04/04/2017 - 21:35

Nhiễm vi-rút viêm gan B và C tăng nguy cơ mắc bệnh Parkinson

  • Tập thể dục 2,5 giờ/tuần làm chậm tiến triển của bệnh

 Tập thể dục là cách giúp bệnh nhân Parkinson duy trì chức năng vận động. Ảnh: students4bestevidence

Cảnh báo trên vừa được các nhà khoa học tại Đại học Oxford (Anh) đưa ra sau khi điều nghiên lại hồ sơ y tế của gần 100.000 người nhiễm vi-rút viêm gan B và C, viêm gan tự miễn, viêm gan mãn tính trong khoảng 12 năm.

Cụ thể, các chuyên gia đã xem xét dữ liệu y tế của tất cả người tham gia để xem ai là người dễ có nguy cơ phát triển hội chứng liệt rung – Parkinson. Kết quả cho thấy, so với các nhóm bệnh nhân khác thì những người nhiễm vi-rút viêm gan B có nguy cơ phát triển bệnh Parkinson cao hơn 76%, trong khi tỷ lệ này ở người nhiễm vi-rút viêm gan C là 51%.

Tuy chưa xác định mối liên hệ giữa vi-rút gây viêm gan và Parkinson, song nhóm nghiên cứu cho rằng bản thân vi-rút gây bệnh hoặc liệu pháp chữa trị căn bệnh truyền nhiễm này có thể góp phần kích hoạt căn bệnh thoái hóa thần kinh. Một giả thuyết khác là những người dễ bị tổn thương do nhiễm vi-rút viêm gan cũng dễ phát triển bệnh Parkinson, vì sau khi tấn công ở gan vi-rút có thể chuyển sang tấn công hệ thần kinh.

Các chuyên gia hy vọng việc nhận diện mối quan hệ giữa vi-rút viêm gan với bệnh Parkinson có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn xu hướng phát triển của hội chứng liệt rung. Được biết, vi-rút viêm gan B lây truyền do tiếp xúc với máu và dịch cơ thể của người nhiễm bệnh, chẳng hạn như quan hệ tình dục không an toàn, dùng chung kim tiêm, bàn chải đánh răng, dụng cụ xăm/xỏ lỗ tai không được tiệt trùng. Còn vi-rút viêm gan C lây trực tiếp qua đường máu (như dùng chung kim tiêm, dao cạo, bàn chải đánh răng) với người bệnh, hoặc lây từ mẹ sang con trong lúc sinh. Ở cả hai loại viêm gan này, bệnh nhân thường ít thể hiện triệu chứng ở giai đoạn đầu mắc bệnh.

 Cũng liên quan đến bệnh Parkinson, nghiên cứu chung của Đại học Northwestern và Học viện Phục hồi chức năng Chicago (Mỹ) cho thấy thói quen vận động cơ thể mỗi ngày có thể giúp trì hoãn tiến triển của căn bệnh khiến cuộc sống người bệnh vô cùng bất tiện (như đi lại khó khăn, dễ té ngã, khó cầm nắm các vật dụng…).

Để đi đến kết luận trên, các chuyên gia đã quan sát trên 3.400 bệnh nhân Parkinson ở Bắc Mỹ, Hà Lan và Israel trong hơn 2 năm. Trong suốt nghiên cứu, nhóm đã ghi nhận những thay đổi trong năng lực di chuyển ở bệnh nhân do ảnh hưởng của bệnh tình, thông qua việc ghi lại tổng thời gian họ đứng dậy khỏi ghế, đi bộ khoảng 3 mét và quay về vị trí cũ.

Theo đó, họ phát hiện rằng chỉ cần vận động thể chất ít nhất 2,5 tiếng mỗi tuần (với bất cứ bài tập nào) cũng mang lại lợi ích cải thiện sức khỏe cho bệnh nhân Parkinson. Đáng chú ý, những người bị bệnh nặng là đối tượng hưởng lợi nhiều nhất nếu dành thêm 30 phút mỗi tuần để tập thể dục.

Theo trưởng nhóm nghiên cứu Miriam Rafferty, phần quan trọng nhất của phát hiện mới là khuyến khích những người chưa thực hiện đủ thời lượng tập thể dục theo khuyến nghị có thể bắt đầu tập luyện từ hôm nay, nhằm giảm nhẹ mức độ suy giảm chất lượng sống và khả năng di chuyển do tiến triển của bệnh Parkinson. 

AN NHIÊN (Theo Daily Mail, HealthDay)

Chia sẻ bài viết