27/09/2009 - 23:03

Đồng bằng sông Cửu Long

Nhiều tiềm năng tạo nguồn nhiên liệu sinh học

Qua nghiên cứu, các nhà khoa học nhận định, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có nhiều loại nguyên liệu có thể chuyển hóa thành nhiên liệu sinh học. Trong điều kiện nguyên liệu hóa thành đang ngày cạn kiệt, ô nhiễm môi trường, việc tạo ra nguồn nguyên liệu sinh học thay thế là rất cần thiết. Tuy nhiên, để sử dụng và phát huy tính năng của nguồn nguyên liệu sinh học thay thế này cần rất nhiều giải pháp cụ thể.

* Khơi nguồn

Giữa tháng 9-2009, tại TP Cần Thơ, Bộ môn Di truyền- Giống nông nghiệp (Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ) phối hợp cùng Trường Đại học Công- Nông Tokyo (Nhật Bản)... tổ chức hội thảo “Triển vọng tạo nguồn nhiên liệu sinh học tại ĐBSCL” nhằm tìm kiếm giải pháp phát triển nhiên liệu sinh học. Các nhà khoa học cho rằng, ĐBSCL có nhiều loại nguyên liệu có thể chuyển hóa thành nhiên liệu sinh học như: mỡ cá tra, rơm rạ, dừa sáp, cây năn tượng, cây dầu mè, bã mía, đậu nành... Đây là nguồn nguyên liệu giàu tiềm năng, thân thiện với môi trường và góp phần giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường do nguồn nguyên liệu hóa thạch thải ra.

Rơm rạ thải ra sau khi thu hoạch lúa có thể khai thác để sản xuất nhiên liệu sinh học.  

Qua các công trình nghiên cứu tạo ra sản phẩm sinh học từ mỡ cá tra, dầu, thực vật, dừa sáp... đã chứng minh ĐBSCL có thể trở thành trung tâm sản xuất và tiêu thụ sản phẩm sinh học trong tương lai. Các nhà khoa học Nhật Bản đã tài trợ kinh phí, phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ thu thập các mẫu dừa sáp tại Trà Vinh để thực hiện nhân giống dừa sáp. Theo tính toán của các nhà khoa học, 1 kg dừa sáp cho 700g cơm dừa, từ đó sẽ trích được 80% dầu... và đây là nguồn nguyên liệu nhiều triển vọng. Với kết quả đạt được bước đầu, các nhà khoa học sẽ tiếp tục bước nghiên cứu tiếp theo nhằm tạo ra sản lượng lớn dừa sáp phục vụ cho tinh chế ra dầu.

Thêm vào đó, nhiều công trình nghiên cứu tạo ra sản phẩm sinh học từ rơm rạ, lục bình... cũng đang được áp dụng thử nghiệm tại TP Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang. Hiệu quả bước đầu đã tạo ra nguồn biogas phục vụ sinh hoạt hằng ngày của người dân nông thôn và nguồn phân hữu cơ bón cho cây trồng... Giữa năm 2006, Công ty TNHH Minh Tú (Cần Thơ) đã bắt tay vào nghiên cứu chế tạo dầu biodiesel từ nguồn phế phẩm của ngành chế biến thủy sản là mỡ cá tra, ba sa tại ĐBSCL. Qua 24 tháng thực hiện, công ty đã thành công tạo nguồn dầu biodiesel và đã xuất khẩu thành công sản phẩm sang Singapore. Ông Trịnh Minh Tú, Giám đốc Công ty TNHH Minh Tú, cho biết: “Sản xuất biodiesel từ nguồn phế phẩm của mỡ cá của công ty nhằm tạo ra nguồn nguyên liệu thay thế, góp phần giảm khí thải và bảo vệ môi trường. Đây là nguồn nguyên liệu khá mới mẻ, có thể thay thế cho nguồn nhiên liệu diesel từ dầu mỏ”. Theo ông Tú, việc nghiên cứu về nhiên liệu sinh học dầu biodiesel đã có hơn 20 năm trước tại Việt Nam, nhưng kết quả thu được còn hạn chế do nhiều nguyên nhân. Trong đó, đặc biệt là chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển phù hợp từ phía Nhà nước, nên mô hình chưa được nhân rộng.

GS.TS Yutaka Hirata, Trường Đại học Công - Nông Tokyo (Nhật Bản), cho biết: “Những vùng nhiệt đới có nhiều triển vọng cung cấp nguyên liệu đa dạng cho chế biến nhiên liệu sinh học. Nông thôn và nông dân có thể làm giàu từ nguồn nguyên liệu sinh học này nếu tận dụng, khai thác tốt. ĐBSCL của Việt Nam có nguồn nguyên liệu mà nhiều nước khu vực Đông Nam Á không có đủ để tạo ra nhiên liệu sinh học”. GS.TS Yutaka Hirata cho rằng, việc tìm nguồn năng lượng thay thế ngoài mục tiêu tăng thu nhập cho nông dân, còn khơi nguồn tiềm năng vốn bị lãng quên. Các nhà nghiên cứu Nhật Bản sẽ phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ và chọn nơi đây là trung tâm nghiên cứu về sinh khối của khu vực Đông Nam Á.

* Mở ra triển vọng

Các nhà khoa học cũng thừa nhận, hoạt động nghiên cứu sinh khối (BIOMASS) tại ĐBSCL cũng như các quốc gia khu vực Đông Nam Á hiện còn khá mới mẻ và đòi hỏi cần thời gian để ứng dụng vào cuộc sống, dù nhiều công trình nghiên cứu khoa học đã minh chứng khả năng, hiệu quả thiết thực của nguồn nguyên liệu thay thế này. Hiện nay, các nhà khoa học Nhật Bản phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ xây dựng đề án nghiên cứu, lai tạo giống dừa sáp trong thời gian tới. Song song đó, nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Trường Đại học Cần Thơ về chế tạo sản phẩm sinh học từ mỡ cá tra, ba sa và dầu, mỡ phế thải, rơm rạ... khẳng định những chất phế thải này nếu khai thác, sử dụng đúng cách sẽ giúp nông dân thoát nghèo và góp phần tăng trưởng kinh tế ở ĐBSCL.

Theo Tiến sĩ Võ Công Thành, Phó trưởng Bộ môn Di truyền- Giống nông nghiệp (Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ), mọi nguyên liệu có chứa Cellulose- hợp chất cao phân tử đều có thể tạo ra Ethanol, hỗn hợp có thể thay thế xăng, dầu. Nguyên liệu hoang phế này sẽ không ai lưu tâm nhưng khi nó tạo ra giá trị cho đời sống thì có nhiều vấn đề cần giải quyết, như: làm thế nào tổ chức vùng nguyên liệu tập trung, phân tán có kiểm soát để cung cấp cho hoạt động chế biến Ethanol, việc sử dụng nguồn nguyên liệu này không trở thành cuộc cạnh tranh gay gắt với các ngành sản xuất khác. Đầu ra của sản phẩm và cải thiện thu nhập một cách bền vững cho người nông dân ở nông thôn khi tham gia chuỗi giá trị ngành hàng mới mẻ này; việc kêu gọi đầu tư, khuyến khích các nhà khoa học, doanh nghiệp tham gia nghiên cứu... Tất cả những vấn đề này nếu được giải quyết rốt ráo sẽ tạo ra những sản phẩm hàng hóa dần thay thế nhiên liệu hóa thạch và tạo dấu ấn mới trong việc khơi nguồn năng lượng mới.

ĐBSCL được xem là vựa nông sản lớn của cả nước, nhưng việc sử dụng, khai thác lợi thế nguồn nông sản này chưa được quan tâm đúng mức. Tất cả nguồn nguyên liệu phế phẩm từ hoạt động chế biến các mặt hàng nông sản của vùng đã thải ra môi trường những phụ phẩm, phế phẩm làm ô nhiễm nguồn nước, tác động đến cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng, nếu biết tận dụng, biến phế phẩm, phụ phẩm thành nhiên liệu sinh học thay thế, không chỉ giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường mà còn tạo ra nguồn thu nhập cho người dân. Vấn đề là, cần có chính sách, cơ chế của Nhà nước nhằm khuyến khích các hoạt động nghiên cứu, hỗ trợ nông dân tham gia, định hướng phát triển.

Bài, ảnh: Gia Bảo

Chia sẻ bài viết