15/09/2010 - 15:46

ĐƯA LAO ĐỘNG ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI

Nhiều ách tắc cần tháo gỡ

Nhân viên Trung tâm Giới thiệu việc làm TP Cần Thơ tư vấn, giới thiệu thông tin các thị trường lao động ngoài nước cho người lao động huyện Cờ Đỏ.

Mới đây, tại Hội nghị tham vấn Kế hoạch phát triển lĩnh vực lao động, người có công và xã hội 5 năm (2011-2015) và giao ban công tác 6 tháng đầu năm 2010, do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức tại TP Cần Thơ, vấn đề thuận lợi, khó khăn trong công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) được các đại biểu quan tâm, phân tích cặn kẽ. Mục đích là tìm ra nguyên nhân hạn chế, định hướng kế hoạch và đề xuất những giải pháp để thúc đẩy công tác này phát triển mạnh mẽ, đạt hiệu quả giảm nghèo, nâng cao mức sống người dân cả nước...

* Nỗ lực

Báo cáo của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), cho thấy, từ năm 2006 đến hết tháng 6-2010, cả nước có 360.961 lao động đi làm việc ở nước ngoài, bình quân mỗi năm đưa đi trên 80.000 lao động. Hiện nay, có gần 500.000 lao động Việt Nam đang làm việc trên 40 nước và vùng lãnh thổ với hơn 30 nhóm ngành nghề các loại. Các thị trường lao động trọng điểm của nước ta là Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia, trong đó thị trường Malaysia thu hút 77.758 lao động. Hàng năm, người lao động gửi về gia đình trên 1,7 tỉ USD, góp phần tạo nguồn thu ngoại tệ cho đất nước.

Hiện nay, cả nước có 167 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh phát triển thị trường XKLĐ, nước ta còn tăng cường quản lý lao động ở nước ngoài, quản lý Nhà nước về XKLĐ, tập trung đào tạo nghề cho lao động có nhu cầu đi XKLĐ. Đồng thời, tăng cường sự hợp tác, tìm kiếm thị trường lao động mới, phù hợp với thực tế đời sống, có việc làm và thu nhập ổn định... để người lao động có thể tích lũy được số vốn sau khi làm việc hết hợp đồng về nước. Những năm trước, bằng định hướng đúng đắn về một cơ hội mới, vừa tiếp cận sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, vừa mạnh dạn đầu tư cho con em, nhiều gia đình từ nghèo đến cận nghèo, đa số tập trung ở miền Bắc và miền Trung đã nhanh chóng cải thiện được cuộc sống, vươn lên, hình thành nên những xóm làng, dòng họ chuyên đi XKLĐ.

* ĐBSCL: Còn lắm khó khăn

Nếu ở các tỉnh, thành miền Bắc và miền Trung, công tác XKLĐ tiếp tục được duy trì và từng bước phát triển thì ở các tỉnh, thành ở ĐBSCL, công tác này gặp nhiều khó khăn, ngành chức năng phải loay hoay tháo gỡ. Mặc dù, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và tạo mọi điều kiện thuận lợi thông qua việc hỗ trợ làm hồ sơ, thủ tục, vay vốn, chọn thị trường lao động an toàn, công ty uy tín, việc làm ổn định... để giới thiệu cho người lao động chọn lựa, nhưng nhiều năm liền không đạt chỉ tiêu. Hiện nay, các tỉnh, thành ĐBSCL chỉ đưa lao động đi nhiều nhất ở thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, rất ít lao động đăng ký đi Malaysia.

Ở Hậu Giang, những năm gần đây, công tác XKLĐ cũng gặp nhiều khó khăn. Từ đầu năm đến nay, cả tỉnh chỉ có 26 lao động đi làm việc ở Hàn Quốc. TP Cần Thơ từ đầu năm đến nay, cũng chỉ đưa khoảng 35 người đi XKLĐ. Mặc dù thành phố đã tăng cường công tác tuyên truyền vận động, tổ chức các đợt tư vấn, giới thiệu các thị trường lao động ngoài nước với việc làm và thu nhập khá ổn định đến tận xã, nhưng rất ít lao động đăng ký. Ông Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ, cho biết: “Người lao động thành phố ngán ngại thị trường Malaysia vì cho rằng việc làm không thường xuyên và thu nhập không ổn định, nhiều rủi ro. Trong khi các thị trường khác có việc làm, thu nhập ổn định nhưng người lao động lại hạn chế về trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, ý thức tổ chức kỷ luật...”. Thời gian qua, thành phố tổ chức các lớp dạy nghề miễn phí phục vụ người lao động có nhu cầu học nghề đi XKLĐ... nhưng chiêu sinh không có học viên đăng ký. Các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Vĩnh Long, Trà Vinh... cũng gặp những khó khăn tương tự trong hoạt động tư vấn, thông tin tuyên truyền đều không đạt kế hoạch XKLĐ.

Theo đại diện ngành chức năng, cú “sốc” lớn nhất là do số lao động sang Malaysia làm việc ồ ạt về nước trước hạn, do trình độ ngoại ngữ, tay nghề hạn chế, không đáp ứng yêu cầu công việc; việc làm, thu nhập không ổn định, xứ lạ quê người bất đồng ngôn ngữ, không thích nghi với phong tục, tập quán nước sở tại... từ các năm trước đã làm nhiều gia đình người lao động ngán ngại, phân vân và từ bỏ ý định cho con đi XKLĐ. Bên cạnh đó, còn một bộ phận lao động thiếu ý thức tổ chức kỷ luật, vi phạm pháp luật nước sở tại như: nấu rượu, đánh nhau tập thể... bị trả về nước trước thời hạn hợp đồng. Và, hệ lụy của vấn đề trên là số vốn cho người lao động vay tiền đi XKLĐ trở thành “nợ khó đòi”. Theo Ngân hàng Chính sách Xã hội TP Cần Thơ, 6 tháng đầu năm 2010, nợ quá hạn chương trình XKLĐ trên 6,7 tỉ đồng, tăng gần 1,6 tỉ đồng so với cuối năm 2009. Công tác thu hồi, xử lý nợ vay chưa được chính quyền, đoàn thể, các địa phương quan tâm thực hiện rốt ráo...

* Giải pháp khắc phục

Ngoài hạn chế công tác quản lý Nhà nước về XKLĐ, doanh nghiệp XKLĐ vi phạm các quy định của pháp luật, ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế thế giới và tốc độ phục hồi sau khủng hoảng rất chậm, một thực tế đáng quan tâm chấn chỉnh là công tác chuẩn bị nguồn lao động chưa đáp ứng yêu cầu thị trường lao động ngoài nước. Nhất là trong giai đoạn Nhà nước chủ trương giảm dần đưa lao động không nghề và tay nghề thấp đi làm việc ở nước ngoài và các thị trường lao động ngoài nước chủ yếu tiếp nhận lao động có tay nghề. Vấn đề chất lượng nguồn lao động thấp trực tiếp ảnh hưởng đến việc giữ vững thị trường lao động hiện có và mở thị trường lao động mới. Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền về XKLĐ còn nhiều hạn chế, thông tin về các điều kiện, tiêu chuẩn đi XKLĐ, các chủ trương, chính sách hỗ trợ của Nhà nước cũng như thị trường lao động ngoài nước đến với người lao động chưa thường xuyên, liên tục. Chính quyền đoàn thể các địa phương từng lúc từng nơi chưa thật sự quan tâm chú trọng công tác tuyên truyền, vận động XKLĐ, chưa làm hết chức năng, trách nhiệm trong việc tư vấn, giải thích hay hướng dẫn về hồ sơ, thủ tục hay thị trường lao động; chưa theo dõi, giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh, đảm bảo quyền lợi người lao động, không gây ảnh hưởng dư luận...

Thời gian tới, để công tác XKLĐ đạt chất lượng và hiệu quả hơn, Bộ LĐ-TB&XH tập trung phát triển các thị trường truyền thống đang có đông lao động làm việc, như: Trung Đông, Đài Loan, Malaysia, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong đó, Malaysia vẫn là thị trường “dễ tính” và phù hợp với lao động cả nước, nhưng cần thẩm định các hợp đồng tốt, ổn định, ít rủi ro; tổ chức tư vấn, tuyển chọn lao động phù hợp; cung cấp thông tin đầy đủ, khách quan về thị trường này để người lao động đăng ký. Đối với thị trường Hàn Quốc, thúc đẩy việc kiểm tra tiếng Hàn dành cho lao động có nguyện vọng sang làm việc ở Hàn Quốc. Mở rộng đào tạo các nghề có nhu cầu cao, như: hàn 3G, 6G, xây dựng, cơ khí, dịch vụ và ngoại ngữ để cung ứng lao động cho thị trường Trung Đông; đào tạo nghề cho lĩnh vực sản xuất chế tạo và khán hộ công đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của thị trường Đài Loan; đẩy mạnh hợp tác chương trình đưa tu nghiệp sinh sang Nhật Bản với tổ chức IMM. Ngoài ra, Bộ chỉ đạo các doanh nghiệp XKLĐ tập trung khai thác các hợp đồng đưa lao động trình độ cao sang các nước Úc, New Zealand, Canada...Theo Trung tâm Giới thiệu việc làm TP Cần Thơ, cho biết: “Thời gian qua, Trung tâm thường xuyên tổ chức các lớp dạy tiếng Hàn phục vụ XKLĐ; ôn thi chứng chỉ KLPT cho người lao động có nhu cầu đi XKLĐ sang Hàn Quốc. Thông qua các hoạt động: Sàn giao dịch việc làm định kỳ hàng tháng và sắp tới là Ngày Hội tuyển dụng sinh viên, Trung tâm cung cấp nhiều thông tin về XKLĐ và tạo điều kiện cho người lao động trực tiếp tiếp cận các Công ty XKLĐ để trao đổi, tìm hiểu thêm...”.

Kinh nghiệm từ thực tế công tác XKLĐ thời gian qua cho thấy, muốn có việc làm tốt, thu nhập ổn định, môi trường làm việc thoải mái, an toàn, yếu tố tiên quyết là chất lượng nguồn lao động. Lao động phải đạt trình độ tay nghề, kỹ thuật nhất định, có đạo đức nghề nghiệp, chấp hành kỷ luật lao động. Vì vậy, công tác đào tạo nghề, chuẩn bị nguồn lao động chất lượng phải được chú trọng hàng đầu. Nhà nước tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ đào tạo một số nghề đặc thù, đòi hỏi kỹ thuật cao theo nhu cầu của các thị trường lao động. Đồng thời, tất cả người lao động trước khi đi XKLĐ được tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức cần thiết về phong tục, tập quán, pháp luật có liên quan của nước tiếp nhận lao động... để sẵn sàng tâm lý, không bỡ ngỡ, lúng túng khi tiếp cận môi trường mới.

Dù còn nhiều khó khăn, vướng mắc, nhưng công tác XKLĐ luôn được xem là một trong những yếu tố quan trọng phát triển kinh tế – xã hội, không chỉ mang lại nguồn thu cho đất nước mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình, giúp giảm nghèo nhanh chóng và vững chắc, tạo nên nguồn nhân lực trẻ, năng động, nhạy bén và chuyên nghiệp. Để hướng tới mục tiêu đó, Nhà nước đã, đang và sẽ tiếp tục nghiên cứu tìm giải pháp khả thi, xây dựng các chương trình, dự án để thúc đẩy công tác, đầu tư thỏa đáng trong đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn lao động, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của các thị trường; tạo thêm thuận lợi về mọi mặt để người lao động các tỉnh, thành trong cả nước tận dụng XKLĐ như một cơ hội đổi đời và mạnh dạn đăng ký đi XKLĐ!

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

Theo kế hoạch 5 năm tới (2011-2015), cả nước phấn đấu đưa 450.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó 70-80% lao động đã qua đào tạo nghề... đưa đi làm việc ở những thị trường lao động tiềm năng, uy tín, an toàn. Trong đó, tập trung đưa lao động làm việc ở các thị trường lao động trọng điểm, như: Đài Loan: 180.000 lao động; Malaysia: 50.000 lao động; Hàn Quốc: 50.000 lao động; Nhật Bản: 30.000 lao động...


Chia sẻ bài viết