04/03/2022 - 21:51

Nhiều nước đồng loạt xin gia nhập EU 

HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)

Gruzia và Moldova vừa gửi đơn xin gia nhập Liên minh châu Âu (EU), vài ngày sau khi Nghị viện châu Âu thể hiện sự ủng hộ đối với động thái tương tự của Ukraine. Nỗ lực xin gia nhập EU của các nước diễn ra trong bối cảnh Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Thủ tướng Gruzia Irakli Garibashvili ngày 3-3 cho biết nước này đã chính thức nộp đơn xin làm thành viên EU. Ông Garibashvili phát biểu sau khi ký đơn rằng Gruzia là một quốc gia châu Âu và tiếp tục có những đóng góp giá trị trong việc bảo vệ và phát triển châu lục.

Thủ tướng Gruzia Garibashvili ký đơn xin gia nhập EU hôm 3-3. Ảnh: civil.ge

Cùng ngày, Tổng thống Moldova Maia Sandu cũng đã ký đơn chính thức đề nghị gia nhập EU và lá đơn sẽ được gửi tới Brussels trong những ngày tới. Phát biểu họp báo, bà Sandu khẳng định Moldova mong muốn được sống trong hòa bình, dân chủ và tự do.

Sau khi gửi đơn xin gia nhập hồi đầu tuần này, Ukraine đã nhận được ủng hộ mạnh mẽ từ Nghị viện châu Âu, cụ thể hóa bằng một nghị quyết không mang tính ràng buộc. Nghị quyết kêu gọi các thể chế của EU cùng phối hợp để trao tư cách ứng viên EU cho Kiev. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky muốn được đặc cách xét duyệt nhanh tư cách thành viên, lấy lý do Nga đang mở chiến dịch quân sự đặc biệt trên lãnh thổ nước này.

Lý do cầu viện EU

Trở thành thành viên EU có ý nghĩa quan trọng đối với các cuộc đàm phán trong tương lai giữa Ukraine và Nga. Tư cách thành viên EU có thể hỗ trợ Ukraine về mặt quân sự vì các nước EU bị ràng buộc bằng hiệp ước phòng thủ chung, yêu cầu các thành viên khác giúp đỡ nếu một nước “đối mặt với hành động tấn công có vũ trang trên lãnh thổ của mình”. Hơn nữa, gia nhập khối cũng sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế Ukraine và giúp Kiev có thêm những lợi ích bổ sung khác như tự do đi lại trong toàn khối cùng một loạt những đặc quyền được cấp riêng cho công dân EU.

Ukraine hiện chưa được công nhận là ứng viên chính thức cho tư cách thành viên EU, dù quốc gia này là một phần của thỏa thuận liên kết với EU.

Tương tự Ukraine, Gruzia cũng đã ký thỏa thuận liên kết với EU.

Gruzia hay Moldova hiện hoàn toàn không phải là đối tác được EU dành ưu tiên hàng đầu về trợ giúp chính trị, kinh tế, tài chính và quân sự, nhưng cả hai đều có lý do xác đáng để đòi hỏi. Gruzia và Moldova đều là những nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây như Ukraine và đều có vấn đề liên quan ly khai: các vùng Nam Ossetia và Abkhazia đối với Gruzia và Transnistria đối với Moldova. Năm 2008, Nga từng can thiệp quân sự vào Gruzia với lý do bảo vệ cộng đồng người Nga thiểu số sống tại Nam Ossetia và Abkhazia. Khi cuộc chiến 5 ngày kết thúc, Nga bắt đầu chính thức công nhận độc lập của 2 vùng ly khai này.

Con đường gập ghềnh phía trước

Sau khi nộp đơn xin gia nhập, các quốc gia phải trải qua quy trình xét duyệt thành viên phức tạp và tốn nhiều thời gian. Chính phủ các nước còn cần thực thi một loạt cải cách theo tiêu chuẩn chính trị và kinh tế của EU. Nhưng quan trọng nhất, toàn bộ quá trình phụ thuộc vào ý chí chính trị của 27 quốc gia thành viên. Ngay cả khi Ủy ban châu Âu là bên dẫn dắt và đặt nền móng cho các cuộc đàm phán, việc tất cả các thành viên có “bật đèn xanh” để ứng viên gia nhập không vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Yêu cầu đồng thuận này đã được chứng minh là trở ngại thường trực đối với nỗ lực mở rộng của EU. Hiện còn 5 quốc gia đang là ứng viên chính thức xin gia nhập EU gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Albania, Bắc Macedonia, Serbia và Montenegro. Hồ sơ xét duyệt cho các quốc gia này kéo dài đã hơn 10 năm qua. Bulgaria đang ngăn cản các cuộc đàm phán gia nhập EU của Bắc Macedonia và Albania do bất đồng liên quan đến lịch sử, ngôn ngữ. Trong khi đó, Montenegro, Serbia và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn bị mắc kẹt trong các cuộc đàm phán không có nhiều đột phá. Thổ Nhĩ Kỳ đã nỗ lực xin gia nhập EU từ năm 1987 nhưng vẫn chưa thành công.

EU, một liên minh chính trị và kinh tế, được thành lập theo Hiệp ước Maastricht vào ngày 1-1-1993 trên cơ sở Cộng đồng châu Âu (EC). EU đã mở rộng nhiều lần. Vào năm 1995, Áo, Thụy Điển và Phần Lan gia nhập EU, khiến khối lần đầu tiên có chung đường biên giới với Nga. Đến năm 2016, EU trải qua cú sốc khi Vương quốc Anh bỏ phiếu trưng cầu dân ý rời khỏi khối. “Vụ ly hôn” Brexit cuối cùng được hoàn tất vào năm 2020 và EU hiện có 27 quốc gia thành viên.

Chia sẻ bài viết