Đức là một trong những quốc gia có thế mạnh đào tạo các ngành công nghiệp, kỹ thuật. Nếu có ý định du học tại Đức, du học sinh nên dành thời gian để chuẩn bị các thủ tục hành chính. Đồng thời, nên tìm hiểu kỹ cấu trúc cơ bản của hệ thống giáo dục Đức để khi du học sẽ không bị bỡ ngỡ.
Các loại hình đại học tại Đức
Tại 16 bang của Đức hiện có hơn 300 trường đại học (ĐH) và viện ĐH. Các ngành đào tạo mũi nhọn của Đức là: công nghệ thông tin, cơ khí chế tạo, khoa học vật liệu, sinh học phân tử, y- dược, luật... Trong đó, các ngành khoa học ứng dụng rất phát triển bởi qui trình đào tạo vừa học vừa làm kết hợp hợp lý, hài hòa đã phát huy tối đa năng lực sáng tạo, khả năng áp dụng lý thuyết vào thực tiễn của sinh viên.
Tại Đức, có 2 loại hình đào tạo ĐH quan trọng: ĐH Tổng hợp (Uni, TU) và ĐH Khoa học Ứng dụng (Fchhochschulen). Hai loại hình ĐH này có giá trị tương đồng, chỉ khác nhau về hình thức đào tạo. Các trường ĐH Tổng hợp hoạt động trên nguyên tắc “thống nhất giữa giảng dạy và nghiên cứu”. Đây là môi trường lý tưởng để phát triển các nghiên cứu độc lập, từ cơ bản đến chuyên sâu. Từ trước đến nay, loại trường này vẫn đóng vai trò nòng cốt trong hệ thống ĐH Đức. Thời gian học tập và nghiên cứu tại các trường ĐH Tổng hợp thường từ 8 đến 12 học kỳ. Sau khi bảo vệ thành công luận án tốt nghiệp, tùy chuyên ngành, du học sinh được cấp một trong các loại bằng: bằng Magister Artium (M.A) đối với các ngành Khoa học Nhân văn; bằng Thi Quốc gia/ Thi tốt nghiệp Quốc gia dưới sự giám sát của Nhà nước đối với các ngành Giáo dục, Luật, Y; bằng Bachelor/ Master đối với các khóa học quốc tế.
 |
Sinh viên quốc tế trong giờ học nhóm tại trường Đại học Kỹ thuật Chemnitz (Đức). Ảnh: tu-chemnitz.de |
So với các trường ĐH Tổng hợp, các trường ĐH Khoa học Ứng dụng hạn chế hơn về số lượng chuyên ngành. Ở các trường ĐH Khoa học Ứng dụng, chương trình đào tạo chú trọng vào thực tiễn, trau dồi kiến thức nghề nghiệp và kỹ năng chuyên môn. Ngày càng nhiều học sinh địa phương và cũng như du học sinh chọn những trường ĐH này vì có thời gian đào tạo ngắn (khoảng 8-9 học kỳ) và mục tiêu đào tạo thực tế hơn. Thông thường trong chương trình đào tạo của ĐH Khoa học Ứng dụng có hai học kỳ dành cho việc thực hành trong lĩnh vực Kinh tế hoặc Quản lý. Bằng tốt nghiệp của các trường ĐH Khoa học Ứng dụng được ghi là “Diplom-FH” (Diplom-Fchhochschulen) để phân biệt với bằng Diplom của các trường ĐH Tổng hợp. Trong chương trình đào tạo của các trường ĐH Khoa học Ứng dụng cũng đã xuất hiện ngày càng nhiều các khóa học quốc tế lấy bằng Cử nhân (Bachelor) và bằng Thạc sĩ (Master).
Ngoài ra, tại Đức còn có một số trường ĐH đặc biệt được thành lập theo chuyên ngành. Ví dụ như ĐH Sư phạm (Paedagogische Hochschule), ĐH Y (Medizinische Hochschule), ĐH Thú y (Tieraerztliche Hochschule), ĐH Thể dục- Thể thao (Sporthochschule) hoặc trường ĐH chuyên đào tạo các ngành thông tin, truyền hình và điện ảnh (Medien-, Fernsehen- u. Filmhochschule). Tiêu chí tuyển sinh, quá trình đào tạo... của các trường này hoàn toàn khác so với các trường ĐH thông thường.
Chuẩn bị du học
Du học sinh Việt Nam tốt nghiệp PTTH và đã trúng tuyển vào hệ chính quy của một trường ĐH được Nhà nước công nhận sẽ có hai cách được nhận vào học tại các trường ĐH Đức:
Cách thứ nhất: Thi kiểm tra trình độ tiếng Đức (đạt trình độ Gill của Viện Geothe). Sau đó, học dự bị ĐH 12 tháng và tham gia kỳ thi đánh giá chất lượng tương đương.
Cách thứ hai: Đã hoàn thành 1 năm học ĐH ở Việt Nam, thành thạo tiếng Đức (tương đương bằng ZOP của Viện Goethe hoặc DSH).
Du học sinh có bằng ĐH chính quy của Việt Nam và thành thạo tiếng Đức sẽ được nhận vào học sau ĐH. Du học sinh có bằng thạc sĩ, thành thạo tiếng Đức và được sự chấp nhận của một giáo sư tại trường ĐH Đức sẽ được nhận vào làm nghiên cứu sinh.
Thông thường, năm học ĐH tại Đức bắt đầu vào tháng 9- 10 hàng năm. Để du học Đức, cần có thời gian chuẩn bị khoảng 1 năm. Từ tháng 11 năm trước đến tháng 1 năm sau, bạn nên thu thập thông tin từ tờ rơi, Internet... 3 tháng tiếp theo, nên liên hệ với các trường ĐH mà bạn quan tâm để lấy đơn xin nhập học và những giấy tờ có liên quan khác. 3 tháng kế tiếp dành cho việc chuẩn bị hộ chiếu, gửi đơn xin nhập học và những giấy tờ liên quan đến khóa học. Đầu tháng 7, nộp đơn xin visa ngay sau khi nhận được các giấy tờ cần thiết từ phía các trường ĐH. Tháng 9- 10, bắt đầu học kỳ đầu tiên. Du học sinh nên có mặt tại trường trước một tuần để làm các thủ tục: mua bảo hiểm y tế, đăng ký ngành học. Sau đó, du học sinh phải hoàn tất thủ tục cư trú trong vòng 3 tháng đầu tiên tại Đức.
Một trong những khó khăn lớn nhất của du học sinh Việt Nam khi sang Đức du học là tiếng Đức, vì vậy phải đăng ký học một lớp tiếng Đức ngắn hạn khoảng 3-6 tháng, học phí từ 3.000- 6.000 euro. Phần lớn trường ĐH của Đức hiện thu học phí 500 euro/ học kỳ. Tuy nhiên, vẫn có các trường ĐH ở một số tiểu bang như Berlin, Brandenburg, Mecklenburg Vorpommern, Rheinland Pfalz, Sachsen Anhalt, Sachsen, Schleswig-Holstein và Thuringen miễn học phí cho sinh viên. Ngoài ra còn chi phí cho sách vở, tàu xe khi đi thực tập hay dã ngoại, tiền ăn ở... Du học sinh Việt Nam thường thuê nhà riêng, 3-4 người ở chung, tính ra chi phí rẻ hơn khi ở ký túc xá. Việc tìm thuê nhà khá dễ dàng do có Trung tâm Tư vấn miễn phí. Trung bình sinh hoạt phí của một du học sinh khoảng 600- 700 euro/ tháng.
Luật pháp Đức cho phép du học sinh được đi làm thêm tối đa 40 giờ/ tuần. Có khá nhiều công việc dành cho sinh viên, lương 8-12 euro/ giờ. Công việc mà nhiều du học sinh làm nhất, là: phục vụ trong các quán ăn, nhà ăn sinh viên, lau nhà, giúp việc, trông nom và chăm sóc người già, vắt sữa bò, giúp việc trong các Lab của trường... Dịp hè, du học sinh có thể đi làm trong các hãng, xưởng; thu nhập tương đối cao (1.500- 2.500 euro/ tháng) nhưng rất khó xin việc. Thời hạn đi làm thêm tối đa là 90 ngày/ năm và không phải đóng thuế.
Ở Đức có rất nhiều tổ chức cấp học bổng cho du học sinh. Phần lớn là học bổng sau ĐH. Tổ chức học bổng lớn nhất Đức là DAAD (www.daad.de), có quan hệ rất tốt với Việt Nam. Ngoài ra, các giáo sư ở Đức có thể cấp tiền cho sinh viên ĐH, thạc sĩ, nghiên cứu sinh học tập và nghiên cứu. Tiền này có thể lấy từ dự án của giáo sư, quỹ của phòng thí nghiệm hoặc giáo sư giới thiệu cho sinh viên đi làm ở các hãng, xưởng có quan hệ hợp tác nghiên cứu với phòng thí nghiệm của giáo sư... Cơ hội học tập ở Đức luôn rộng mở. Nếu quan tâm, bạn nên chuẩn bị ngay từ bây giờ bằng việc tìm kiếm học bổng trên các trang web:http://europa.eu.int/comm/education/index_en.html; http://www.daad.de; http://www.cordis.lu/focus/en/home.html; http://www.nato.int/science; http://www.worldbank.org/wbi/scholarships/home.html;...
LÊ HOÀNG TUẤN
(Văn phòng Du học Saigontourist)