18/11/2020 - 20:08

Nhộn nhịp thị trường vaccine COVID-19 

Tại cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo Nhóm Các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) hôm 17-11, Tổng thống Vladimir Putin cho rằng những vaccine ngừa COVID-19 do Nga phát triển đều “đạt hiệu quả và an toàn”, đồng thời thúc giục họ “gia nhập lực lượng” sản xuất đại trà các chế phẩm này.

Xưởng đóng gói của Sinovac ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Xưởng đóng gói của Sinovac ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Theo lời ông Putin, Quỹ Ðầu tư Trực tiếp Nga, tổ chức cấp kinh phí cho vaccine Sputnik V, đã đạt thỏa thuận với Ấn Ðộ và Brazil để thực hiện các thử nghiệm vaccine này, trong khi nhiều công ty dược ở Ấn Ðộ và Trung Quốc sẽ tham gia sản xuất. Tổng thống Nga lưu ý hiện có hai vaccine đã được cấp phép tại Nga, trong khi vaccine thứ ba đang “được nghiên cứu”.

Các lãnh đạo khác của BRICS cũng lên tiếng về việc hợp tác. Thủ tướng Ấn Ðộ Narendra Modi nhấn mạnh năng lực sản xuất vaccine của nước này sẽ “rất quan trọng đối với lợi ích của con người”. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thì nói rằng Bắc Kinh “sẵn sàng cân nhắc” cung cấp vaccine cho BRICS “nếu có nhu cầu”.

Những phát biểu trên được đưa ra sau khi các hãng dược công bố kết quả ban đầu của những nghiên cứu lớn về vaccine COVID-19. Hôm 16-11, Hãng dược Moderna tuyên bố vaccine của họ hiệu quả 94,5%, dựa trên dữ liệu sơ bộ thử nghiệm giai đoạn cuối. Tuần rồi, Hãng dược Pfizer cũng của Mỹ công bố vaccine cho hiệu quả 90%. Chỉ hai ngày sau, đến lượt các nhà điều chế Sputnik V khẳng định vaccine này đạt hiệu quả 92%.

Trước diễn biến trên, Dimas Covas, Giám đốc Viện Butantan tại Brazil, thông báo trung tâm sẽ tiếp nhận những liều vaccine đầu tiên của Công ty công nghệ sinh học Trung Quốc Sinovac trong tuần này. Ông cho rằng dữ liệu sơ bộ từ các thử nghiệm tiến hành trong nước chỉ ra vaccine CoronaVac của Sinovac có độ an toàn cao và dự kiến Viện Butantan sẽ có 46 triệu liều để bắt đầu tiêm chủng vào tháng 1-2021 nếu cơ quan giám sát y tế quốc gia Brazil “bật đèn xanh”.

Liên quan vaccine này, Sinovac hôm 18-11 thông báo kết quả thử nghiệm sơ bộ cho thấy CoronaVac đã kích hoạt phản ứng miễn dịch nhanh chóng. Sinovac hiện đang thực hiện ba thử nghiệm giai đoạn III ở Indonesia, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ. Gang Zeng, thuộc nhóm nghiên cứu CoronaVac, cho biết vaccine này hứa hẹn là một lựa chọn hấp dẫn vì nó có thể được bảo quản ở nhiệt độ tủ lạnh thông thường từ 2-80C và có thể ổn định trong tối đa 3 năm. Ngược lại, các vaccine của Pfizer và Moderna thì lại cần bảo quản ở nhiệt độ lạnh hơn nhiều. Do vậy, CoronaVac được cho “sẽ mang lại một số lợi thế cho việc phân phối đến các khu vực mà việc tiếp cận với điện để bảo quản lạnh còn nhiều khó khăn”.

Bộ Y tế Brazil thông báo sẽ mua vaccine của Pfizer nếu nó được chứng minh an toàn, trong bối cảnh quốc gia có số ca nhiễm COVID-19 cao thứ ba thế giới này đang nỗ lực tìm kiếm các nguồn cung. Ngoài ra, trong tuần này, Bộ Y tế Brazil sẽ gặp đại diện các hãng Johnson & Johnson của Anh, Bharat Biotech của Ấn Ðộ và nhà sản xuất Sputnik V.

Trong khi đó, nội các Thái Lan ngày 17-11 đã cho phép Bộ Y tế nước này chi 6 tỉ baht (khoảng 200 triệu USD) và dự trữ 26 triệu liều vaccine COVID-19 của Công ty dược sinh học AstraZeneca của Anh. Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Anucha Burapachaisri cho biết Thái Lan mua vaccine của AstraZeneca vì Bộ Y tế đã ký biên bản ghi nhớ với công ty này, theo đó AstraZeneca đồng ý sản xuất vaccine với sự hợp tác của Công ty Sinh học Siam Bioscience của Thái Lan. Bộ Y tế Thái Lan cũng đã ký biên bản ghi nhớ với Ðại học Oxford và đối tác AstraZeneca để đảm bảo cho các quyền đặc biệt liên quan đến việc sử dụng công nghệ trong nỗ lực biến Thái Lan trở thành trung tâm sản xuất và phân phối vaccine trong khu vực.

Cùng ngày, Thủ tướng Maroc Saad Eddine El Otmani cho biết nước này đã đặt mua 2 loại vaccine phòng COVID-19 đang trong giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng gồm vaccine của Công ty dược Sinopharm (Trung Quốc) và vaccine của AstraZeneca.  Hiện Maroc cũng đang đàm phán với Pfizer.

Mang vaccine từ nhiều nguồn về cho người dân nhanh nhất có thể là mục tiêu mà Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói rõ trong cuộc họp báo hôm 16-11. Thủ tướng Netanyahu cho biết ông vừa trao đổi với Tổng thống Nga Putin về khả năng mua Sputnik V. Trước đó, Nhà nước Do Thái đã đặt mua vaccine từ Moderna và Pfizer.

Tiến sĩ Stephen Hoge, Chủ tịch Moderna, tin rằng vaccine có thể giúp ngăn chặn đại dịch đã cướp đi sinh mạng của hơn 1,3 triệu người trên toàn cầu, nhưng một mình Moderna không thể làm nên chuyện. Theo ông, phải có nhiều vaccine mới có thể đáp ứng được nhu cầu của thế giới. Được biết, vaccine của Moderna và Pfizer đều cần 2 mũi tiêm, cách nhau nhiều tuần. Moderna hy vọng có thể cung cấp khoảng 20 triệu liều vaccine cho Mỹ vào cuối năm nay, trong khi Pfizer và công ty đối tác BioNTech của Đức dự kiến xuất xưởng 50 triệu liều trên toàn cầu vào cuối năm 2020.

HẠNH NGUYÊN (Theo AP, Reuters)

Chia sẻ bài viết