 |
Di tích căn cứ Trung ương Cục ngày nay.
Ảnh: TÂY NINH NGÀY NAY |
Tôi thường khoe với bạn bè: tôi mới là dân đồng bằng “chánh hiệu con nai”, vì quê tôi ở giữa mảnh đất Chín Rồng, vùng sông nước phương Nam. Thiên nhiên đã ưu đãi quê tôi lắm thứ, chỉ không có núi rừng. Cho nên khi đến trường, thầy bảo vẽ một hòn núi thì tôi vẽ như một mục măng tre (!) Còn rừng? Người quê tôi cũng thường bảo nhau “ra rừng hái rau”, “ra rừng lấy củi” nhưng “rừng” ở quê tôi chỉ là những mảnh đất hoang chừng một vài mẫu, cây tạp mọc um tùm,thỉnh thoảng nghe đồn là có cọp, có ma.
Đến khi tôi đi kháng chiến, được đến Đồng Tháp, U Minh, tôi mới biết được những khu rừng tràm bát ngát. Khái niệm về rừng trong tôi được mở rộng. Nhưng rừng tràm thì cũng chẳng lớn lao gì nếu so với những cánh rừng bạt ngàn sau nầy tôi được biết trên quê hương miền Bắc, ở dọc Trường Sơn, hay trên nước bạn Cam-pu-chia và Lào. Còn nếu so với rừng của Liên Xô ở Xi-bê-ri mà xe lửa chạy mấy ngày đêm chưa hết, thì “rừng” của tôi xưa chẳng thấm vào đâu!
Khi mới sống với rừng bắt đầu khám phá những cái lạ, cái đẹp của nó, tôi rất hứng thú. Đây những dòng suối trong veo lượn quanh những hòn đá trắng ngần như ngọc, cá lội nhởn nhơ. Kia những cây cổ thụ mấy người ôm không giáp đứng bên nhau như những cặp tình nhân khổng lồ, che chở cho nhau khi bão táp, phong ba. Có gì vui bằng khi lính ta ngồi quanh đống lửa hồng, hát những bài ca xao xuyến giữa ngàn cây, ngủ say sưa trên những chiếc võng còn thơm lừng tình nghĩa hậu phương.
Rừng rất có công với cách mạng nên càng đáng ca ngợi, tự hào. Nhưng rừng cũng chứa chấp nhiều nguy cơ chết người, như: sốt rét, rắn độc, thú dữ, cây ngã, suối lũ v.v... Thời chiến tranh, rừng lại có thêm những nguy cơ khác do địch gây ra, như: bom đạn, na-pan, chất độc hóa học, thiếu lương thực, quần áo, thuốc men... Thời đó, rừng hầu như không có dân. Mà không có dân thì coi như thiếu sự sống. Ở những nơi chỉ toàn bộ đội được mệnh dân là “làng đực”, anh em rất thèm nghe một tiếng khóc của trẻ con, giọng nói nhẹ nhàng của phụ nữ. Cho nên cô gái nào vào đây công tác đều được xem như “hoa hậu rừng xanh”, rất dễ lọt vào những cặp mắt xanh của các “chàng”.
Sau khi vượt Trường Sơn về tới miền Đông, tôi nằm chờ ở Kà-tum để nhận quyết định về một đơn vị chủ lực ở miền Tây Nam bộ. Tôi rất sốt ruột, muốn mau được thoát ra khỏi những khu rừng. Nỗi buồn của tôi càng bị nhân lên do những bài ca vọng cổ trữ tình như “Rừng chiều cô quạnh”, “Tiếng chim lạc đàn”, “Suối hát chờ ai”, “Sầu vương biên ải”... của các danh ca: Út Trà Ôn, Lệ Thủy, Thanh Nga... khiến tôi nhớ nhà “muốn đứt ruột”. Cho đến một hôm, có lệnh từ “R” đến. Tôi hồi hộp “tiếp chỉ” với nội dung như sau: Tình hình miền Tây chưa cho phép tổ chức thêm những đơn vị tập trung lớn. Khung cán bộ thuộc Trung đoàn chủ lực mới về được phân phối về các đơn vị ở Miền. Riêng tôi và năm đồng chí khác về Cục Chánh trị nhận nhiệm vụ.
Than ôi! Tôi nghe tin như bị trời giáng hụt! Đang ngán rừng, lại bị về rừng. Tôi muốn ca một câu vọng cổ và “xuống xề” cho lâm ly, rùng rợn nhưng tôi ca hết nổi và cũng không làm sao né được cái “kim cô” đã rơi xuống đầu. Đành phải đeo ba lô về “R” vậy!
Đến “R”, tôi thắc mắc hỏi các đồng chí: “R” là gì vậy? Còn “T” là gì? Lại còn có “Q” nữa cho thêm rắc rối! Mấy anh bạn loại “ma cũ” giải thích mỗi người một kiểu, đại khái là: để bảo mật, các đơn vị và địa phương cần có mật danh để liên hệ với nhau khi làm việc. Vì vậy nên qui ước “R” là Miền, “T” là Quân khu, “Q” là trung đoàn. “R” lúc đầu thường dùng để chỉ các cơ quan quân sự Miền, nhưng sau đó cũng dùng chung cho các cơ quan của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam. “R” là Miền. Cho nên “R” rất mênh mông, ở Bình Long, Phước Long, Tây Ninh và nhiều nơi khác ở Đông Nam bộ, đâu có cơ quan và đơn vị của Miền đóng quân, thì đó là “R”. Cho nên “R” có cả ở miền Tây!
Định nghĩa như vậy nghe cũng xuôi! Nhưng lại có ý kiến bổ sung: “R” là rừng: Về “R”, tức là về rừng! Sống với rừng, mà chết cũng với rừng.
Số phận đã an bài! Tôi tự nhủ: cứ sống với rừng rồi sẽ yêu rừng, như những cặp vợ chồng tuy không hợp “gu” nhau mà vẫn có con hàng đống! Nghĩ vậy, tôi quyết tâm: dù không trở thành một “hiệp sĩ rừng xanh” thì cũng phải biết gặt hái, gài bẫy, đi săn... để có thể thích nghi với cuộc sống ở rừng.
“R” nhà binh thường di chuyển trong các khu rừng bạt ngàn, phải đi hàng ngày đường mới đến nơi có dân. Từ hồi kháng chiến chống Pháp đã có câu “miền Đông gian lao mà anh dũng”. Câu ấy là niềm tự hào của các “anh Hai” miền Đông. Qua thời chống Mỹ, miền Đông cũng không sung sướng gì hơn, vẫn bắp cõng cơm, rau rừng, mắm ruốc! Nhiều lúc, bắp không có cơm mà “cõng”. Chỉ có một ít cơm dành cho người bệnh, còn người khỏe thì ăn toàn bắp. Bắp ở đây nào phải là loại ngon lành gì mà là loại bắp hạt vàng, cứng như đá, dùng để chăn nuôi. Vì đã quá “đát” nên hầu như mỗi hạt đều có một con mọt nằm bên trong như một cái “nhưn” đen sì, phải ngâm cho nó nổi lên, giã cho bể hạt bắp ra, nấu rất nhiều thời gian mới có thể nhai được. Thế nhưng nhiều cái dạ dày cũng chịu thua nên hạt bắp sau khi đi một vòng theo hệ thống tiêu hóa thì vẫn còn nguyên là hạt bắp! Nói là bệnh mới được ăn cơm, nhưng có mấy người là không bệnh? Ai cũng thường xuyên bị sốt rét riết rồi cái nhiệt độ ấy coi như bình thường! Ai đánh giặc, cứ đánh giặc, ai việc gì cứ làm, các mệnh lệnh vẫn theo các làn sóng điện xuống các chiến trường, thơ ca, nhạc kịch vẫn ra Hà Nội, và theo báo, đài đi khắp cả nước.
Về cái “gian lao” thì có người cho rằng miền Đông trong thời đánh Mỹ, mức độ có đỡ hơn thời chống Pháp, vì ta có kinh nghiệm hơn, tổ chức tốt hơn, nên việc tiếp tế, vận tải, mua bán... khá hơn. Nhiều nơi lại có sản xuất cải thiện đời sống. Những hộp sữa, những viên thuốc từ thành phố vào rừng, từ hậu phương lớn vào chiến trường, từ các nước bạn gởi sang, đã biến thành những niềm động viên lớn để quân ta bám rừng đánh Mỹ và thắng Mỹ!
Cái anh dũng của miền Đông dễ thấy với các trận thắng lớn, với các cuộc chống càn, với việc chịu đựng các loại bom đạn, vũ khí của một nơi mà địch xác nhận là chiến trường chính. Cái anh dũng ấy thể hiện cả trên những câu nói nghe rất bình dị đã đi vào lịch sử như: “Dám đánh Mỹ rồi sẽ biết cách đánh Mỹ”, “nắm thắt lưng địch mà đánh”, “một bước không đi, một li không rời” v.v... Trong cuộc chống càn Gian-xơn Xi-ty, trong lúc địch trút bom đạn để “đổ quân” ngoài trảng, thì ở một cơ quan cách đó chừng một cây số, các chị nuôi cũng đang khẩn trương đổ bánh xèo cho kịp để “ém” vào những cái bụng của các anh chàng du kích cơ quan để bám theo bọn Mỹ, “săn” các danh hiệu dũng sĩ theo tiêu chuẩn thi đua!
Một số lần, tôi được sang làm việc bên các cơ quan của Mặt trận Dân tộc Giải phóng, của Chánh phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam. Trước đây, tôi cứ tưởng bên ấy, rừng càng sâu, càng rậm hơn do tính chất quan trọng của các cơ quan đầu não. Nhưng đến mới biết rừng Bắc Tây Ninh không già bằng nhiều nơi khác ở Đông Nam bộ ở phía Bình Long, Phước Long. Rừng Bắc Tây Ninh có nhiều trảng trống, nhiều bàu cỏ, bàu sen nên trông có vẻ thoáng đãng. Những xóm nhà dân ở gần các cơ quan là những người kỳ cựu, những lực lượng chí cốt. Họ “che cán bộ”, họ “ngăn quân thù” còn tốt hơn những khu rừng trùng điệp của thiên nhiên vì cái chất cách mạng của họ. Họ tạo nên những “căn cứ lòng dân” góp phần bảo vệ vững chắc các cơ quan trước mọi âm mưu của địch. Lực lượng bảo vệ căn cứ bên ấy vô cùng “thiện nghệ”, bảo vệ cơ quan thì rất “chì”. Việc ăn, ở sinh hoạt luôn có nề nếp thời chiến. Căn cứ dự bị luôn sẵn sàng. Đặc biệt tài biến hóa, cơ động của các anh rất tuyệt. Cứ lẩn quẩn một số nơi mà địch tìm mãi không sao đánh trúng. Anh em nói: “Hết Xa- mát, tới Thiện-ngôn. Hết gạo, hết cơm, lại về Cần- Đăng, Xa- mát”. Máy bay địch đêm ngày cứ rè rè trên đầu, bắn phá, thả bom. Đông- Tây- Nam- Bắc, hướng nào cũng nghe tiếng pháo. Bom B-52 làm rung cả những chiếc hầm chữ A. Trong cuộc hành quân Gian-xơn Xi-ty, địch dùng nhiều lực lượng tinh nhuệ hòng diệt sạch các cơ quan đầu não của ta, nhưng ngay trong cuộc càn, ta vẫn đàng hoàng làm việc, các bộ máy đều hoạt động, các điện đài vẫn tít-te, tít-te. Đài phát thanh Giải phóng sáng nào cũng phát đài hiệu đúng giờ, các tin tức làm náo nức lòng người với những tin chống càn còn nóng hổi. Các bài cải lương vẫn lên ú, xuống xề qua làn sóng điện làm đau đầu cả lũ thầy trò Mỹ- ngụy. Chúng không biết nổi còn đất đâu để “Việt cộng” có thể ngồi yên mà “lý qua cầu” với lại “vọng đầu, vọng cổ” trong khi các “Anh cả Đỏ”, “Tia chớp nhiệt đới”... của chúng “chà đi, xát lại”.
Ngay sau ngày địch rút quân, tôi được phân công sang cơ quan Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam để báo cáo tình hình chống càn. Không khí rất nhộn nhịp. Bên những ngôi nhà cháy còn nghi ngút khói, anh em đang khẩn trương làm lại những ngôi nhà mới với những tấm lợp là nguồn lá trung quân vô tận của rừng xanh. Khách Sài Gòn đã bắt đầu thăm lại chiến khu. Có một chuyện vui đáng nhớ: Trong bữa cơm thân mật đồng chí Trần Nam Trung, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Chánh phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam chiêu đãi đồng chí Lê Thị Riêng, cán bộ nội thành. Thức ăn nào có gì đâu, chỉ toàn thịt hộp của quân đội Mỹ mà ta thu được trong trận chống càn! Các cán bộ bảo vệ hay được thì bữa cơm đã gần xong. Các đồng chí sợ địch bỏ thuốc độc. Nhưng may, chẳng ai việc gì. Đồng chí Trần Nam Trung cười, nói vui: “Bữa nay, mình cũng lấy chiến tranh nuôi chiến tranh. Các đồng chí bảo vệ yên trí, sau này sẽ kỹ hơn”. Đêm đó có liên hoan văn nghệ với nhiều văn nghệ sĩ quen thuộc: Thanh Loan, Thanh Hương, Thanh Hùng, Ngọc Hoa... Trong cuộc vui, tôi thấy ai cũng là lính, kể cả các “cụ” là người đứng đầu Nhà nước.
Kháng chiến đã đưa tôi đến với rừng. Từ chỗ ngán rừng, tôi dần dần quen với rừng và cảm thấy mến rừng, mến cảnh thiên nhiên và nhất là mến những người đã cùng sống và chiến đấu bên nhau trong những năm dài đánh Mỹ. Mỗi chuyến đi chiến dịch, phải xa rừng là trong lòng tôi da diết nhớ thương!
Chiến dịch Hồ Chí Minh, tôi được phân công theo Đoàn 232, cánh quân hướng Tây- Nam đánh vào Sài Gòn, tôi đinh ninh là lần này đi không trở lại rừng. Sau ngày toàn thắng 30-4-1975, tôi được điều động về ĐBSCL, rồi lại sống ở rừng Cam-pu-chia trong nhiều năm nữa. Rừng đã cho tôi nhiều kỷ niệm, nhưng rừng miền Đông Nam bộ là nơi đã gắn bó với tôi nhiều nhứt trong đời lính của mình. Cho đến bây giờ, mấy chục năm đã trôi qua, tôi vẫn còn giữ mãi trong lòng hình ảnh những cảnh, những người đã sống với nhau những ngày gian lao. Càng gian khổ lắm, càng thương nhau nhiều. Hai câu thơ của một người bạn đọc trong bữa tiệc chia tay năm xưa vẫn còn làm lòng tôi xao xuyến:
Bao năm gắn bó với rừng
Buồn vui bao nỗi, xin đừng vội quên!
HỒNG SA