25/12/2018 - 19:23

Sau một năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP

Nhiều việc cần làm ngay 

Nghị quyết số 120/NQ-CP (Nghị quyết 120) của Chính phủ về Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, ban hành ngày 17-11-2017, liên quan tới gần 30 bộ, ngành và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Trước đó, phát biểu tại hội nghị chuyên đề để có Nghị quyết này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, ĐBSCL phát triển theo hướng “thuận thiên” là chính. Tại một hội thảo mới đây ở Trường Đại học Cần Thơ nhìn lại thực tế một năm thực hiện Nghị quyết này, nhiều ý kiến cho rằng còn rất nhiều việc phải làm.

Những việc đã làm

Sau một năm thực hiện Nghị quyết 120, từ cấp Chính phủ đến địa phương, nhiều tổ chức quốc tế và trong nước đã triển khai được nhiều việc. Ngày 18-12-2017, Văn phòng Chính phủ có Công văn 13449/VPCP-NN về việc lập kế hoạch triển khai Nghị quyết 120, trong đó giao Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan lập Chương trình hành động tổng thể, báo cáo Thủ tướng phê duyệt trước tháng 2-2018 và yêu cầu các bộ, ban ngành báo cáo tiến độ thực hiện hằng năm. Tháng 12-2017, Bộ TN&MT đề xuất các nhiệm vụ, đề án, dự án triển khai thực hiện Nghị quyết 120. Đến ngày 26-3-2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) ban hành Quyết định số 337 về Kế hoạch triển khai Nghị quyết 120, xây dựng “Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Quy hoạch này lồng ghép hợp phần 6 của dự án “Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững vùng ĐBSCL” dưới sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới.

3 hình minh họa: TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng VIỆN Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu – Trường Đại học Cần Thơ

Mô hình lúa - tôm, mô hình tôm rừng sinh thái ở vùng ven biển ở Kiên Giang, Cà Mau, 
Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh.

Mô hình đa canh kết hợp lúa - màu - chăn nuôi trên các vùng giồng cát, vùng nước lợ 
ở Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre…

Mô hình lúa - màu (sen, rau), lúa - cây ăn trái, kết hợp du lịch ở vùng ngập lũ sâu hoặc lũ nông ở An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long… (Mô hình đa canh ở vùng ngập lũ).

 

Trong khi đó, các địa phương vùng ĐBSCL đã lập danh mục các dự án đầu tư phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng trình Bộ TN&MT và Bộ KH&ĐT. Các tỉnh cũng đã liên kết phát triển bền vững ở tiểu vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, Bán đảo Cà Mau và Duyên hải phía Đông; triển khai dự án phát triển du lịch ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu và triển khai các hoạt động sử dụng kinh phí địa phương và gắn kết dự án tài trợ.

 Nhiều tổ chức quốc tế và trong nước cũng đã tổ chức nhiều hoạt động. Đại sứ quán Hà Lan, Tổ chức IUCN phối hợp Bộ TN&MT, Hội Nông dân Việt Nam và Trường Đại học Cần Thơ đã tổ chức hội thảo, tập huấn, truyền thông điệp cốt lõi của Kế hoạch ĐBSCL nhằm hỗ trợ triển khai Nghị quyết 120 cho 13 tỉnh, thành ĐBSCL. Trong tháng 11 vừa qua, Đại sứ quán Hà Lan cũng đã làm việc về cơ chế tài chính thực hiện Nghị quyết này.

 Tuy nhiên, TS Đặng Kiều Nhân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL thuộc Trường Đại học Cần Thơ, cho rằng: “Các dự án mang tính tổng thể, cấp thiết như nội hàm của Nghị quyết 120 thì chưa phát triển”. Về kinh phí thực hiện Nghị quyết 120, vấn đề bao trùm, tại cuộc họp của Quốc hội hồi tháng 11-2018, Thủ tướng nói Chính phủ sẽ dành 12.000 tỉ đồng cho phát triển bền vững ĐBSCL, nhưng chưa rõ giai đoạn nào?...

Và nhiều việc cần làm ngay

Theo GS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, ĐBSCL đang đối mặt với nhiều thách thức do biến đổi khí hậu và nước biển dâng, ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của người dân, đòi hỏi phải có những giải pháp toàn diện, lâu dài, cấp bách để phát triển bền vững. “Trường Đại học Cần Thơ cam kết đồng hành với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL và sẵn sàng làm đầu mối trong công cuộc phát triển ĐBSCL, thích ứng với biến đổi khí hậu”. 

Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, cho rằng sớm có một ban điều hành hay ban điều phối cho cả vùng ĐBSCL để thực hiện Nghị quyết 120. Từ đó, theo ông, cần thống nhất sớm hiện thực hóa quan điểm của Nghị quyết này là chuyển từ “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp”. “Để làm được điều này, cần có đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học kết nối với cộng đồng doanh nghiệp để dẫn dắt người nông dân thay đổi cách làm ăn. Trường Đại học Cần Thơ hoàn toàn có thể hỗ trợ về khoa học công nghệ để làm được việc này” - ông Hoan kỳ vọng.

Nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng để thực hiện Nghị quyết 120, cần thống nhất những vấn đề lớn liên quan đến nhận thức về mặn - hạn - lũ; về quản lý khai thác bền vững tài nguyên thiên nhiên. Cần có đề án liên kết bốn tiểu vùng tại ĐBSCL. Cần cập nhật và hệ thống hóa số liệu, dữ liệu; thực hiện công tác điều tra cơ bản; hoàn thiện và bổ sung hệ thống cơ chế, chính sách; rà soát, hoàn thiện và xây dựng các phương án quy hoạch. Ngoài ra, phải điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường vùng ĐBSCL. Điều tra tổng hợp tài nguyên, môi trường vùng biển Tây Nam bộ phục vụ phát triển kinh tế biển. Xây dựng các điểm quan trắc, giám sát, cảnh báo và dự báo môi trường; hệ thống giám sát nguồn nước; dự báo, cảnh báo hạn hán và xâm nhập mặn. Tham gia cập nhật, hoàn thiện và công bố định kỳ kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho đồng bằng. Các quyết sách thực hiện Nghị quyết 120 cần phù hợp với kiến thức bản địa và cần áp dụng khoa học tiên tiến mà không gây hối tiếc hoặc chỉ hối tiếc thấp. Bởi  thực tế nông dân ĐBSCL đã tự tìm được nhiều giải pháp thích ứng hợp với tinh thần “thuận thiên” của Nghị quyết 120. Như mô hình lúa - tôm; mô hình tôm - rừng sinh thái ven biển ở Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh; mô hình đa canh kết hợp lúa - màu - chăn nuôi trên các vùng giồng cát, vùng nước lợ ở Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre; lúa - cây ăn trái kết hợp du lịch ở vùng ngập lũ sâu hoặc lũ nông ở An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long… Chính phủ sớm ban hành chính sách khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội trong nước và nước ngoài cho đầu tư, phát triển vùng ĐBSCL, tập trung vào hạ tầng giao thông, thủy lợi. Đồng thời xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thống nhất để làm cơ sở cho việc nghiên cứu, triển khai các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu chung cho toàn vùng...

Huỳnh Kim

Chia sẻ bài viết