TRÍ VĂN (Tổng hợp)
Nếu những chiếc xe và tàu quân sự trang bị vũ khí sát thương của Nhật Bản được xuất khẩu sẽ đánh dấu sự thay đổi của chính quyền Thủ tướng Fumio Kishida đối với 3 nguyên tắc về chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng cho nước ngoài được quy định trong Hiến pháp hòa bình.

Chiến đấu cơ Mitsubishi F-2 của Nhật Bản. Ảnh: AFP
Cho đến nay, Nhật Bản vẫn giữ vững 3 nguyên tắc nói trên, trong đó cấm xuất khẩu vũ khí, ngoại trừ các dự án sản xuất hoặc phát triển vũ khí chung với một quốc gia khác. Song, Chính phủ Nhật Bản tại cuộc họp mới đây thông báo cho đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền và đảng liên minh Công minh Mới (Komeito) rằng có khả năng nước này sẽ xuất khẩu các thiết bị quốc phòng có tính sát thương, gồm các phương tiện giám sát và tàu quét mìn được trang bị pháo tự động của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, bởi không có lệnh cấm rõ ràng nào.
Một nguồn tin thân cận với Chính phủ Nhật Bản cho hay, Tokyo có thể xuất khẩu thiết bị quốc phòng được trang bị vũ khí sát thương cho các quốc gia mà nước này có quan hệ hợp tác an ninh, miễn là chúng được sử dụng cho các mục đích cứu hộ, vận chuyển, cảnh giác, giám sát hoặc quét mìn. Bộ trưởng Quốc phòng Yasukazu Hamada tiết lộ rằng chính phủ sẽ quyết định xuất khẩu vũ khí sát thương “theo từng trường hợp cụ thể”.
Theo tờ Japan Times, LDP và Komeito hồi tháng 4 đã có các cuộc thảo luận xung quanh việc sửa đổi các hướng dẫn thực hiện 3 nguyên tắc về chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng cho nước ngoài, giữa lúc Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine. Trong khi LDP nhất trí nới lỏng các nguyên tắc đó nhằm tăng cường hỗ trợ cho Ukraine, Komeito bày tỏ lo ngại rằng việc bán vũ khí cho các quốc gia khác có thể làm trầm trọng thêm xung đột vũ trang và đi ngược lại Hiến pháp hòa bình thời hậu chiến của Nhật Bản. Do đó, Tokyo chỉ cung cấp cho Ukraine áo và mũ chống đạn dù các nước phương Tây viện trợ cho Kiev nhiều thiết bị quân sự, gồm tên lửa, xe tăng và chiến đấu cơ.
Stephen Robert Nagy, phó giáo sư tại Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế Nhật Bản đồng thời là học giả Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật nhận định, việc Tokyo thông qua vấn đề bán vũ khí sát thương cho nước khác không chỉ nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của cả bên mua lẫn bên bán mà còn giúp xứ Mặt trời mọc thắt chặt quan hệ ngoại giao với các đối tác.
“Việc có thể bán vũ khí để các nước trong khu vực Thái Bình Dương phòng vệ sẽ giúp nâng cao khả năng phòng thủ giữa Nhật Bản với các đối tác. Vũ khí được chuyển giao cho các đối tác đáng tin cậy, tạo ra một mạng lưới các quốc gia có vũ khí, tiêu chuẩn và thách thức an ninh tương tự. Qua đó, Nhật Bản với tư cách là bên bán cũng có cơ hội củng cố mối quan hệ ngoại giao với bên mua” - phó giáo sư Nagy phân tích. Theo ông này, việc Nhật Bản cung cấp vũ khí và hỗ trợ huấn luyện sẽ giúp các quốc gia đang gặp thách thức về an ninh củng cố năng lực đẩy lùi tham vọng của các cường quốc đang muốn thay đổi trật tự, luật lệ quốc tế ở Biển Đông hoặc những nơi khác.
Hiện các kiến nghị của LDP bao gồm cung cấp tên lửa đất đối không hoặc máy bay tấn công không người lái cho Ukraine và xuất khẩu tàu chiến sang các nước Đông Nam Á.
3 nguyên tắc về chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng ra nước ngoài cho phép Nhật Bản xuất khẩu hoặc chuyển giao các mặt hàng đó sang các nước khác theo 3 điều kiện. Một là, cấm xuất khẩu hoặc chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng cho các quốc gia đang có xung đột vũ trang. Hai là, giới hạn việc xuất khẩu hoặc chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng trong các trường hợp có thể đóng góp cho hòa bình, hợp tác quốc tế hoặc đảm bảo an toàn cho Nhật Bản. Điều kiện cuối cùng đòi hỏi các nước tiếp nhận phải đảm bảo việc quản lý thiết bị quốc phòng.