05/10/2018 - 20:48

Nhiều hệ lụy do mất cân bằng giới tính khi sinh 

Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ), Việt Nam sẽ sớm phải đối mặt với tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Mặc dù ở nước ta tình trạng này diễn ra muộn, nhưng với tốc độ gia tăng nhanh, kéo theo rất nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến sự phát triển xã hội.

Theo các nghiên cứu, cứ 100 bé gái được sinh ra thì sẽ có khoảng 103-107 bé trai được sinh ra. Tỷ lệ này ổn định qua thời gian, giữa các châu lục, quốc gia, khu vực và chủng tộc. Bất kỳ sự thay đổi đáng kể nào của tỷ suất giới tính khi sinh chênh lệch khỏi mức sinh học bình thường đều phản ánh những can thiệp có chủ ý và sẽ làm ảnh hưởng đến sự mất cân bằng tự nhiên, đe dọa sự ổn định dân số toàn cầu.

Lựa chọn giới tính thai nhi dẫn đến nhiều hệ lụy khôn lường trong tương lai. Ảnh minh họa: Bác sĩ BV Phụ sản TP Cần Thơ chăm sóc cho trẻ sơ sinh. Ảnh:CTV

Bác sĩ Mai Xuân Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông-giáo dục, Tổng cục Dân số - KHHGĐ, cho biết, mất cân bằng giới tính khi sinh xảy ra khi tỷ số giới tính nam khi sinh lớn hơn 107 hoặc nhỏ hơn 103 so với 100 trẻ nữ. Mất cân bằng giới tính ở Việt Nam xảy ra muộn nhưng tốc độ gia tăng nhanh, để lại nhiều hậu quả nặng nề. Tình trạng mất cân bằng tập trung cao ở phía Bắc đã dịch chuyển vào miền Trung và lan đến vùng Đông Nam bộ.

Điều đáng chú ý là tỷ số giới tính khi sinh cao ở những gia đình có kinh tế khá giả, ở những phụ nữ có trình độ học vấn cao và mức sinh thấp. Tỷ số giới tính khi sinh thấp nhất (105 bé trai/100 bé gái) ở nhóm 20% dân số nghèo nhất và tăng dần khi mức sống được nâng lên: ở ba nhóm dân cư giàu nhất, tỷ số giới tính khi sinh lên tới 112 bé trai/100 bé gái. Đặc biệt, ở nhóm 20% dân số giàu nhất, trong lần sinh thứ 3 trở lên, có tỷ số giới tính khi sinh lên tới 133 bé trai/100 bé gái. Kết quả thống kê trên cho thấy, người càng giàu và có trình độ học vấn cao, càng quan tâm đến lựa chọn giới tính thai nhi, do có nhiều lợi thế về điều kiện kinh tế để tiếp cận các tiến bộ của khoa học kỹ thuật.

Tình trạng gia tăng tỷ số giới tính khi sinh dẫn tới nhiều hệ lụy, trước hết là tình trạng thừa nam giới và thiếu phụ nữ trong độ tuổi kết hôn, dẫn tới tan vỡ cấu trúc gia đình. Theo dự báo, tùy mức độ can thiệp mà đến năm 2050, chênh lệch giữa số lượng nam và nữ ở nước ta từ 2,3 triệu đến 4,3 triệu người. Một vấn đề nghiêm trọng khác, chính là nguy cơ gia tăng tình trạng bất bình đẳng giới, tình trạng bạo hành giới, tình trạng buôn bán phụ nữ.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, nguyên nhân cơ bản dẫn tới gia tăng tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam trong thời gian gần đây và có xu hướng tăng tiếp tục, do nước ta ảnh hưởng tư tưởng trọng nam khinh nữ. Ngoài ra, do chuẩn mực hiện nay mỗi cặp vợ chồng chỉ có 2 con đã tạo áp lực khiến họ vừa mong muốn có ít con lại vừa mong muốn có con trai, là lý do khiến họ chủ động tìm kiếm các dịch vụ lựa chọn giới tính khi sinh. Ngoài ra, nhiều cặp vợ chồng lạm dụng tiến bộ của khoa học công nghệ để thực hiện lựa chọn giới tính trước sinh. Thế nên, mặc dù Pháp lệnh Dân số đã có quy định nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức, tuy nhiên, thực tế việc thực hiện các quy định chưa nghiêm.

Nhằm giảm thiểu những hệ lụy của tình trạng gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, theo bác sĩ Mai Xuân Phương, các giải pháp chính mà ngành dân số đề ra trong thời gian tới, bao gồm, truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi, từ cấp quản lý của chính quyền các cấp cũng như truyền thông sâu rộng đến cộng đồng. Đẩy mạnh giáo dục về giới và bình đẳng giới trong và ngoài nhà trường để định hình vững chắc các giá trị bình đẳng giới cho giới trẻ, đồng thời, thúc đẩy, xây dựng môi trường đề cao bình đẳng giới, loại trừ nguyên nhân sâu xa của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Bên cạnh đó, thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ để nâng cao vai trò, vị thế của trẻ em gái và phụ nữ nói chung. Đặc biệt, nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật về nghiêm cấm các hình thức lựa chọn giới tính thai nhi, thông qua nâng cao tinh thần trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp, tuân thủ các quy định của pháp luật cho đội ngũ cán bộ y tế. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm các quy định về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi.

Pháp lệnh Dân số năm 2003, tại khoản 2 Điều 7, quy định, Nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức. Nghị định số 104/2003/NĐ-CP, tại Điều 10, nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi, bao gồm việc cấm tuyên truyền, phổ biến phương pháp tạo giới tính thai nhi dưới các hình thức như tổ chức nói chuyện, viết, dịch, nhân bản các loại sách, báo, tài liệu, tranh, ảnh, ghi hình, ghi âm, cũng như cấm tàng trữ, lưu truyền tài liệu, phương tiện và các hình thức tuyên truyền, phổ biến khác về phương pháp tạo giới tính thai nhi; cấm chẩn đoán để lựa chọn giới tính thai nhi bằng các biện pháp như xác định qua triệu chứng, bắt mạch; xét nghiệm máu, gien, nước ối, tế bào; siêu âm; cấm loại bỏ thai vì lý do lựa chọn giới tính bằng các biện pháp phá thai, cung cấp, sử dụng các loại hóa chất, thuốc và các biện pháp khác.

Ngoài ra, còn có Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế cũng quy định nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi. Theo Nghị định này, từ Điều 81 đến Điều 84, quy định, mức phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 20 triệu đồng cùng nhiều hình thức xử phạt bổ sung khác, đối với các hành vi vi phạm quy định về tuyên truyền, phổ biến, tư vấn phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn, hành vi chẩn đoán, xác định giới tính thai nhi, vi phạm quy định về lựa chọn giới tính thai nhi, hành vi loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính…

THU SƯƠNG (lược ghi)

Chia sẻ bài viết