14/12/2009 - 10:00

An ninh lương thực quốc gia

Nhìn từ vựa lúa ĐBSCL

Kỳ 1: Thực lực vựa lúa
Kỳ 2: Những thách thức vùng lúa trọng điểm
Kỳ 3: Hệ lụy của việc đầu tư thiếu đồng bộ

 



Kỳ 4: Công bằng cho người trồng lúa: Bao giờ?

Giá lúa bấp bênh, nông dân luôn thiệt thòi! Trong khi đó, cơ chế điều hành xuất khẩu thiếu linh hoạt, công tác giống chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn... làm cho nông dân lúng túng trong việc định hướng sản xuất và tìm đầu ra.

Bảo đảm lợi nhuận cho nông dân: ai lo?

Theo GS.TS Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, Việt Nam cũng làm công tác khuyến nông rất thành công. Nhưng một cán bộ khuyến nông ở nước ta phụ trách 3.650 nông hộ, trong khi Thái Lan và Philippines chỉ 500-700 hộ; chi phí khuyến nông cho 1 nông hộ là 8.500 đồng, so với Thái Lan là 40-60 USD. Nhờ vào công tác khuyến nông, công nghệ hạt giống... giúp nâng cao trình độ sản xuất của nông dân. Nông dân ĐBSCL rất nhạy bén trong sản xuất, nhưng về thị trường thì họ chịu thiệt thòi nhất. Còn doanh nghiệp (DN) kinh doanh lương thực chỉ khi có hợp đồng xuất khẩu mới thu mua lúa gạo từ tư thương. Một DN kinh doanh lương thực tại TP Cần Thơ thừa nhận: “Không đủ vốn lưu động, nên việc xây dựng kho trữ lúa chờ giá hoặc thu mua lúa trong dân khi vào mùa vụ rất hạn chế. Mặc dù biết có kho trữ, DN sẽ chủ động thị trường và hợp đồng tiêu thụ với đối tác, nhưng lực bất tòng tâm”. Nông dân luôn thiệt thòi khi giá thị trường trồi sụt. Ông Lê Hoàng Thắng, nông dân ở thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, cho biết: “Tôi đang chuẩn bị cho vụ đông xuân 2009-2010, từ giữa tháng 10-2009 đến nay giá lúa lên gần 5.000 đồng/kg, nhưng chúng tôi đã bán lúa từ hồi mức giá 4.200 đồng/kg vì không có kho trữ, nên sợ rủi ro, nếu trữ lại lỡ giá lại rớt còn khổ hơn. Rồi còn phải quay vốn cho vụ kế tiếp nữa chứ”. Không chỉ ông Thắng, mà phần lớn hộ trồng lúa ĐBSCL đều bán lúa tươi ngay tại ruộng để giải quyết vốn cho vụ sau. Lẽ đó, giá có lên thì nông dân vẫn chịu thiệt.

Theo Bộ NN&PTNT, chỉ có 25% nông dân tiếp cận được với các thông tin thị trường, hiện có tới 90% sản phẩm nông nghiệp được bán ra ở dạng thô và 60% sản phẩm bị ép bán với giá thấp. Ngoài 2 yếu tố trên, khó khăn vùng lúa ĐBSCL đang gặp phải còn ở qui mô mỗi hộ gia đình có khoảng 1ha, trồng ba vụ lúa/năm thì lợi nhuận không đủ để trang trải chi tiêu cho gia đình 4-5 người. Trong khi đó, số hộ có diện tích đất dưới 0,5 ha/hộ ngày càng tăng. Bên cạnh, nguồn nhân lực nông thôn giảm và ngày càng nhiều lao động trẻ, có học vấn rời bỏ quê hương. Tất cả những điều trên kết hợp với vấn nạn trình độ dân trí thấp sẽ cản trở lớn đối với sự phát triển của ĐBSCL.

Đảm bảo lợi nhuận cho người trồng lúa là niềm mong mỏi chính đáng của nông dân. Ảnh: ĐỖ CHÍ THIỆN 

Ông Võ Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, nói: “Trên 50% GDP của tỉnh từ nông nghiệp; với 450.000 ha lúa, đảm bảo sản lượng 2,7 triệu tấn/năm. Nhưng giá thành sản xuất hiện tăng quá cao so với trước, nói là để nông dân đảm bảo trên 30% lợi nhuận thì rõ ràng chưa tính đủ và công bằng cho người trồng lúa. Khâu tiêu thụ còn nhiều bất cập cũng tác động trực tiếp đến lợi ích của nông dân và không khuyến khích họ gắn bó với đồng ruộng”. Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, nêu ý kiến: “ANLT không nằm ở khâu sản xuất qui mô lớn nữa, mà nằm ở khâu cuối cùng là tiêu thụ lúa cho nông dân. Các khâu khác, Nhà nước, Chính phủ đã thấy rồi và đang khắc phục. Tiêu thụ lúa hàng hóa cho nông dân không ổn, cứ đến vụ hè thu là tuột giá (2-3 năm nay), các kho chứa của DN không đáp ứng nổi nhu cầu”. Theo ông Đồng, Chính phủ đã chủ trương phải đảm bảo cho nông dân đạt lợi nhuận từ 30% trở lên, nhưng hiện chính sách hỗ trợ nằm ở khâu trung gian nhiều hơn và nông dân chưa thực sự hưởng lợi. Chẳng hạn 2 đợt thu mua lúa trạm trữ vụ hè thu, thu đông 2009 với giá sàn 3.800 đồng/kg, chỉ DN lương thực mua mới đạt giá này, nhưng nông dân phải chở lúa đến tận trạm, mà điều này không phải nông hộ nào cũng có điều kiện.

Theo Cục Trồng trọt, năm 2009, giá thành sản xuất lúa vụ đông xuân bình quân 2.500 đồng/kg, hè thu 2.800 đồng/kg, thu đông 3.200 đồng/kg. Nông dân không có điều kiện để trữ lúa, nên bán ngay khi thu hoạch, còn hợp đồng bao tiêu theo Quyết định 80 của Thủ tướng Chính phủ tại các tỉnh, thành ĐBSCL rất hạn chế. Như tại TP Cần Thơ, hằng năm có trên 1 triệu tấn lúa hàng hóa, nhưng tỷ lệ có hợp đồng bao tiêu chỉ chiếm 10% trên tổng sản lượng. Trong khi các nhà khoa học tính toán, sản xuất lúa muốn có lãi thì diện tích trên nông hộ phải từ 3 ha trở lên và nông dân phải áp dụng kỹ thuật sản xuất tiên tiến. Nông dân không có điều kiện đầu tư sâu vào đồng ruộng sẽ ảnh hưởng đến thu nhập, mức sống gia đình, chi phí cho con cái học hành và cuối cùng họ vẫn là nông dân “chân chất” đúng nghĩa.

Tiến sĩ Lê Hữu Hải, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, cho biết: “Từ vụ đông xuân 2003-2004, chúng tôi tiến hành qui hoạch vùng sản xuất lúa chất lượng cao (CLC), áp dụng qui trình kỹ thuật kết hợp trong và ngoài nước. Nhưng mãi đến năm 2008, đầu ra cho lúa CLC an toàn vẫn bấp bênh. Diện tích áp dụng kỹ thuật an toàn từ 50 ha ban đầu đã lên 800 ha, mà giá lúa vẫn không nhỉnh hơn bên ngoài bao nhiêu, trong khi qui trình thực hiện đòi hỏi nông dân phải áp dụng nghiêm ngặt. Qui trình không được phổ biến rộng rãi trong 5 năm qua do thiếu nhà thứ 4 là DN”. Chuẩn bị cho qui trình GAP, ngành nông nghiệp huyện Cai Lậy đã tập huấn cho nông dân, thành lập hợp tác xã (HTX) Mỹ Thành để tạo điều kiện tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi đầu tư và làm thêm dịch vụ nông nghiệp nhằm duy trì hoạt động, nuôi bộ máy quản lý. Tuy nhiên, suốt 5 năm thực hiện chỉ 1 lần duy nhất DN đến mua, còn lại xã viên bán cho thương lái. Mãi đến năm 2008, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng chỉ gạo Mỹ Thành Nam sản xuất theo qui trình an toàn thì diện tích mới được mở rộng lên 800 ha ở xã Mỹ Thành Bắc và Mỹ Thành Nam.

Còn tại An Giang, tỉnh có sản lượng lúa lớn nhất cả nước (khoảng 3,5 triệu tấn/năm), việc xây dựng vùng lúa CLC được dân hưởng ứng, nhưng đầu ra lại là chuyện khác. Một cán bộ ngành nông nghiệp tỉnh An Giang bức xúc: “Tỉnh chủ trương xây dựng vùng lúa chất lượng cao nhưng lại vướng ở khâu tiêu thụ lúa hàng hóa cho nông dân. DN cần xem lại trách nhiệm của mình đối với nông dân. Tỉnh có Ban chỉ đạo xây dựng vùng lúa CLC đã triển khai thực hiện rất mạnh vấn đề này và đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu với số lượng lớn. Nếu DN có kho trữ và phối hợp tốt với ngành nông nghiệp sẽ không lo đầu ra”. Theo tính toán của ngành nông nghiệp An Giang, năm 2009, giá thành sản xuất lúa đông xuân 2.100- 2.200 đồng/kg, lúa hè thu 3.100-3.500 đồng/kg. Do vậy, các tỉnh lân cận nhau cần phối hợp thống nhất lịch thời vụ sản xuất để kiểm soát dịch bệnh tốt. Công bố các loại giống cơ cấu CLC cụ thể để ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân sản xuất.

Công tác dự báo còn bất cập

Ở Việt Nam, “cơn sốt” gạo cục bộ, giá gạo tăng vọt ngay tại vựa lúa ĐBSCL vào đầu tháng 4-2008 đã phản ánh yếu kém trong việc xây dựng kênh phân phối. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó TGĐ Công ty Lương thực miền Nam, nhận xét: “Mạng lưới thu mua của nhiều DN chưa xuống tới nông thôn làm cho giá thành sản xuất cao, giảm hiệu quả kinh doanh và cạnh tranh, các DN chưa thực sự là người bạn đồng hành của nông dân”. Theo ông Dũng, mạng lưới phân phối của Tổng Công ty và các DN nhà nước nhiều năm qua bị bỏ ngỏ, chất lượng hạt gạo bán ra không đảm bảo và qua quá nhiều trung gian, giá cả lên xuống bất thường, từ khâu sản xuất đến người tiêu dùng chênh lệch khá cao, trở thành gánh nặng cho bộ phận người dân không sản xuất ở thành thị và nông thôn.

Thêm vào đó, việc xúc tiến thị trường, cơ chế điều hành xuất khẩu chưa có sự phân phối công bằng giữa các địa phương. Những tỉnh có sản lượng lúa gạo lớn như: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An cũng nhiều phen vất vả vì cơ chế điều hành xuất khẩu vào các tháng giữa năm 2009. Theo các chuyên gia kỹ thuật, toàn bộ hệ thống kho dự trữ của vùng chưa đảm bảo kỹ thuật để dự trữ lúa gạo đảm bảo chất lượng trên 3 tháng. Các công ty xuất khẩu chỉ quan tâm đến thị trường nước ngoài và mua- xuất theo chu kỳ ngắn. Thiếu kho dự trữ nên khó chủ động thực hiện điều tiết thị trường giá cả. Hàng triệu nông dân vùng ĐBSCL đến mùa thu hoạch đồng loạt bán lúa ra thị trường, nên cung lớn hơn cầu làm cho giá lúa giảm xuống. Thêm vào đó, số hộ không sản xuất lúa gạo ở cả nông thôn và thành thị đang gia tăng nhanh chóng do quá trình đô thị hóa; nếu thị trường nội địa không ổn định, giá cả lương thực tăng cao, đời sống của bộ phận cư dân này sẽ bấp bênh, trở thành gánh nặng cho xã hội.

Ông Hồ Văn Be, nông dân sản xuất giỏi ở xã Nhơn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, có 70 công đất trước đây làm lúa hàng hóa nhưng lợi nhuận bấp bênh, nên chuyển sang sản xuất giống lúa gần 5 năm nay. Hiện ông có 50 công làm giống lúa đã ký hợp đồng với các công ty nông nghiệp tỉnh bao tiêu, còn 20 công làm bán giống cho dân. Ông Hồ Văn Be cho biết: “Do giá lúa hàng hóa lên xuống thất thường, thu hoạch xong là tui bán ra xoay xở cho mùa vụ mới, nên không có lời, thậm chí lỗ vốn. Khi quay sang sản xuất lúa giống, 1 công tôi lời 2 triệu đồng, còn lúa hàng hóa phải đạt mới lời 1-1,5 triệu đồng, nhưng bấp bênh lắm. Còn việc đảm bảo lợi nhuận 30% cho nông dân theo chủ trương của nhà nước là không đạt, do tiêu thụ phụ thuộc vào thương lái, khâu bao tiêu không có”. Ông Be cho rằng, nếu nông dân ký được hợp đồng bao tiêu ngay từ đầu vụ sẽ an tâm đầu tư. Nếu Nhà nước cập nhật thông tin kịp thời cho nông dân về giống lúa mới, thị trường, dự báo chính xác để nông dân có định hướng sản xuất rõ ràng thì dân đỡ lúng túng hơn.

Nhu cầu lương thực thế giới khá đa dạng. Từ năm 2005 trở lại đây, hằng năm thế giới sản xuất ra 650 triệu tấn lúa (tương đương 420-430 triệu tấn gạo). Một số nước có trữ lượng lương thực lớn như: Trung Quốc trên 180 triệu tấn, Ấn Độ gần 140 triệu tấn, Indonesia 55 triệu tấn, Bangladesh 40 triệu tấn, Việt Nam hơn 38 triệu tấn, Thái Lan hơn 30 triệu tấn... Trong số 650 triệu tấn lúa, tiêu dùng thế giới hằng năm khoảng 520 triệu tấn lúa, còn lại đưa vào dự trữ. Thương mại lúa gạo chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng lượng làm ra, giai đoạn 2006-2007 chỉ xuất khẩu xấp xỉ 28 triệu tấn, chiếm 6,6% sản lượng sản xuất. Vậy mà, trong giai đoạn khủng hoảng, Thái Lan là quốc gia thành công trong việc dự báo, dự trữ và có chính sách cao đối với người trồng lúa nên giành được cả về lợi ích kinh tế, uy tín thương mại thông qua việc duy trì xuất khẩu gạo. Trong khi, một số nước thay đổi chính sách theo hướng bảo hộ, trong đó có Việt Nam- ra lệnh ngưng xuất khẩu....

Đầu năm 2008, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam và thế giới đạt trên 600 USD/tấn; nhưng tháng 12-2008, giá giảm còn 424,9 USD/tấn. Sang năm 2009, giá gạo xuất khẩu tiếp tục giảm có lúc dưới 380USD/tấn (5% tấm)và giá lúa cũng giảm đáng kể. Thông tin từ Công ty Nông nghiệp Cờ Đỏ (TP Cần Thơ), năm 2009, công ty xuất khẩu khoảng 20.000 tấn gạo các loại, chỉ đạt khoảng 50% kế hoạch đề ra. Còn về giá trị giảm rất nhiều, giá xuất bình quân khoảng 400 USD/tấn; trong khi năm 2008 có hợp đồng lên đến 800-1.000 USD/tấn. Công ty có khoảng 2.000 hợp đồng viên đang canh tác trên đất của công ty và sản lượng lúa thu hoạch 30.000-40.000 tấn/năm. Có thời điểm Hiệp hội Lương thực đưa ra giá sàn ký hợp đồng cao hơn giá thị trường, nhưng công ty không thể xé rào ký hợp đồng được vì là đơn vị DN nhà nước. Song, DN chỉ thiệt tạm thời, còn nông dân lãnh đủ, vì giá lên hay xuống thì họ cũng thiệt.

THU HÀ

Bảng nhu cầu lương thực trong nước đến năm 2030 (triệu tấn)


Kỳ cuối:
NGHỊ QUYẾT “TAM NÔNG” - QUỐC SÁCH VỀ AN NINH LƯƠNG THỰC

Chia sẻ bài viết