tiếp cận được nguồn giống tốt, do còn thiếu thông tin về lúa giống và nguồn cung giống tốt...

* Thiếu thông tin về lúa giống

ĐBSCL là vùng trọng điểm sản xuất lương thực của cả nước, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và góp phần tích cực trong xuất khẩu gạo. Hiện sản lượng lúa của vùng chiếm 52% tổng sản lượng lúa cả nước, hàng năm đóng góp trên 90% sản lượng gạo xuất khẩu. Tuy nhiên, thời gian qua, việc sản xuất lúa trong vùng còn thiếu ổn định và bền vững. Theo Viện Lúa ĐBSCL, dù công tác giống đã đạt rất nhiều sự tiến bộ, song hiện vùng ĐBSCL vẫn còn thiếu nguồn cung cấp giống tốt và các giống lúa năng suất và chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh và thích nghi với từng tiểu vùng sinh thái ĐBSCL. Hiện chỉ mới có hơn 30% giống cấp xác nhận được sử dụng trong sản xuất lúa.

Theo nhiều nông dân tại các tỉnh, thành ĐBSCL, hiện nay có hàng trăm giống lúa khác nhau cung cấp ra thị trường nên nông dân còn gặp khó khi tiếp cận một cách đầy đủ các thông tin về giống lúa, đặc biệt là những giống lúa mới. Khi đã chọn được giống ưng ý thì nhiều lúc bà con lại gặp khó trong việc tiếp cận các nguồn cung cấp giống và nơi bán giống đảm bảo chất lượng. Ông Hồng Thanh Nhã, ở xã Hòa Lợi, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, cho rằng: “Thị trường có rất nhiều giống lúa, trong khi nhiều nông dân chưa có điều kiện tiếp cận các thông tin và tài liệu cụ thể về từng giống lúa... dẫn tới lựa chọn chưa tốt về giống lúa, hiệu quả sản xuất chưa cao. Chúng tôi rất mong công tác tuyên truyền, phổ biến các thông tin về lúa giống được đẩy mạnh hơn nữa. Hiện nay, nhiều nhà nông rất muốn biết thông tin về những loại giống lúa ngắn ngày (khoảng 90-100 ngày), có năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh, phèn mặn tốt và thích ứng với điệu kiện sinh thái của địa phương mình”.

* Cần giống thích nghi cho từng vùng miền

Mới đây, Viện Lúa ĐBSCL đã tổ chức hội thảo đánh giá giống lúa vụ đông xuân 2010- 2011, nhằm lấy ý kiến đánh giá về các giống lúa tốt trong vụ đông xuân này, đồng thời cung cấp các thông tin về giống lúa cho nông dân. Hội thảo có sự tham gia của hơn 600 đại biểu là nông dân và bộ quản lý, các nhà khoa học đến từ các viện, trường, trung tâm khuyến nông, trại giống, công ty sản xuất giống... vùng ĐBSCL, cùng một số tỉnh miền Đông Nam bộ. Điều này, cho thấy giống lúa rất được các cán bộ nông nghiệp, tổ chức và cá nhân sản xuất giống và nông dân quan tâm. Các đại biểu tham dự hội thảo đã đánh giá cao nỗ lực của các nhà khoa học tại các viện, trường, đặc biệt là Viện Lúa ĐBSCL trong việc nghiên cứu, lai tạo được nhiều giống lúa ngắn ngày, năng suất, chất lượng cao, chống sâu bệnh và thích nghi với biến đổi khí hậu, chịu phèn, mặn. Đồng thời, đề nghị Viện Lúa ĐBSCL tiếp tục nghiên cứu, lai tạo và phổ biến cho nông dân thêm nhiều giống lúa mới, nhất là các giống lúa cho các địa phương bị nhiễm phèn mặn nặng.

Ông Nguyễn Văn Việt, Trưởng phòng Tư vấn, dịch vụ Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Trà Vinh, cho rằng: “Biến đổi khí hậu và tình trạng mặn xâm nhập và khô hạn làm thiếu nước sản xuất đang ảnh hưởng ngày càng nhiều đến việc sản xuất lúa vùng ven biển. Để đảm bảo hiệu quả sản xuất tại đây, đòi hỏi phải có những giống lúa chống chịu mặn và phèn, hạn tốt hơn hiện nay. Do vậy, nông dân tại các vùng ven biển rất cần sự trợ lực của Nhà nước và các nhà khoa học trong việc nghiên cứu tìm ra các giống lúa chịu mặn giỏi, thích hợp với điều kiện canh tác của từng địa phương”. Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng Trại lúa giống tỉnh Cà Mau, cho biết thêm: “Việc sản xuất lúa tại nhiều vùng ven biển trong tỉnh gặp khó do còn thiếu các giống lúa chịu mặn tốt và phải phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nguồn nước mưa. Năng suất lúa tại nhiều địa phương trong tỉnh chỉ khoảng 4-4,2 tấn/ha, khá bấp bênh so với nhiều nơi. Tuy hiện nay đã có nhiều giống lúa chống chịu mặn, nhưng nông dân còn thiếu thông tin và không biết nó chịu mặn đến mức nào để có thể lựa chọn tốt cho từng vùng cụ thể. Nông dân tại các vùng ven biển rất cần được cung cấp đầy đủ các thông tin về những giống lúa có tính chống chịu hạn, mặn tốt”.

Tại hội thảo, có 9 giống lúa trong vụ đông xuân 2010-2011 được các đại biểu chọn là những giống tốt, đứng hàng đầu gồm: OM 10041, OM 5451, OM 6904, OM 10040, OM 6932, 0M 6976,OM 6916, OM 7347, OM 5886. Dịp này, Viện Lúa ĐBSCL cũng đã giới thiệu đến các đại biểu kết quả khảo nghiệm giống bộ khảo nghiệm quốc gia A1, A2, A0 và kết quả đánh giá giống lúa của các tỉnh, thành ĐBSCL trong vụ đông xuân 2009-2010 và hè thu 2010. Qua các kết quả đánh giá giống lúa, Viện Lúa ĐBSCL đã đưa ra danh sách các giống lúa tốt năng suất cao, kháng sâu bệnh, phẩm chất tốt, thời gian sinh trưởng từ 90-100 ngày, có thể đưa vào cơ cấu giống ở ĐBSCL trong vụ đông xuân như: OM 6379, AS996, 0M 2395, 0M CS2000, 0M 4900, 0M 6162, 0M 6976, 0M 8323, 0M 5451, 0M 5464, 0M 8108, 0M 6377, 0M 8928, 0M 6961, OM 6014, OM 7364, OM 6990, OM 8106, OM 6014, OM 5651, 0M 6063, MTL 695, Jasmine 85, ST3, ST5... Các giống nên đưa vào cơ cấu giống ở ĐBSCL vụ hè thu như: OM 5472, OM 6976, 0M 5451, OM 5464, OM 8108, OM 6377, OM 8928, OM 6916, OM 6014, OM 7364, OM 6990, OM 8106, OM 6014, MTL 695, MNR5...

Theo Viện Lúa ĐBSCL, trong các giống lúa trên, có nhiều giống chống chịu hạn và phèn, mặn khá, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu. Cụ thể như: OM 8923, OM 6377, OM 6976, OM 6932, OM 5464, OM 5451...

Bài,ảnh: KHÁNH TRUNG

Nông dân tham quan ruộng lúa giống tại Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long.

Chia sẻ bài viết