03/11/2012 - 18:37

Nhìn thẳng vào sự thật, giải quyết tận gốc các mâu thuẫn trong giáo dục, đào tạo

* PGS, TS: NGUYỄN TẤN PHÁT
Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng,
nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục
và Đào tạo

 

Nhận diện các mâu thuẫn trong ngành giáo dục, đào tạo, tìm giải pháp khắc phục là hướng tiếp cận trực diện góp phần thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.

Bài học qua ba lần cải cách và thực hiện đổi mới giáo dục

Từ sau Cách mạng Tháng Tám thành công đến nay, Nhà nước đã có ba lần cải cách giáo dục.

Lần cải cách đầu tiên được tiến hành vào năm 1950, mục tiêu đặt ra của cải cách giáo dục lúc ấy toát lên sự nhận thức giải quyết mâu thuẫn cơ bản giữa một bên là lực lượng kháng chiến, kiến quốc đòi hỏi phải phát triển nhanh về số lượng, yêu cầu cao về chất lượng, do đó con người phải được đào tạo có trình độ tốt hơn, chuẩn bị tích cực nguồn nhân lực đón đầu thực hiện kiến quốc sau khi kháng chiến thắng lợi và một bên là thực trạng đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, thanh, thiếu niên với trình độ học vấn còn thấp do hậu quả nhiều năm của chính sách ngu dân, bần cùng hóa của thực dân, phong kiến.

Tiếp đến, năm 1956, miền Bắc sau giải phóng tiến lên chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất đất nước, Đảng thực hiện cải cách giáo dục lần thứ hai.

Và từ năm 1986 đến nay, thực hiện cải cách giáo dục lần thứ ba. Lần cải cách giáo dục sau giải quyết nhiều mâu thuẫn mà thực tiễn cách mạng chưa đặt ra cho các lần cải cách giáo dục trước; mục tiêu, nhiệm vụ lớn hơn, nguồn lực huy động nhiều hơn, giải pháp đa dạng, phức tạp hơn.

Cuộc cải cách giáo dục lần ba với những đổi mới giáo dục đang diễn ra nhằm giải quyết mâu thuẫn từ hệ thống giáo dục đến nội dung và phương pháp, từ mục tiêu, nhiệm vụ đến các giải pháp, cách thức và nguồn lực thực hiện cải cách.

Cho đến nay, chúng ta chưa có những công trình nghiên cứu đánh giá toàn diện những thành tựu cũng như hạn chế trong quá trình phát hiện và giải quyết các mâu thuẫn nảy sinh qua các lần cải cách giáo dục. Những thắng lợi vĩ đại của dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã chứng minh, một mặt là thực tiễn cách mạng đã rèn đúc nên những thế hệ ưu tú làm nên lịch sử vẻ vang; mặt khác, là sự phát hiện đúng đắn các mâu thuẫn và các giải pháp khoa học khắc phục các mâu thuẫn trong giáo dục, đưa sự nghiệp "trồng người" đạt được nhiều thành tựu to lớn, góp phần quan trọng cung cấp nguồn nhân lực qua đào tạo thực hiện chiến lược giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhận thức một số mâu thuẫn để cùng tìm giải pháp khắc phục và thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo

Giáo dục, đào tạo nước ta hiện nay có ba mâu thuẫn cơ bản bao trùm: một là, mâu thuẫn giữa yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện với tư duy bảo thủ không chấp nhận đổi mới, hoặc đổi mới nhỏ giọt, đổi mới vô nguyên tắc, thiếu cơ sở khoa học, lạc chuẩn; hai là, mâu thuẫn giữa yêu cầu cao về phát triển giáo dục, đào tạo với những chủ trương, chính sách, việc làm cản trở động lực phát triển; ba là, mâu thuẫn giữa yêu cầu cao, nhiệm vụ lớn với nguồn lực thực hiện hạn chế, lại bị chia tách, xé lẻ.

Các mâu thuẫn trên tiếp tục chia ra các cấp độ khác nhau vừa tác động ngang - dọc, trên - dưới, vừa chuyển hóa phức tạp làm chậm khả năng, quá trình giải quyết các mâu thuẫn cơ bản lẫn không cơ bản.

Cần đặt vấn đề giải bài toán mâu thuẫn trong tư duy lên hàng đầu. Chỉ mạch lạc trong tư duy mới giải quyết được tốt các mâu thuẫn trong hành động ở mọi cấp độ. Chẳng hạn, vẫn đơn thuần căn cứ vào kết quả thứ hạng cao trong các kỳ thi Ô lim-píc hay thi tay nghề quốc tế của học sinh, sinh viên, hoặc thấy chất lượng một số lĩnh vực mũi nhọn được nâng cao mà dễ dãi vừa lòng với thực trạng của giáo dục hiện nay thì đó là biểu hiện của tư duy siêu hình, phiến diện. Ngược lại, cũng có cách tư duy phủ định sạch trơn, không thấy bất cứ một trường đại học nào ở Việt Nam được xếp vào TOP 500 - 700 trường đại học hàng đầu thế giới (1) thì coi ngành giáo dục Việt Nam hỏng toàn bộ, cần tháo bỏ tất cả và làm lại tất cả từ đầu?

Không phải Nhà nước không có những chính sách ưu đãi cho những người làm công tác giáo dục. Có điều là, những chính sách ấy vẫn còn bất cập so với tình hình thực tế, dẫn đến tình trạng hàng vạn thầy cô giáo phải bươn chải ngoài giờ để lo cho đời sống, kể cả làm nhiều việc trái nghề. Không ai hy vọng làm giàu từ đi dạy học, nhưng do đặc thù nghề nghiệp và quá trình đào tạo công phu, nếu mức lương người thầy và cán bộ quản lý ngành giáo dục, đào tạo không đạt được mức cao hoặc cao nhất trong hệ thống thang bậc lương của Nhà nước, thể hiện cụ thể sự tôn vinh lĩnh vực quốc sách hàng đầu thì khó có thể nói đến duy trì bền vững động lực phát triển giáo dục. Đây là trọng tâm của giải pháp khắc phục mâu thuẫn thứ hai, cũng là vấn đề khó khăn khách quan lẫn mâu thuẫn chủ quan trong tư duy khi làm chính sách.

Trọng tâm của mâu thuẫn thứ ba là, nguồn lực thực hiện đã hạn chế lại còn bị phân tán, sử dụng kém hiệu quả. Hằng năm, Nhà nước dành không dưới 20% tổng chi ngân sách cho giáo dục, xét về tỷ lệ, mức chi ấy không thấp nhưng vì quy mô giáo dục lớn, tổng ngân sách lại nhỏ nên tính bình quân trên đầu học sinh, sinh viên thì thuộc loại thấp so với khu vực và thế giới. Đầu tư thấp, nhưng mục tiêu lại đặt ra cao. Nghiên cứu mục tiêu giáo dục trong chiến lược phát triển từ nay đến năm 2020, chúng ta nhận ra có những mục tiêu rất cao, đòi hỏi phải có nguồn lực và giải pháp mạnh mới hy vọng đạt được. Chẳng hạn, 100% số giảng viên đại học đạt trình độ từ thạc sĩ trở lên, bình quân 350 - 400 sinh viên/10.000 dân... Ngân sách cho giáo dục còn hạn chế mà cơ chế huy động thêm các nguồn lực khác chưa theo kịp yêu cầu, thêm vào đó lại bị chia tách, xé lẻ phân cấp cho nhiều cơ quan quản lý (giáo dục đại học, dạy nghề), điều đó sẽ là một trong những mâu thuẫn rất khó khắc phục.

Ngoài ra sự điều hành, quản lý yếu kém ngay trong ngành cùng động lực thúc đẩy phát triển giáo dục suy giảm đã khoét sâu hơn không ít mâu thuẫn, gây bức xúc trong xã hội. Có thể đơn cử một số mâu thuẫn nổi bật hiện nay trong ngành giáo dục và đào tạo, như: chất lượng đại trà thấp với yêu cầu cao về chất lượng thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; chương trình, phương pháp dạy và học lạc hậu với yêu cầu chương trình chuẩn hóa, khoa học, tinh giản, phương pháp tiên tiến; phiến diện chú tâm dạy chữ, nặng lý thuyết, truyền đạt kiến thức thuần túy với đòi hỏi thỏa đáng giáo dục đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo lập nghiệp, nghiên cứu khoa học, kỹ năng thực hành; cơ cấu bậc học, ngành nghề đào tạo bất hợp lý, thay đổi chậm với cơ cấu bậc học, nghề thay đổi nhanh phù hợp với yêu cầu xã hội; đội ngũ nhà giáo chưa toàn tâm, toàn ý với yêu cầu nhà giáo hết lòng với công việc, là tấm gương sáng trong nhà trường và ngoài xã hội; tâm lý chạy theo bằng cấp, hư danh với yêu cầu thực tài, thực học, thực cống hiến; quản lý giáo dục vừa phân tán, vừa ôm đồm, kém hiệu quả với quản lý tập trung đúng chức năng, phân cấp hợp lý, hiệu quả cao; quản lý đào tạo còn nặng nề về kiểm soát đầu vào với yêu cầu giảm nhẹ kiểm soát đầu vào, tăng cường kiểm soát chất lượng đầu ra; tổ chức thi cử nặng nề, còn thiếu thực chất với tổ chức thi gọn nhẹ, tiết kiệm, thực chất hơn; thanh tra, kiểm tra hạn chế với thanh tra, kiểm tra thường xuyên, triệt để, đủ tâm, đủ tầm,...

Có thể khái quát rằng, nơi nào, phần công việc nào còn tìm thấy được những hạn chế, yếu kém thì chính nơi đó tồn tại nhiều mâu thuẫn nảy sinh, cản trở sự phát triển, và ngược lại.

Khi mạng lưới giáo dục cơ bản đã phủ kín khắp các vùng miền đất nước, điều đó cũng có nghĩa là bài toán về số lượng phần nào đã được giải quyết. Khi chất lượng, hiệu quả giáo dục còn thấp, điều đó cũng có nghĩa là giáo dục, đào tạo rất cần chuyển từ phát triển chiều rộng sang phát triển chiều sâu, từ số lượng sang chất lượng...

Đôi điều khuyến nghị

Để "Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế" như Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đề ra chúng ta cần giải quyết triệt để các mâu thuẫn kìm hãm phát triển sự nghiệp giáo dục. Giải quyết mâu thuẫn trong giáo dục, đào tạo hiện nay phải tiến hành đồng bộ, cùng một lúc ở nhiều khâu, nhiều tầng bậc, không lĩnh vực nào có thể tự coi mình đã hoàn thành đổi mới và đứng ngoài cuộc. Tuy vậy, giải một bài toán với mớ bòng bong tích lũy quá nhiều mâu thuẫn, phải nhanh chóng nhận ra đâu là mâu thuẫn chủ yếu, mâu thuẫn cơ bản có ý nghĩa quyết định để tập trung nhiều hơn nguồn lực cho nó.

Cụ thể:

Thứ nhất, coi việc giải quyết các mâu thuẫn cơ bản là nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Có giải pháp khoa học đổi mới tư duy trong toàn xã hội, đặt ra những yêu cầu cụ thể để tất cả các cấp chính quyền đều có chương trình, kế hoạch phát triển giáo dục, phát triển nguồn nhân lực phù hợp chiến lược tổng thể quốc gia. Cần sửa đổi các chủ trương, chính sách, điều luật phù hợp với yêu cầu đổi mới. Mạnh dạn cho thí điểm một số vấn đề quan trọng để có căn cứ mở rộng, giải quyết có hiệu quả các mâu thuẫn hiện có trong giáo dục, đào tạo. Điển hình, nghiên cứu sáp nhập các trường cao đẳng, đại học vào Bộ Khoa học và Công nghệ thành Bộ Đại học và Khoa học - Công nghệ, nhằm gắn kết giữa đào tạo với nghiên cứu, giảm phân tán nguồn lực trong đào tạo và nghiên cứu. Phần còn lại của Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện nay nhập với bộ phận dạy nghề thành Bộ Giáo dục và Đào tạo nghề. Trong trường hợp chưa thể làm được như vậy thì cho thực hiện đề án thí điểm phối hợp nghiên cứu với đào tạo đại học, trước hết ở một số đại học trọng điểm với một số viện nghiên cứu lớn.

Thứ hai, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học lớn, các cơ sở giáo dục mạnh, đặc biệt là người đứng đầu các tổ chức ấy cần tự nhận thức vai trò, trách nhiệm của mình trong việc đi tiên phong đổi mới. Chủ động đề đạt những sáng kiến, thúc đẩy nhanh việc giải quyết các mâu thuẫn với cấp cao hơn, phát hiện, dẫn dắt, nâng đỡ những sáng kiến đổi mới của các cơ sở, quan tâm thỏa đáng toàn cục, tìm được chính xác các trọng tâm, trọng điểm tháo gỡ những mâu thuẫn, ách tắc then chốt, mạnh dạn cho thí điểm một số hoạt động, một số chương trình có đề án khả thi, tiếp thu kết quả đạt được để nhân rộng ra toàn ngành, toàn khu vực... Được biết hiện đang có một số cơ sở sẵn sàng đảm nhận trọng trách này nếu được tín nhiệm giao phó, chủ yếu xin cơ chế chứ không xin kinh phí.

Thứ ba, làm nhanh, làm trước một số việc:

Lâu nay, việc tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông làm rầm rộ như một chiến dịch toàn quốc vào dịp đầu mùa hè, rất tốn kém công sức, tiền bạc, nhưng với kết quả tỷ lệ học sinh đạt tốt nghiệp luôn trên 98% - 99%, thì giá trị ảo có lẽ nhiều hơn giá trị thật. Để ít tốn kém và thực chất hơn, có thể nghiên cứu áp dụng hình thức trực tiếp cấp bằng tốt nghiệp cho những học sinh đạt loại khá giỏi trong hai hoặc ba năm học cuối trung học phổ thông. Các học sinh này chắc chắn sẽ đạt kết quả tốt nghiệp cho dù có tổ chức thi hay không. Và như vậy chỉ cần tập trung tổ chức kỳ thi cho khoảng 40% - 60% số học sinh đạt học lực trung bình khá trở xuống, vừa kích thích học sinh học khá giỏi toàn diện chương trình trung học phổ thông, vừa gọn nhẹ hơn, thực chất hơn, tiết kiệm đến 50% công sức và kinh phí. Hệ quả kế tiếp là mỗi năm số học sinh khá giỏi sẽ tăng lên, kỳ thi sẽ càng gọn nhẹ hơn, cán bộ quản lý và thầy cô có thêm thời gian bồi dưỡng chuyên môn dịp hè.

Hơn mười năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện "ba chung", tổ chức hằng năm một cuộc thi tuyển đầu vào cao đẳng, đại học mà xét về tính chất có phần đình đám, phức tạp và tốn kém còn hơn cả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Đợt thi này vừa kết thúc thì một bộ phận không nhỏ cán bộ của Bộ đã phải chuẩn bị cho kỳ thi năm sau, mặc dù về mặt tác nghiệp, đây là nhiệm vụ chủ yếu của các cơ sở đào tạo chứ không phải trách nhiệm chủ yếu của cơ quan quản lý nhà nước. Chưa nên quay lại cách tuyển sinh giao cho từng trường thực hiện như cách đây hơn mười năm đã làm. Lúc ấy, cán bộ các trường vừa dạy, vừa ra đề thi, hay có liên hệ với cán bộ ra đề thi, hình thành vô số lò luyện thi, làm biến chất ý nghĩa kỳ thi. Nên chăng từ nay, kỳ thi cao đẳng, đại học chia thành ba cụm: Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh. Mỗi cụm giao cho một đại học đa ngành, đa lĩnh vực mạnh nhất phối hợp với các đại học trọng điểm của khu vực ấy thực hiện từ khâu ra đề, tổ chức coi thi, chấm thi, quy định chuẩn đầu vào,... Để nhẹ bớt đầu vào, có thể các cụm này không nhất thiết tổ chức thi chung một ngày. Và mỗi năm, tùy theo khả năng, yêu cầu, có thể tổ chức từ một đến hai lần thi.

Nếu Bộ giáo dục và Đào tạo có giải pháp kiểm soát tốt hơn áp lực đầu vào thì sẽ có thêm điều kiện tăng cường kiểm soát chất lượng đầu ra, góp phần giải quyết tốt hơn mâu thuẫn giữa thực học, thực thi, thực tài, thực cống hiến với hư danh, hư ảo, hư ngụy, hư hỏng.

Theo Tạp chí Cộng sản

---------------

(l) Theo Báo Thanh Niên số ra ngày 15-9-2012, công ty chuyên về giáo dục nước ngoài tại Anh, Quaquarelli Symonds (QS) ngày 11-9-2012 công bố xếp hạng 700 trường đại học hàng đầu thế giới năm 2012. Ở khu vực Đông Nam Á, Singapore có 2 trường, Malaysia có 4 trường, Thái Lan và Indonesia có 7 trường. Việt Nam chưa có trường nào lọt vào tốp 700.

Chia sẻ bài viết