Khi nước lũ bắt đầu đổ về cũng là lúc nhiều hộ dân ở huyện đầu nguồn Vĩnh Thạnh bắt đầu chuyển sang “làm ăn” theo con nước lũ. Đó là nghề giăng lưới bắt cá, đặt lợp tép, vớt ốc, cua... mà người dân nghèo huyện Vĩnh Thạnh đeo đuổi để mưu sinh. Việc đánh bắt thủy sản tuy vất vả, nhưng khá ổn định, tăng thu nhập, giải quyết khó khăn trong mùa lũ.
Nhiều người dân huyện Vĩnh Thạnh tham gia lể ốc, kiếm thêm thu nhập trong mùa nước nổi.
VÀO MÙA...
Là huyện thuần nông, Vĩnh Thạnh có trên 23.500ha diện tích đất trồng lúa. Năm nay, Vĩnh Thạnh gieo sạ lúa thu đông với trên 18.400ha, diện tích còn lại bà con nuôi thủy sản hoặc để đồng trống đón lũ, hứng lấy phù sa, bồi đắp dinh dưỡng cho đất. Ông Phan Văn Năm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Khi nước lũ về, đối với diện tích không gieo sạ lúa, không nuôi trồng thủy sản thì bà con tổ chức giăng lưới, vớt ốc, đặt lợp... đánh bắt thủy sản. Hiện nước lũ bắt đầu về, người dân cũng chuẩn bị vào mùa đánh bắt thủy sản kiếm sống. Đồng thời, cuối tháng 9-2017, lúa thu đông thu hoạch rộ thì diện tích đồng trống tăng lên, mặt ruộng đầy nước thuận lợi cho bà con đánh bắt thủy sản”.
Hầu hết, người dân đánh bắt thủy sản mưu sinh trong mùa lũ là bà con nghèo ở huyện. Mùa khô, bà con đi làm thuê, làm mướn kiếm sống với đủ nghề khác nhau. Mùa nước thì chuyển sang đánh bắt thủy sản. Trong đó có người tổ chức giăng lưới, kéo lưới, đặt dớn, lợp, vớt ốc... Anh Trần Văn Thạnh, ở xã Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Gia đình không có ruộng đất, vợ chồng tôi làm thuê từ việc đào đất, dặm lúa, dọn dẹp nhà cửa. Nhưng, đến khi mùa nước lũ về thì chuyển sang nghề vớt ốc bươu vàng, kéo cá bán. Hiện nay, nước trên đồng chưa cao lắm, vợ chồng tôi kéo cá, bắt ốc bươu vàng dọc theo các con sông, rạch. Mỗi ngày, từ 6 giờ chiều đến 12 giờ khuya là chúng tôi chống xuồng đi bắt cá, vớt ốc. Sáng dậy bán cho các cơ sở thu mua kiếm cũng được vài trăm ngàn đồng. Nghề kéo cá, vớt ốc phải thức đêm, dậy sớm cực khổ, nhưng bù lại chúng tôi có thu nhập cũng khá hơn đi làm mướn”.
Mùa nước lũ về, mưu sinh bằng nghề đánh bắt thủy sản của bà con ở huyện Vĩnh Thạnh bắt đầu vào mùa. Tuy nhiên, nước lũ lên cao cũng cần sự quan tâm bảo vệ đê bao, đảm bảo diện tích sản xuất lúa thu đông, hoa màu của bà con tại huyện Vĩnh Thạnh.
AN TOÀN SẢN XUẤT MÙA LŨ
Theo Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, hầu hết lúa thu đông trên địa bàn huyện được canh tác trong đê bao, đảm bảo an toàn khi lũ về. Để sản xuất nông nghiệp trong năm 2017, đặc biệt là các vụ sản xuất lúa đạt hiệu quả cao, huyện Vĩnh Thạnh tăng cường công tác thủy lợi, nạo vét kênh nội đồng, tu sửa đê bao nhằm đảm bảo cung cấp, tiêu thoát nước. Những tháng đầu năm 2017, huyện đã ra quân thực hiện thủy lợi mùa khô, với khối lượng đất nạo vét 76.184m3, đạt 106,4% kế hoạch, kinh phí thực hiện trên 1,3 tỉ đồng, khai thông hàng chục km kênh nội đồng; thực hiện 14 công trình nạo vét kênh, rạch kết hợp xây dựng đê bao, phát triển giao thông, với tổng kinh phí thực hiện trên 10 tỉ đồng... Các công trình trên hoàn thành không những phục vụ sản xuất nông nghiệp mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Ông Phan Văn Năm cho biết thêm: “Hiện các trạm bơm tát bằng điện tại địa phương đã sẵn sàng ứng cứu nếu nước lũ về gây ngập úng lúa. Ngoài ra, bà con nông dân cũng chủ động trong công tác đề phòng, kiểm tra đê bao, khắc phục những điểm xung yếu. Đối với bà con mưu sinh trong mùa lũ, địa phương cũng tạo mọi điều kiện cho bà con đánh bắt thủy sản, tiêu thụ sản phẩm. Nhưng, việc đánh bắt, thu mua phải đảm bảo an toàn, không sử dụng xung điện trong đánh bắt, chế biến thủy sản đảm bảo vệ sinh môi trường...”.
Thời gian qua, huyện Vĩnh Thạnh cũng thực hiện các hoạt động kiểm tra phương tiện đánh bắt thủy sản trên sông, rạch, đồng ruộng. Hằng năm, ngành chức năng đều phát hiện và thu gom các phương tiện đánh bắt thủy sản bằng điện và xử lý thiêu hủy. Ông Đỗ Sĩ Nhường, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Trong mùa lũ, ở huyện Vĩnh Thạnh có nhiều cơ sở thu mua cá, tép, ốc bươu vàng hoạt động sôi nổi, góp phần giải quyết lao động nhàn rỗi tại địa phương, giúp bà con nghèo có nơi tiêu thụ sản phẩm, tháo gỡ khó khăn trong mùa lũ. Tuy nhiên, việc đánh bắt, thu mua, sơ chế thủy sản phải đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế mùi hôi khi sơ chế, xử lý vỏ ốc hợp lý, tránh đổ bừa bãi gây mất vệ sinh công cộng. Người dân đánh bắt cũng cần chấp hành tốt quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, không sử dụng xung điện, hóa chất đánh bắt hủy diệt nguồn lợi thủy sản...”.
Bài, ảnh: HÀ VĂN