13/07/2017 - 15:59

Tai nạn thương tích ở trẻ em

Nhiều nguy cơ rình rập

TTH.VN - Trẻ con vốn tinh nghịch nhưng chưa có đủ khả năng, ý thức bảo vệ mình và phòng tránh những rủi ro nên dễ gặp phải những tai nạn đáng tiếc.

Trẻ con vốn tinh nghịch nhưng chưa có đủ khả năng, ý thức bảo vệ mình và phòng tránh những rủi ro nên dễ gặp phải những tai nạn đáng tiếc. Các thương tích ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển thể chất lẫn tinh thần cho trẻ. Người lớn hãy luôn đề cao cảnh giác, bảo vệ trẻ trước những nguy cơ này...

* Gần 10-15 trẻ gãy xương nhập viện/ngày

Chị T.Tuyền ở phường Trà Nóc, quận Bình Thủy, đang ôm con gái trên tay dỗ dành. Trên mặt cháu gái 4 tuổi đầy những vết trầy xước, mắt, mũi, miệng đều sưng to, tím bầm. Một cánh tay, một chân bé bị bó bột vì bị gãy xương. Chị T.Tuyền kể: “Cách đây mấy ngày, tôi có nhờ người cô rước cháu đi học về giùm. Trên đường về, xe của hai cô cháu va quẹt với một xe máy khác nên cháu ra nông nổi đó. Con tôi được đưa vào Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ để cấp cứu, đến nay đã khá hơn nhiều”.

 

Bác sĩ Khoa Ngoại Bệnh viện Nhi đồng đang khám cho trẻ bị tai nạn do va quẹt xe. Ảnh: THU SƯƠNG 

Cùng phòng bệnh với con chị T.Tuyền, cháu Mai, 9 tuổi, ở huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, cũng bị tai nạn giao thông trên đường đi học về nhà bằng xe đạp. Lúc đó, cha mẹ cháu Mai đi làm đồng vẫn chưa về, một số người đi đường đã nhanh chóng đưa cháu Mai đến bệnh viện huyện. Qua kiểm tra, bác sĩ của bệnh viện chẩn đoán cháu Mai bị giập lá lách nên chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ.

Một trường hợp tai nạn thương tích khác cũng khá hy hữu. Cháu Phú Quý, ở phường Trà Nóc, quận Bình Thủy bị ngã từ con ngựa trên mâm xoay dẫn đến gãy xương cánh tay. Chị Thanh Nga, mẹ cháu Quý, cho biết: “Chiều thứ sáu, vợ chồng tôi chở con đi chơi ở một khu vui chơi trên địa bàn quận. Đang ngồi trên mâm xoay thì đột nhiên cháu bị ngã từ con ngựa xuống đất. Quan sát kỹ lại thì tôi thấy mâm hơi nghiêng, không có dây đai an toàn. Vợ chồng lập tức đưa con đến Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ. Sau 6 ngày theo dõi, bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật xương cho cháu”.

Theo thống kê của các bác sĩ Khoa Ngoại Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 10 - 15 bệnh nhi bị gãy xương từ nhẹ đến nặng. Bình quân mỗi tháng bệnh viện tiếp nhận khoảng 20 bệnh nhi bị bỏng; 2 - 3 bệnh nhi bị chấn thương sọ não kèm một số chấn thương khác. Theo các bác sĩ Khoa Ngoại của bệnh viện, tai nạn thường gặp ở trẻ là tai nạn sinh hoạt, ngã, va quẹt trong tai nạn giao thông, bỏng do tiếp xúc nước sôi hay điện giật, té sông, rắn cắn, uống phải thuốc bảo vệ thực vật..., dẫn đến những hậu quả như: gãy xương, chấn thương bụng kín, chấn thương sọ não, phỏng, ngạt nước, ngộ độc... Đặc biệt, mùa hè số trẻ bị các tai nạn thương tích lại tăng cao do trẻ được nghỉ học ở nhà nhưng thiếu sự kiểm soát của cha mẹ. Ngoài ra, thời điểm mùa nước lớn (khoảng tháng 9, 10 âm lịch) có nhiều trẻ bị rắn cắn, ngạt nước do té sông hay tắm sông nhưng không có người lớn trông coi.

Bác sĩ Trần Văn Dễ, Trưởng khoa Ngoại Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, phân tích: “Trẻ em ở nông thôn thường gặp tai nạn thương tích nhiều hơn trẻ em ở thành thị, chiếm khoảng 60% tổng số trẻ em nhập viện tại Khoa Ngoại. Nguyên nhân chủ yếu là do cha mẹ đi làm đồng, không người trông coi các cháu, nhất là mùa hè. Ý thức về giao thông của trẻ em nông thôn còn kém, kênh rạch ở khu vực nông thôn nhiều, trẻ em nông thôn thường hay tắm sông, đi bắt tôm cá mùa lũ, sự bất cẩn trong sinh hoạt của người lớn... là những yếu tố nguy cơ dẫn đến tai nạn thương tích luôn rình rập trẻ em”.

* Bảo vệ trẻ trước những nguy cơ...

Theo các bác sĩ Khoa Ngoại Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, việc sơ cứu ban đầu đúng cách góp phần tích cực cho hiệu quả điều trị các tai nạn thương tích ở trẻ. Trường hợp không được sơ cứu, sơ cứu không đúng cách có thể làm cho tình trạng thương tích của bệnh nhi nặng hơn, thậm chí một số trường hợp tử vong khi chưa kịp đưa đến bệnh viện. Tùy từng thương tích và nguyên nhân gây thương tích mà có cách sơ cứu, xử trí khác nhau.

Các bác sĩ khuyến cáo, đối với trường hợp bỏng, người nhà nên dùng nước sạch xối lên vùng phỏng nhiều lần. Tuyệt đối không dùng bất cứ chất gì khác thoa lên vết phỏng của trẻ và nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện. Nếu trẻ bị rắn cắn, người lớn nên rửa sạch vết thương cho trẻ bằng ôxy già. Sau đó, dùng dây ga-rô buộc chặt phần trên vết cắn khoảng 3cm để khống chế không cho nọc độc lan tỏa. Nếu có thể hãy đập chết con rắn đã cắn trẻ, mang theo đến bệnh viện để bác sĩ nhận biết loại rắn và có phương pháp điều trị chính xác. Khi trẻ bị điện giật, người gần nhất lập tức cúp cầu dao điện, dùng cây khô, không dẫn điện để lấy dây điện ra khỏi người bé. Sau đó, sơ cấp cứu cho bé bằng cách hô hấp nhân tạo và xoa bóp tim ngoài lồng ngực, hút hết đàm nhớt trong mũi, miệng để khai thông đường thở cho trẻ. Với trường hợp trẻ bị ngạt nước do té sông thì phải dốc ngược trẻ để cho nước trong đường hô hấp thoát ra, rồi đặt nạn nhân nằm nghiêng, lấy đàm nhớt ra khỏi miệng, làm hô hấp nhân tạo cho trẻ. Tiếp theo là lau khô, thay quần áo cho trẻ rồi đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

Bác sĩ Trần Văn Dễ, Trưởng khoa Ngoại Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, khuyên: “để phòng tránh các tai nạn thương tích có thể bất ngờ xảy ra, các gia đình nên quản lý chặt chẽ, không cho các em ra khỏi cổng rào của gia đình khi không có người lớn trông coi. Không để các em leo cây, một mình tắm sông trong mùa nước nổi, để xa tầm tay trẻ em tất cả những dụng cụ có thể gây thương tích cho trẻ như: nước sôi, ổ cắm, phích điện, vật sắc nhọn, thuốc, thuốc bảo vệ thực vật, hạn chế để trẻ nhỏ chạy xe đạp một mình ở các tuyến đường có nhiều xe tham gia giao thông...”

THU SƯƠNG - SONG KIM

Chia sẻ bài viết