Bút ký Đăng Huỳnh
Không hiểu vì sao càng lớn tuổi, người ta càng hoài niệm, càng nhớ chuyện xưa cũ. Tôi cũng vậy. Đâu đó giữa phố thị, tôi bất giác nhớ cái chái bếp, sàn lãn quê nghèo, nhớ thuở chăn trâu, nhớ nồi canh rau đắng đất nấu với cá trê đồng sực nức của má. Và, trong cơ hồ hoài niệm ấy, nỗi nhớ Tết quê cứ da diết, cồn cào mỗi bận gió chướng hanh hao từ sông Hậu thổi vào.
Miền nhớ của tôi là vùng quê nghèo ở Bạc Liêu, với tên gọi Ba Đình- nơi giáp ranh 3 tỉnh Cà Mau- Bạc Liêu- Kiên Giang, mà ai cũng nói vui: "trồng cây ớt, 3 tỉnh ăn; con gà gáy, 3 tỉnh thức". Đó là vùng bưng trấp, lau sậy, phèn mặn và mang đủ phong vị của một làng quê Nam bộ, yên ả, thư thái. Mấy kỳ lão trong xóm vẫn bảo rằng, từ Ba Đình lên tỉnh xa gần trăm cây số, nên đô thị hóa hình như "về chưa kịp". Tưởng buồn hóa ra vui, nhờ vậy mà lễ nghi phong tục gần trăm năm trước ở nơi đây nay vẫn được giữ gìn, chưa bị phai lợt. Đậm đà nhất vẫn là ngày Tết quê.
Hồi ấy, khoảng hơn 20 năm trước, xóm quê tôi dọc triền kinh Bà Từ, dừa nước rợp mát bờ kinh. Những mái nhà lá san sát, nhỏ bé và đơn sơ, chen chút nhau như bà con sợ lạnh lẽo, cô độc giữa chốn quê nghèo dù đất rộng mênh mông. Nhà ai cũng có vài gốc mai vàng trước cửa. Gốc mai sần sùi, xanh um ấy dường như bị quên lãng trong năm nhưng cứ đến rằm tháng Chạp là lại được bà con lặt lá- từ quen gọi là lảy lá mai. Hồi còn sống, bà nội tôi thường nói, bông mai là kết tinh của sự chịu đựng, trụi lá, khô hạn vì cất nước, để rồi bung nở những cánh hoa rực rỡ, tỏa hương thơm ngát. Đó là loài hoa tiết nghĩa, quân tử. Riêng với tôi, mỗi lần bà nội bắc ghế đẩu lảy lá mai là trong lòng "ăn ngủ không yên" vì
nôn Tết.
|
Dựng nêu trước nhà ngày 30 Tết. Ảnh: DUY KHÔI |
Sáng 23 tháng Chạp, má tôi quét dọn bếp sạch sẽ, tinh tươm, cự củi, mớ lá dừa được sắp đặt gọn gàng, ngăn nắp. Bàn thờ ông Táo nghi ngút khói hương, đủ đầy hoa quả để đưa ông Táo về trời. Mâm lễ của má có mũ ông Công, trầu cau
và không thể thiếu bộ "cò bay ngựa chạy" do ông cậu Tám làm. Đó là bộ khuôn dấu có 2 mặt: một mặt ngựa và cò cùng tung vó, tung cánh thật mạnh mẽ; một mặt cò và ngựa thong dong, không gấp rút. Ông cậu Tám giải thích rằng, bộ khuôn đó lần lượt dùng cho tháng Chạp thiếu và tháng Chạp đủ. Vì thiếu mất ngày 30 nên ngựa, cò phải gấp rút để kịp đưa ông Táo chầu trời (Tết Bính Thân này, má tôi chắc hẳn sẽ chọn mặt ngựa tung vó, cò thẳng cánh). Đó là quan niệm thể hiện sự chân phương, mộc mạc trong đời sống tinh thần của người dân Nam bộ. Má tôi khấn ông Táo nhiều điều nhưng hơn hết vẫn là cầu gia đạo bình an.
Sau khi đưa ông Táo, nhà tôi ai cũng tất bật. Ba tôi lau chùi, quét dọn bàn thờ gia tiên thật nghiêm cẩn, gọn gàng. Chị Ba làm sạch đám cỏ trước nhà; má và chị Năm giặt mớ mùng mền, màn cửa thật thơm tho. Tôi có nhiệm vụ leo dừa, chọn chục trái vỏ gần rám, nghĩa là chưa già nhưng cũng quá lứa non để chị Tư sên mứt. Xong việc, 3 người đàn ông trong nhà là ba, anh Hai và tôi lại có nhiệm vụ khác, tát đìa ăn Tết. Đó là cái đìa có đường nước thông với mé kinh nên cá vào khá nhiều, được ba tôi "làm tổ" là những nhánh chà tràm. Tát đìa ăn Tết là kỷ niệm vui nhất khi không chỉ có 3 cha con tôi mà cả xóm vây quanh, người cầm lưới, người đóng miệng đìa
Cá thời đó còn nhiều lắm, mỗi lần tát đìa bắt vài chục ký là chuyện thường. Mớ cá đó cha tôi chia cho cả xóm. Ông phân biệt rõ ràng, cá lóc lớn, ít xương gởi ông cậu Tám; cá trê trắng dai, "bắt mồi" gởi dượng Út Quới; mớ cá rô đồng béo ngậy ba dành gởi anh chị Út Trong
Không chỉ ba tôi đâu mà cả xóm ai cũng thảo ăn như vậy. Có người nói vui, xóm Bà Từ nhà nào ăn Tết với cái gì lối xóm đều biết. Hai con cá lóc lớn nhất, ba rọng trong đụt, chờ ngày 25 Tết cúng ông bà.
|
Gói bánh tét ngày xuân. Ảnh: DUY KHÔI |
Mâm cơm cúng ông bà do chính tay má tôi nấu đơn sơ, có cá kho tộ, canh chua bông súng đồng và không thể thiếu hai con cá lóc nướng trui. Ba tôi nhắc: "Món đó ông nội bây hồi còn còn sống ưa lắm!". Từ ngày đưa ông bà, ba tôi gom chân nhang bỏ vào lò đốt, không đốt nhang nữa (vì theo quan niệm, ông bà đã về trời), cho đến đêm giao thừa.
Tảo mộ cũng là công việc không thể bỏ qua của gia đình tôi ngày cận Tết. Mộ ông bà nội tôi nằm sau hè, day mặt ra cánh đồng, dưới bóng mát của gốc mù u. Ông nội ngày trước đã dặn cha tôi như vậy vì ông muốn nhìn quê hương, ruộng đồng mãi mãi. Công việc ít nhưng ba tôi dặn ai cũng phải tham gia. Má và các chị làm cỏ, chùi rửa để ba và anh hai quét vôi mới. Tôi thì hí hoáy phá làm vôi dính đầy tóc tai, quần áo. Ba tôi lý giải, lẽ ra chuyện này một mình ba làm cũng xong nhưng ba muốn gia đình quây quần bên mộ ông bà cho ông bà được vui. Càng nghĩ tôi càng thấm thía lời ba, con nít ra tảo mộ để biết nguồn cội mình là đây, người lớn tảo mộ để tỏ lòng thành với người quá cố. Để rồi dẫu ai có đi xa mấy chục năm, ngỡ đã "lột xác" thành người phố thị, một lần về quê tảo mộ ông bà dịp xuân sang, chợt thấy mình còn nặng nợ đất quê nhiều lắm.
Ở quê tôi ngày trước, gần Tết bà con lại "mần heo chia lúa mùa". Đó là con heo của chú Hai, cô Bảy đã "vô trăm" làm thịt và chia cho bà con ăn dần trong ba ngày Tết. Tôi còn nhớ rõ cách tính, 1kg thịt ngon tương đương 1 giạ lúa mùa; mỡ, da đầu
bằng 1 táu lúa
Số lúa ấy bà con đợi đến lúa mùa, nghĩa là tầm giữa tháng 11 âm lịch năm sau mới trả. Chia thịt lúa mùa không chỉ là cách trao đổi hàng hóa mà còn biểu thị cho tình làng nghĩa xóm. Bởi ngày Tết, xóm nghèo trăm thứ phải lo nên việc có thịt heo ăn trong ba ngày Tết với nhiều nhà không phải dễ.
Cây nêu ngày Tết luôn được bà con quê tôi gìn giữ. Ở nhiều vùng, ngày dựng nêu có khi 23, 25, 27 hay 28 tháng Chạp nhưng quê tôi phổ biến sáng 30 tháng Chạp. Ba tôi chọn nhánh trúc già, cao, róc nhánh nhưng chừa phần ngọn. Trên ngọn tre, ba tôi treo mảnh giấy hồng đơn viết chữ trừ tà cùng với đôi trái cau, vài lá trầu và vôi. Nhớ lúc ông nội tôi còn sống, vào ban đêm, ông còn treo trên cây nêu một cây đèn bão hay đèn lồng với ý niệm chỉ đường cho tổ tiên đã khuất về chung vui ngày Tết với con cháu. Bây giờ, tuy tục dựng nêu ở quê tôi (cũng như hầu hết vùng Nam bộ) đã ít dần nhưng tục lệ này được cải biên thành một túi nhỏ đựng giấy vàng bạc, trầu- cau- vôi treo trước cửa, lối đi chính của ngôi nhà.
Ngày 30 Tết, chái bếp nhà tôi vui như hội. Má và chị Ba gói bánh tét, ba và các chị nứt (cột) dây. Bàn tay thô ráp, chai sần của ba nhưng nứt bánh "bá phát": đều tăm tắp, thẳng nuột và nhất là không bao giờ "đầu bự đít nhỏ". Gói xong, mặt trời đã lặn khỏi ngọn mù mu, anh Hai lấy ba cục gạch tản kê ông Táo nấu bánh. Tôi tìm lá dừa, củi khô để chụm. Hương bánh nghi ngút, tỏa hương thơm lừng trong chiều 30 ở quê nhà, bên tiếng cười khanh khách của lũ trẻ, tiếng rôm rả "thời sự" của các bậc cao niên; tiếng nổ lốp bốp của chiếc bánh phồng vừa mới cán nướng trên than hồng
hẳn sẽ là những giai điệu đẹp mà đâu có nhạc sĩ nào viết nên ngoài sự vi diệu của cuộc sống.
Chiều tối 30 Tết. Ba tôi quang gánh; anh Hai xách bằng thùng chai trét xuồng cắt nửa; tôi bưng cái thau con con té lên té xuống
Ba cha con gánh nước đổ cho đầy 2 cái kiệu và 3 cái lu đặt mé chái nhà. Ba dạy, Tết nhất, nước phải đầy lu kiệu, gạo phải đầy thùng thì làm ăn mới suôn sẻ, thạnh phát. Giờ tôi hiểu, đó còn là sự cố gắng tươm tất của ba tôi với mong muốn về một cuộc sống tốt lành. Chị Ba, chị Tư tôi bên bếp lửa than rực hồng của nồi bánh tét gắp than bỏ vào bàn ủi con gà, ủi đồ cho cả nhà. Tôi "trộm vặt" mấy con khô cá lóc má phơi vừa ráo đem nướng, nhẩn nha cùng con Mun, thằng Ốc
Có đứa nói: "Mai, tao được thêm một tuổi!".
Đêm 30 ba má tôi ít khi ngủ dù ngày thường, ông bà vô mùng rất sớm. Ba ngồi nghe radio, má canh lửa nồi bánh, chờ tới giao thừa gọi các con ra ăn vận chỉnh tề, nghiêm cẩn thắp nén nhang cho ông bà, tổ tiên, mời về ăn Tết đoàn viên. Đó là lệ rước ông bà của bất kỳ gia đình nào ở quê tôi. Vậy rồi cả nhà xúm xít bên mâm cơm giao thừa, mỗi người ăn "ba hột", mà ba tôi gọi là "tống cựu nghinh tân". Có lẽ vậy mà gần hai mươi năm sau, một thành viên trong gia đình này đã viết bài thơ, trong đó có mấy câu:
"Nhớ đêm Ba mươi, má con ngồi nấu bánh
Mâm cơm nghèo "tống cựu nghinh tân"!"
Như bất kỳ gia đình nào ở miền quê Nam bộ, 3 ngày Tết quê tôi râm ran tiếng chúc xuân, chúc thọ; rộn rã tiếng nói cười; đầm ấm sự yên vui làm sáng bừng xóm nhỏ.
* * *
Một chiều cuối năm ngồi cà phê ở gần bến xe 91B. Tiếng còi xe hú vang. Tiếng ai đó từ biệt nhau để về quê ăn Tết. Chợt nhớ mình cũng sẽ về quê ăn Tết. Nghĩ đến đây, nhấp ngụm cà phê "không nổi", muốn tính tiền về sửa soạn đồ đạc ngay. Tết quê vẫn vàng rực bông mai trên nẻo đường quê; vẫn xanh trong màu nắng gió quê nhà; vẫn thiết tha khêu gợi ân tình cho những người xa xứ. Về mà coi, cái nồng hậu bên chén trà chung rượu ngày xuân; bên bữa cơm có thịt kho hột vịt, dưa cải tùa xại
sẽ làm ai đó ứa nước mắt nếu một ngày nào đó lỡ hẹn với Tết quê.
Cần Thơ, ngày giáp Tết Bính Thân