02/12/2013 - 20:24

Nhiều hoạt động chăm lo cho học sinh, sinh viên dân tộc Khmer

Bên cạnh chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước đối với học sinh, sinh viên (HSSV) dân tộc thiểu số nói chung, dân tộc Khmer nói riêng, TP Cần Thơ và các trường học còn có nhiều hoạt động chăm lo cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn. Sự quan tâm hỗ trợ này đã tiếp thêm động lực để HSSV dân tộc vượt khó, học tốt...

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ Lê Hùng Dũng trao kinh phí hỗ trợ học tập cho các HSSV dân tộc thiểu số ở TP Cần Thơ. 

Trong không khí ấm cúng của buổi họp mặt, trao kinh phí hỗ trợ học tập cho các HSSV dân tộc thiểu số TP Cần Thơ, năm học 2013-2014, do Ban Dân tộc TP Cần Thơ tổ chức tại Hội trường Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Cần Thơ vừa qua, bạn Đào Mai Nhi, học sinh Trường Trung cấp Thể dục Thể thao Cần Thơ, xúc động nói: "Dù gia đình đã cố gắng lo cho tôi ăn học nhưng vẫn không thể vượt nghèo khó. Phần hỗ trợ kinh phí học tập này sẽ giúp tôi phấn đấu học tốt hơn". Tương tự, bạn Dương Thị Tuyết Trinh, ở ấp Thới Hòa B, thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, sinh viên Trường Đại học Tây Đô, bộc bạch: "Cha mẹ cực khổ lắm mới có thể lo cho tôi ăn học. Vì thế, tôi sẽ cố gắng vượt khó để học tốt. Bên cạnh tôi còn có sự quan tâm của gia đình và Nhà nước, nên rất an tâm học tập". Dù không phải HSSV xuất sắc của trường nhưng Nhi và Trinh đều có thành tích tốt trong học tập, rèn luyện.

Bà Liêu Thị Xsên (ở xã Thới Lai, huyện Thới Lai), phụ huynh em Liêu Minh, SV Trường Cao đẳng Cần Thơ, xúc động nói: "Nghe thằng Minh nói nhận được quà, tôi mừng lắm! Hồi đó đến giờ, tôi chưa từng có được cục tiền (3 triệu đồng-PV) như vậy để cho con. Tôi chỉ lo cho con khoảng 300.000 – 400.000 đồng/tháng. Mỗi lần thấy con ăn mì gói để tiết kiệm, tôi thương con lắm mà chẳng làm gì được". Theo bà Xsên, gia đình bà thuộc hộ cận nghèo, chỉ có 3 công ruộng. Mấy năm gần đây, làm ruộng lại thất nên vợ chồng bà Xsên phải làm thuê, làm mướn thêm để có tiền lo hai con ăn học (em trai Minh đang học lớp 4). Hằng ngày, chồng bà Xsên phải làm thêm nghề bốc vác, còn bà Xsên cố gắng tìm nhiều việc làm thêm. Ý thức được sự vất vả của cha mẹ nên dù khó khăn nhưng Minh rất chịu khó học tốt.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là bà con dân tộc Khmer nói chung, HSSV dân tộc Khmer nói riêng. Theo ông Lý Xinh, Phó Ban Dân tộc TP Cần Thơ, lãnh đạo thành phố thực hiện công tác hỗ trợ kinh phí học tập cho HSSV dân tộc thiểu số từ năm 2007 và được Ban Dân vận Thành ủy tổ chức thực hiện từ năm học 2007-2008. Đối tượng được nhận hỗ trợ là những HSSV dân tộc thiểu số nói chung, dân tộc Khmer nói riêng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, con của người có công với cách mạng đang theo học tại các trường trung cấp nghề (chính quy), cao đẳng, đại học, có hộ khẩu thường trú tại TP Cần Thơ. Từ năm học 2007-2008 đến năm học 2012-2013, ngân sách thành phố chi hỗ trợ cho 385 lượt HSSV dân tộc thiểu số (với số tiền 1 tỉ 155 triệu đồng), qua đó giúp HSSV có điều kiện học tập ngày càng tốt hơn.

Bên cạnh sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, tại các trường cao đẳng, đại học ở TP Cần Thơ, lãnh đạo các trường còn có nhiều hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, giúp HSSV dân tộc Khmer vui chơi, học tập tốt. Đơn cử như Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, nhiều năm qua, năm nào, trường cũng tổ chức nhiều chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ; các hoạt động đội, nhóm thể dục - thể thao chào mừng các ngày lễ, Tết để tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho sinh viên. Không chỉ thế, lãnh đạo trường còn vận động các đơn vị, tổ chức, nhà hảo tâm đóng góp gây quỹ học bổng cho sinh viên dân tộc. Cán bộ Phòng Công tác sinh viên của trường thường xuyên cập nhật, hướng dẫn các thủ tục cho SV tiếp cận nhiều nguồn học bổng khác nhau. Tương tự, tại Trường Đại học Cần Thơ, hằng năm, trường đều tổ chức hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ cho SV Khmer vào dịp lễ Ok-Om-Bok, Chôl Chnăm Thmây,… Qua thống kê, hiện trường có khoảng 2.000 sinh viên dân tộc thiểu số (trong đó có hơn 1.600 sinh viên dân tộc Khmer) theo học. Theo ông Vũ Viết Châu, Phó Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Cần Thơ, hằng năm, vào các ngày lễ, Tết, Ban Quản lý Ký túc xá đều tổ chức hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ tạo không khí vui tươi cho các SV, sau những giờ học căng thẳng. Những SV dân tộc Khmer có nguyện vọng vào ở ký túc xá của trường đều được ưu tiên xét chọn và trợ cấp theo quy định của Nhà nước.

Thực tế ở TP Cần Thơ cho thấy, các đơn vị có nhiều cố gắng chăm lo cho HSSV dân tộc thiểu số nói chung, dân tộc Khmer nói riêng học tốt. Thế nhưng, sự chăm lo này chỉ đáp ứng một phần, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của HSSV. Phát biểu tại buổi họp mặt, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ Lê Hùng Dũng, cho rằng, hiện nay, ở các trường Phổ thông dân tộc, bệnh viện có đồng bào dân tộc có rất ít giáo viên, bác sĩ là con em đồng bào dân tộc Khmer. Điều này cho thấy, nguồn nhân lực chất lượng trong đồng bào dân tộc còn hạn chế. Vì thế, các HSSV dân tộc Khmer cần nỗ lực hơn nữa trong học tập, rèn luyện và tự tin hơn trong cuộc sống để vươn lên thoát nghèo, cống hiến trí lực cho sự phát triển chung của thành phố. Các HSSV dân tộc Khmer sẽ là tuyên truyền viên hữu hiệu, thúc đẩy phong trào học tập cũng như duy trì, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Các cấp, các ngành thành phố sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi hơn nữa, để hỗ trợ HSSV dân tộc vượt khó, học tốt.

Bài, ảnh: Đ.NGỌC

Chia sẻ bài viết