10/03/2011 - 10:32

Thiếu nguyên liệu chế biến thủy sản

Nhiều nhà máy hoạt động cầm chừng

Theo phản ánh của các doanh nghiệp (DN) chế biến thủy sản ở TP Cần Thơ và khu vực ĐBSCL, hiện các nhà máy chế biến cá tra, tôm đang thiếu nguyên liệu trầm trọng, do chưa đến thời vụ thu hoạch. Trong khi chi phí đầu vào tăng, lãi suất ngân hàng đang ở mức cao, nhiều nhà máy phải hoạt động cầm chừng, cho công nhân nghỉ luân phiên. Tình trạng thiếu nguyên liệu này có thể còn kéo dài và nhiều nhà máy chế biến chưa dám đưa ra nhận định lạc quan về diễn biến của tình hình nguồn nguyên liệu trong thời gian tới.

Thiếu nguyên liệu trầm trọng

Lãnh đạo một DN chế biến cá tra xuất khẩu ở khu công nghiệp Trà Nóc cho biết, tất cả các nhà máy chế biến cá tra khu vực ĐBSCL đang thiếu nguyên liệu trầm trọng. Mặc dù tỉ giá USD/VND được điều chỉnh tăng 9,3%, DN xuất khẩu được hưởng lợi từ chênh lệch tỉ giá, nhưng hiện chi phí đầu vào đã tăng đáng kể, nhiều DN thu không đủ bù chi, phải hoạt động cầm hơi, chờ qua cơn khó. Vị lãnh đạo này tính toán, giá bán cá tra phi lê thịt trắng được khách hàng chào mua ở mức 3- 3,05USD/kg, cá phi lê thịt đỏ cũng chỉ 2-2,1USD/kg, giá bán này tăng khoảng 18-20% so với tháng 10-2010. Trong khi giá thành sản xuất của 1kg cá tra phi lê thịt trắng, đã 3,15USD, do giá cá tra nguyên liệu hiện tăng 60% (so với giữa năm 2010) và hiện ở mức 25.500- 26.000 đồng/kg, rồi giá xăng dầu tăng đã đội chi phí vận chuyển tăng thêm 12%, điện năng tiêu thụ cũng tăng hơn 10%, lãi suất ngân hàng khoảng 20%/năm... đã vượt quá mức chịu đựng của DN. Một nhà máy công suất chế biến trung bình 100 tấn/ngày, nếu hoạt động hết công suất sẽ phải bù thêm chi phí vài tỉ đồng/tháng. Nếu tình trạng kéo dài, nhà máy sẽ tạm dừng hoạt động,chờ qua cơn khó.

Thiếu nguyên liệu, nhiều nhà máy chế biến cá tra hoạt động cầm chừng. Ảnh: T, HÀ 

Mặc dù tình trạng thiếu nguyên liệu đã được dự báo từ cuối năm 2010. Song, theo đánh giá của ngành chức năng, đa phần nhà máy chế biến cá tra ở ĐBSCL hoạt động không đủ nguồn nguyên liệu, nhà máy xây dựng được nguồn nguyên liệu cũng chỉ chủ động được 50- 60% công suất chế biến. Trong tình hình khó khăn về nguồn nguyên liệu, nhà máy nào có vùng nguyên liệu có thể cầm cự được vài tháng, chờ đến kỳ thu hoạch. Còn hiện tại, hầu hết phải giảm công suất chế biến xuống còn 50-60% công suất thiết kế. Chẳng hạn Công ty TNHH Công nghiệp thủy sản miền Nam (SouthVina) đang hoạt động chỉ 50% công suất, nhà máy có công suất 100 tấn cá tra nguyên liệu/ngày, giờ chỉ chế biến 40 tấn/ngày. Thiếu nguyên liệu chế biến, nên hơn 1.000 công nhân của Southvina phải cắt ca luân phiên nghỉ, giữ chân lao động lành nghề.

Các nhà máy chế biến tôm, tình trạng thiếu nguyên liệu đã xuất hiện từ giữa năm 2010 do diện tích nuôi giảm. Giá tôm nguyên liệu liên tục tăng, trong khi vụ tôm sú 2011 mới khởi động hơn tháng qua. Ông Phạm Ngọc Truyền, Phó giám đốc Công ty TNHH thực phẩm xuất khẩu Nam Hải (KCN Trà Nóc, TP Cần Thơ), nói: “Tháng 1-2011, công ty chế biến xuất khẩu hơn 260 tấn sản phẩm tôm (tôm sushi, Nobashi...), đạt giá trị 3,5 triệu USD. Sang tháng 2, chỉ hoạt động cầm chừng do nguồn nguyên liệu đang cạn dần”. Theo ông Truyền, đầu tháng 3-2011, các nhà máy bắt đầu khởi động trở lại, nhưng tình trạng thiếu nguyên liệu ảnh hưởng rất lớn đến việc đàm phán hợp đồng xuất khẩu của các DN.

Thách thức trước bài toán tăng trưởng

Thống kê của Ban quản lý Các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, tháng 2-2011, ước tổng doanh thu các DN đang hoạt động đạt trên 135,3 triệu USD, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2010. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt hơn 96,3 triệu USD, tăng 1,23% so với cùng kỳ; xuất khẩu ước đạt 51,55 triệu USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ. Mặc dù thị trường nhập khẩu đang vào mùa thấp điểm, nhu cầu không tăng đột biến, nhưng việc thiếu nguyên liệu chế biến, cùng với chi phí đầu vào tăng đã đẩy các DN chế biến thủy sản rơi vào tình thế khó khăn khi phải vừa duy trì sản xuất, vừa đảm bảo đời sống công nhân lao động, còn phải cắt giảm tối đa chi phí không cần thiết nhằm ứng phó với vật giá leo thang.

Theo lãnh đạo một DN chế biến cá tra xuất khẩu, các DN vì thiếu nguyên liệu đã tranh mua cá, đẩy giá cá tra nguyên liệu lên cao ngất ngưởng. Còn lãnh đạo DN chế biến tôm xuất khẩu cho rằng, phải tính toán chiến lược, giá cả sao cho sản phẩm không bị đội giá lên quá cao. Trong khi nếu nhập nguyên liệu chế biến vào thời điểm này là không phù hợp, vì việc bù đắp chi phí đầu vào sẽ khó khăn khi giá nhập khẩu đã tăng đáng kể theo tỉ giá. Giải pháp hiện tại mà các DN chế biến thủy sản chọn lựa là giãn sản xuất, một mặt giữ chân lao động, mặt khác tìm giải pháp khả thi để mở rộng thị trường xuất khẩu khi nguồn nguyên liệu dồi dào trở lại.

Theo ngành công thương thành phố Cần Thơ, giá trị sản xuất công nghiệp thành phố trong tháng 2-2011 ước thực hiện trên 1.387 tỉ đồng, giảm 22,6% so với tháng 1-2011, nhưng tăng 11,3% so cùng kỳ. Hai tháng, giá trị sản xuất công nghiệp của các DN trên địa bàn thực hiện trên 3.302 tỉ đồng, đạt 14,4% kế hoạch năm và tăng 10,8% so cùng kỳ. Trong đó, công nghiệp ngoài quốc doanh hơn 2.668 tỉ đồng, đạt gần 14% kế hoạch năm và tăng 11,7% so với cùng kỳ. Ông Dương Nghĩa Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ cho rằng, thị trường nhập khẩu hiện đang giảm cầu, DN chủ động giãn sản xuất. Trước tình hình chi phí đầu vào tăng, ngành công thương sẽ tập trung hướng dẫn các DN sử dụng điện năng hiệu quả, tiết giảm chi phí và bảo toàn vốn sản xuất trong khó khăn.

Giữ vững tăng trưởng là vấn đề thách thức đặt ra cho các ngành chức năng hiện nay. Tuy nhiên, ngành công thương thành phố Cần Thơ cũng như các tỉnh ĐBSCL vẫn lạc quan về tăng trưởng. Bởi ngành thủy sản chỉ thực sự sôi động phải từ quý III/2011 đến cuối năm. Dù giá trị sản xuất công nghiệp đang chựng lại, nhưng việc đạt kế hoạch đề ra trong năm sẽ không khó, do thị trường xuất khẩu đang thuận lợi.

THU HÀ - CHÍ THIỆN

Chia sẻ bài viết