04/10/2022 - 08:23

Nhiều tiềm năng phát triển sản xuất, tiêu thụ nông sản hữu cơ 

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Những năm gần đây, diện tích, sản lượng và giá trị xuất khẩu nhiều loại cây trồng vật nuôi được sản xuất theo hướng hữu cơ ở nước ta đã liên tục tăng và dự báo còn nhiều dư địa để phát triển. Tuy nhiên, việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hữu cơ còn gặp các khó khăn, cần được tháo gỡ kịp thời để có sự phát triển xứng tầm, đáp ứng nhu cầu sản phẩm hữu cơ đang tăng cao trên toàn cầu.

Ðể hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất hữu cơ, ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ đang tích cực xây dựng các mô hình trình diễn để làm điểm nhân rộng.

Tiền đề thuận lợi

Chính phủ, các bộ ngành Trung ương và các cấp thẩm quyền đã ban hành các nghị quyết, quyết định, thông tư, đề án, bộ tiêu chuẩn... nhằm tạo hành lang pháp lý để quản lý và thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2018/NÐ-CP ngày 29-8-2018 về nông nghiệp hữu cơ, trong đó Chính phủ đã có những hướng dẫn và quy định cụ thể về các nguyên tắc sản xuất hữu cơ và việc ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 885/QÐ-TTg ngày 23-6-2020 về Phê duyệt Ðề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030. Nước ta phấn đấu đến năm 2030, diện tích nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng 2,5-3% tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp. Giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản hữu cơ cao gấp 1,5-1,8 lần so với sản xuất phi hữu cơ.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), thực hiện Ðề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030, đến nay đã có 57/63 tỉnh, thành phố triển khai và nông nghiệp hữu cơ đang lan tỏa ngày càng mạnh mẽ trên khắp cả nước. Năm 2021, diện tích đất nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đã đạt trên 174.000ha, tăng 47% so với năm 2016, đứng thứ 9/10 nước có diện tích đất nông nghiệp hữu cơ lớn nhất châu Á. Trong đó, diện tích đất trồng trọt hữu cơ hơn 61.000ha, diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ hơn 100.000ha, diện tích thu hái tự nhiên nông nghiệp hữu cơ hơn 12.000ha. Cả nước đã có hơn 17.000 nhà sản xuất, 555 nhà chế biến, 60 nhà xuất khẩu nông nghiệp hữu cơ, xuất khẩu tới 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với kim ngạch đạt 335 triệu USD/năm.

Với nhiều thế mạnh về sản xuất nông nghiệp và có các hệ sinh thái tự nhiên đa dạng, nước ta được đánh giá  có nhiều tiềm năng để phát triển sản xuất, khai thác, tiêu thụ các sản phẩm nông sản, thực phẩm hữu cơ. Người tiêu dùng trên toàn cầu cũng đang có xu hướng đẩy mạnh sử dụng các loại nông sản, thực phẩm hưu cơ và chấp nhận mua với giá cao hơn 20-25% so với sản phẩm thông thường. Ðây là cơ hội để nước ta phát triển sản xuất kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp thuộc Bộ NN&PTNT, thị trường sản phẩm hữu cơ trên thế giới trong 20 năm qua thay đổi rất nhanh. Nếu như những năm 2000, quy mô thị trường trên thế giới chi trên dưới 20 tỉ USD thì đến năm 2010 đã tăng gần gấp 3 lần, đạt 60 tỉ USD và đặc biệt khi xảy dịch COVID-19, con người nhận thấy sự tương tác giữa con người với thiên nhiên chính là một trong những lý do tác động ngược lại cho việc tạo ra bệnh dịch, con người càng quan tâm việc ứng xử và tiêu dùng hài hòa với thiên nhiên nên tiêu dùng hữu cơ đã tăng vọt. Năm 2020 quy mô lên tới 218 tỉ USD, dự kiến đến 2030 có thể đạt mốc
300 tỉ USD.

Cần tháo gỡ khó khăn

Hiện quy mô, giá trị mua bán sản phẩm hữu cơ trên thị trường thế giới đã đạt con số rất lớn, nhưng 90% chủ yếu tập trung vào các nước phát triển, đặc biệt là thị trường Mỹ và EU. Thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ trong nước còn hạn chế. Ðầu ra sản phẩm hữu cơ còn gặp khó vì tâm lý còn hoài nghi của người tiêu dùng và giá bán chưa tương xứng với công sức và các chi phí đầu tư nên nhiều người chưa "mặn mà" với sản xuất hữu cơ. Theo ông Nguyễn Minh Tiến, để phát triển thị trường hữu cơ, đặc biệt là thị trường trong nước thì việc xây dựng niềm tin và nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và tổ chức tốt các kênh phân phối, tiêu thụ sản phẩm là rất quan trọng nhằm minh bạch, thông suốt thông tin, đảm bảo sản phẩm hữu cơ chuẩn được cấp chứng nhận và quản lý chặt chẽ, tránh giả mạo, gian lận nhãn mác và chứng nhận. Ðặc biệt, cần đẩy mạnh truyền thông để người tiêu dùng hiểu được giá trị của sản phẩm hữu cơ mang lại không chỉ là vấn đề đảm bảo cho sức khỏe, mà còn là trách nhiệm của người tiêu dùng đối với việc bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái.

Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, sản phẩm hữu cơ được sản xuất theo những nguyên tắc và quy chuẩn "6 không" rất nghiêm khắc, gồm không có phân bón vô cơ, không thuốc bảo vệ thực vật, không thuốc diệt cỏ, không dùng giống biến đổi gien, không dùng thuốc kích thích tăng trưởng và xét nghiệm kỹ đất và nước không có chất hóa học và kim loại nặng. Tuy nhiên, ở nước ta còn có những ngộ nhận về hai chữ hữu cơ. Ngành chức năng cần tăng cường giáo dục, trang bị kiến thức để mọi người hiểu cho đúng về hữu cơ và thay đổi tư duy về hữu cơ. Hỗ trợ người sản xuất, kinh doanh từ các hoạt động truyền thông, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm đến các hỗ trợ về vốn, công nghệ... để đáp ứng các yêu cầu phát triển sản xuất
kinh doanh.

Ðể mở rộng sản xuất và thị trường của sản phẩm hữu cơ, nhiều chuyên gia kiến nghị, bên cạnh đẩy mạnh đào tạo, nâng cao kiến thức chuyên sâu về nông nghiệp hữu cơ, tới đây ngành chức năng cần tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh các cơ chế, chính sách để tạo sự khuyến khích và có các hỗ trợ kịp thời cho các bên liên quan. Ðặc biệt, hỗ trợ người đân, doanh nghiệp trong quy hoạch vùng liên kết sản xuất, phát triển các cơ sở hạ tầng, mua sắm vật tư, máy móc và công nghệ đảm bảo tiêu chuẩn phục vụ sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm hữu cơ. Thực hiện tốt công tác quản lý và kết nối cung cầu, quảng bá, đưa sản phẩm hữu cơ đến tay người tiêu dùng trong nước và  quốc tế.

Chia sẻ bài viết