Các nghề phục vụ mùa lũ ở ĐBSCL đang bước vào mùa cao điểm. Sau nhiều năm chịu cảnh “lũ cạn”, năm nay, người dân các làng nghề này rất phấn khởi bởi sản phẩm các làng nghề làm ra rất hút hàng...
Làng nghề làm lưỡi câu phường Mỹ Hòa, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang đã nhộn nhịp đón lũ. Đây là làng nghề có bề dày lịch sử lâu năm, gắn bó với đời sống người dân lao động và đã được công nhận với tên gọi “Làng nghề truyền thống Lưỡi câu Mỹ Hòa”. Trải qua bao thăng trầm, nhưng các hộ dân nơi đây không bỏ nghề, quyết tâm gìn giữ, phát huy làng nghề truyền thống. Nhờ hoạt động của làng nghề, đã giải quyết việc làm cho gần 1.000 lao động tại chỗ và người dân có cuộc sống ổn định hơn.
Người thợ khéo léo chăm chút từng chi tiết trên chiếc xuồng để tạo ra sản phẩm chất lượng phục vụ bà con vùng lũ. Ảnh: Đình Phong
Không chỉ sản xuất và cung cấp các lưỡi câu cá nước ngọt, Làng nghề truyền thống Lưỡi câu Mỹ Hòa cũng cung cấp các loại lưỡi câu ếch, rùa, câu cá biển. Mỗi loại lưỡi câu có hình thức và đặc tính khác nhau, phù hợp với loài thủy, hải sản mà người dân muốn đánh bắt. Vì vậy, các sản phẩm của làng nghề được đưa đi tiêu thụ khắp ĐBSCL, miền Trung và cả thị trường Campuchia, Malaysia và Lào.
Trên 60 năm trong nghề, gia đình đã truyền qua 4 đời, ông Bùi Tấn Thành, chủ cơ sở sản xuất lưỡi câu Trí Thành, cho biết: Sản phẩm của làng nghề rất phong phú với hơn 10 chủng loại, như: lưỡi câu rùa, câu đúc, móng heo, vịnh chèo…. với gần 30 kích cỡ lớn, nhỏ khác nhau. Các sản phẩm phải qua gần chục công đoạn làm rất tỉ mỉ mới hoàn thành. Năm nay, nước lũ lên sớm, nên các hộ thu gom và dự trữ lưỡi câu rất nhiều để kịp thời cung ứng cho thị trường khi có nhu cầu.
Người dân hồ hởi sản xuất lưỡi câu cung ứng cho mùa lũ. Ảnh: Đình Phong
Khi bước vào mùa lũ, nước tràn bờ lênh láng, thì ghe, xuồng lại là phương tiện đi lại và đánh bắt thủy sản chính của nhiều người dân miền sông nước. Thời gian này, đến làng sản xuất ghe xuồng ở xã Long Hậu, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, sẽ thấy không khí sôi nổi, nhộn nhịp khi những người thợ tất bật đẩy nhanh tiến độ sản xuất để kịp giao hàng cho khách. Năm nay, người dân ở vùng Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên đặt hàng với số lượng nhiều hơn do mùa lũ sớm. Làng nghề này hoạt động quanh năm, tuy nhiên cao điểm nhất là từ đầu tháng 4 đến cuối tháng 8 Âm lịch. Nếu gặp năm lũ lớn, nhu cầu tăng cao, mùa cao điểm kéo dài cho đến tận tháng 10.
Ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Long Hậu, cho biết: Hiện toàn xã chỉ còn hơn 40 cơ sở đóng xuồng, ghe hoạt động. Sụt giảm rất nhiều so với trước đây do nhiều mùa lũ cạn. Năm nay do lũ về sớm nên nhu cầu người dân đến mua xuồng tăng, theo đó sản lượng xuồng đóng cũng nhiều hơn mọi năm từ 20 - 30%, chủ yếu là xuồng loại nhỏ. Theo ông Đỗ Văn Banh, chủ một cơ sở sản xuất xuồng ở xã Long Hậu, các cơ sở sản xuất ghe xuồng nơi đây đang vào mùa cao điểm. Có lúc khách đặt nhiều, xuồng sản xuất ra không kịp giao cho khách hàng. Vì các sản phẩm rất đa dạng, phong phú phục vụ cho nhu cầu và thị hiếu của khách hàng. Năm nay cơ sở của ông ước tính sẽ cung ứng cho thị trường trên 1.000 chiếc. Trung bình 1 tuần, cơ sở đóng ghe, xuồng của anh Trần Bá Ngữ, ấp Long Khánh A, xã Long Hậu, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp tiêu thụ trên 100 chiếc với giá 700.000 đồng đến khoảng 1,2 triệu đồng/chiếc, tùy loại. Mỗi người thợ một ngày có thể đóng được một chiếc xuồng. Những loại ghe lớn, 40 – 50 tấn, phải mất đến 40 ngày mới xong và giá từ 180- 300 triệu đồng/chiếc. Mỗi năm, xã Long Hậu xuất đi khắp nơi gần 4.000 chiếc ghe, xuồng các loại phục vụ người dân miền Tây Nam bộ.
Đình Phong