30/10/2009 - 20:20

THỊ TRƯỜNG SẢN PHẨM ĐIỆN TỬ, ĐIỆN MÁY

Nhiều cơ hội mua sắm cho người tiêu dùng

Trên thị trường, giá nhiều mặt hàng điện tử, điện máy đang giảm mạnh.

Nhiều tháng qua, giá các sản phẩm điện tử, điện máy tại các trung tâm, siêu thị điện máy ở TP Cần Thơ liên tục giảm. Có nhiều nguyên nhân khiến giá bán lẻ mặt hàng này giảm mạnh kể từ 2-3 năm trở lại đây như: giảm thuế suất theo cam kết Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (CEPT/AFTA), quy luật cung-cầu, sự thay đổi của công nghệ... Đặc biệt, kể từ đầu tháng 10, Hiệp định đối tác kinh tế Việt-Nhật (VJEPA) chính thức có hiệu lực đang tạo ra sự kỳ vọng sản phẩm điện tử, điện máy cuối năm 2009 sẽ có nhiều thay đổi về giá...

GIÁ GIẢM 30-50%

Nếu như cách đây khoảng 1 năm, giá bán một cái ti-vi LCD 32 inches thấp nhất cũng phải 15-18 triệu đồng/cái, nay giá đã giảm chỉ còn 5,9 triệu đồng/cái với rất nhiều nhãn hàng có tiếng trên thị trường như: LG, Samsung, Panasonic, Sony... Giá máy vi tính xách tay dao động khoảng 15-18 triệu đồng/cái, thì nay cũng giảm xuống chỉ còn 7,9 triệu đồng/cái. Ngoài ra, nhóm máy chụp ảnh kỹ thuật số trước đây có giá thấp nhất cũng phải ở mức 3,8-4,8 triệu đồng/cái thì nay người tiêu dùng chỉ cần bỏ ra trên dưới 2 triệu đồng/cái là có thể sắm ngay được sản phẩm có độ phân giải cao. Giá bán những mặt hàng này giảm mạnh là do sự điều chỉnh giảm thuế theo lộ trình, quy luật cung-cầu của thị trường, sự thay đổi của công nghệ...

Không ít người đang có kỳ vọng Hiệp định đối tác kinh tế Việt-Nhật (VJEPA) có hiệu lực sẽ giúp hàng hóa (trong đó có nhóm hàng điện tử, điện máy) có nguồn gốc xuất xứ từ Nhật Bản vào thị trường Việt Nam rẻ hơn do được miễn, giảm thuế theo lộ trình VJEPA. Tuy nhiên, Hiệp định này không tác động nhiều đến giá bởi phần lớn nhóm hưởng thuế suất 0% là nhóm nguyên liệu sản xuất, công cụ phục vụ nghiên cứu... Một vài mặt hàng tiêu dùng thuế có giảm, nhưng có lộ trình kéo dài rất nhiều năm, mức giảm lại không đáng kể nên không tạo được sự thay đổi lớn về giá cả. Theo ý kiến của một số hãng điện tử và nhà phân phối, bán lẻ ở Việt Nam, thì giá mặt hàng này giảm mạnh trong thời gian vừa qua không phải do tác động từ việc giảm thuế VJEPA. Nguyên nhân chính là do mặt hàng điện tử điện máy hiện đang có áp lực cạnh tranh rất lớn giữa các hãng sản xuất, lắp ráp, sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ... sẽ càng làm cho giá bán các nhóm sản phẩm này đang trở nên rẻ hơn so với những năm trước.

Chỉ còn khoảng hơn 1 tháng nữa là thị trường điện máy sẽ bước vào mùa kinh doanh cao điểm cuối năm. Tuy nhiên, giới kinh doanh vẫn đánh giá mùa kinh doanh cuối năm 2009 vẫn còn gặp nhiều khó khăn đối với nhóm hàng điện tử, điện máy. Theo quy luật hằng năm, sức mua hàng sẽ tăng theo cấp số cộng vào cuối năm. Năm nay, giá tiếp tục giảm, nhưng sức mua các mặt hàng điện tử, điện máy nói chung đã giảm đáng kể. Những yếu tố tác động đến xu hướng giảm giá hiện nay là do nhiều mặt hàng trên thị trường thế giới đang giảm mạnh, nguồn cung lớn trong khi các mặt hàng này lại đang dồi dào, người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu do kinh tế khó khăn. Mặc dù từ đầu năm đến nay, giới kinh doanh điện máy liên tiếp “hâm nóng” thị trường bằng hàng loạt sự kiện khuyến mãi giảm giá lớn, sức tiêu thụ được cải thiện đáng kể, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với cùng thời điểm này những năm trước.

Dự báo của giới kinh doanh, sức tiêu thụ chủ lực của thị trường điện máy mùa kinh doanh cao điểm cuối năm 2009 vẫn là nhóm ti-vi màn hình tinh thể lỏng (LCD), máy quay phim, máy chụp hình kỹ thuật số, máy vi tính xách tay. Mặc dù đã có nhiều nhà sản xuất, phân phối, nhưng các mặt hàng này vẫn là chủ lực do giá bán các sản phẩm này đang ngày càng rẻ hơn, người tiêu dùng có nhiều cơ hội lựa chọn hơn, nên nhu cầu thị trường sẽ còn tiếp tục gia tăng trong một vài năm tới. Trong thời điểm hiện nay, hầu hết các siêu thị điện máy lớn chưa nhập nhiều mẫu hàng mới mà đang tìm mọi cách để bán hết hàng tồn kho, hàng bỏ mẫu.

NHIỀU CƠ HỘI CHO NGƯỜI TIÊU DÙNG

Nhận định của ông Kimihiro Itoki, Tổng Giám đốc Công ty Sony Electronics Việt Nam, theo Hiệp định này, đối với các sản phẩm nghe nhìn điện tử, lộ trình sẽ giảm và tiến đến miễn thuế khá dài từ 5-10 năm tùy theo từng chủng loại. Mức thuế giảm sẽ được chia đều bình quân theo từng năm dựa trên mức thuế cơ bản được quy định trong hiệp định. Như vậy, người tiêu dùng sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn những sản phẩm có giá bán rẻ hơn, chất lượng tốt hơn và chế độ bảo hành được đảm bảo từ các hãng điện tử có tiếng trong nước...

Việc giảm thuế có hiệu lực trong năm 2009, nhưng chưa ảnh hưởng nhiều đến giá bán các mặt hàng điện máy, điện tử. Bởi lộ trình này, mặt hàng điện tử có xuất xứ từ Nhật Bản sẽ còn nhiều đợt điều chỉnh giảm, nhưng tốc độ giảm được kéo dài trong nhiều năm tới. Từ ngày 1-10-2009, thuế suất theo cam kết VJEPA, đối với mặt hàng máy quay phim, máy chụp hình kỹ thuật được giảm từ 10% xuống còn 8%, đến năm 2013 còn mức 0%. Lộ trình cắt giảm thuế suất máy vi tính xách tay xuất xứ từ Nhật giảm 2% xuống còn 8%, đầu DVD giảm 4% xuống 36%... và đến năm 2024 còn 0%. Cũng từ ngày 1-10-2009, thuế nhập khẩu mặt hàng ti-vi từ 40% giảm xuống còn 36% và đến năm 2017 còn 0%. Bên cạnh đó, giá các mặt hàng này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác dẫn tới làm tăng hay giảm giá thành sản phẩm như tỷ giá đồng ngoại tệ, khuyến mãi, chi phí vận chuyển...

Hiện nay, ngoài các mặt hàng nhập từ các nhà máy lớn trong khu vực (Malaysia, Thái Lan...) Công ty Sony Electronics Việt Nam cũng đã nhập một số mặt hàng nguyên chiếc như: Ti-vi LCD BRAVIA cao cấp, sản phẩm kỹ thuật số, máy tính xách tay VAIO... nhập trực tiếp từ Nhật Bản. Đối với Sony Electronics Việt Nam, chỉ có mặt hàng ti-vi cao cấp, máy tính xách tay VAIO và sản phẩm kỹ thuật số sẽ bị ảnh hưởng giảm từ 2,5-4,5% tùy theo từng mặt hàng. Lộ trình mở rộng đa dạng các chủng loại sản phẩm nhằm giúp khách hàng có thể tiếp cận những sản phẩm công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực tế của khách hàng tại thị trường Việt Nam.

Với lộ trình này, các nhà sản xuất, kinh doanh mặt hàng điện tử tại Việt Nam cho rằng, giá cả hàng điện tử chắc chắn sẽ tiếp tục hạ, nhưng mức độ cũng như tốc độ giảm sẽ trải dài vài năm. Trước mắt, thời điểm năm 2009 hiệp định chưa ảnh hưởng nhiều đến giá hầu hết hàng điện tử điện máy trong nước. Đa phần các sản phẩm điện tử, điện máy của Nhật có mặt tại VN đều được nhập từ các nước như Thái Lan, Malaysia, Singapore. Số lượng các thiết bị nhập trực tiếp từ Nhật chỉ chiếm khoảng 1%. Vì vậy, trước mắt hiệp định sẽ không ảnh hưởng nhiều đến cục diện giá cả của thị trường điện tử, điện máy trên cả nước.

Theo ông Lê Hồng Xuân, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tiếp thị Bến Thành, đứng trên phương diện nhà phân phối hàng điện tử điện máy, VJEPA không chỉ khuyến khích và thúc đẩy các hoạt động nhập khẩu và phân phối mà còn mang lại những lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng. Hiệp định đã có hiệu lực chắc chắn sẽ kích thích sức mua và nhu cầu sử dụng hàng điện tử của người dân. Đấy là tín hiệu đáng mừng không chỉ của riêng Best Carings (chuỗi đại siêu thị điện tử điện máy được hình thành từ hợp đồng nhượng quyền thương mại giữa Công ty TNHH Tiếp thị Bến Thành và Tập đoàn bán lẻ điện tử điện máy Best Denki Nhật Bản) mà của bất kỳ doanh nghiệp bán lẻ và phân phối các mặt hàng điện tử có xuất xứ từ Nhật. Tuy nhiên, điều chúng tôi lo ngại là sự nhập khẩu ồ ạt sẽ làm cho cuộc cạnh tranh về giá cả, chủng loại sản phẩm giữa các nhà phân phối bán lẻ sẽ ngày càng trở nên gay gắt.

Việc một số hàng hóa đang giảm giá là điều tất yếu, nhất là khi một số yếu tố như nguyên liệu đầu vào, cung-cầu thị trường đang giảm. Điều này sẽ có lợi cho người tiêu dùng và cũng là dịp để những hàng hóa trước đây có giá bán cao, không hợp lý do cầu nhiều hơn cung điều chỉnh về đúng giá trị thực. Trong đó, hàng điện từ giảm là do giá nhập khẩu linh kiện đã giảm mạnh. Ngoài ra, năm 2008, các hãng sản xuất ti-vi đua nhau đưa ra thị trường các sản phẩm ti-vi LCD đã được ưa chuộng trong năm 2007, khiến thị trường nhanh chóng bão hòa, lượng tồn kho lớn, nên phải giảm giá bán.

Một yếu tố nữa cũng tác động rất lớn đến thị trường là sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, áp lực cạnh tranh giữa các hãng sản xuất, giữa các nhà bán lẻ ngày càng lớn, nguồn hàng về nhiều (chủ yếu là hàng nhập nguyên chiếc), nên phải giảm giá từ nay đến cận Tết Nguyên đán 2010.

Bài, ảnh: VĂN TUẤN

Chia sẻ bài viết